Những đứa trẻ nghèo đang dạy chúng ta cách làm người tử tế!

03/05/2021 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự thiếu thốn về vật chất chưa bao giờ là rào cản nếu chúng ta muốn “làm giàu” cho tâm hồn, “làm giàu” giá trị đạo đức cho bản thân.

Những ngày qua, câu chuyện về hành động đẹp của em Bùi Thị Mỹ Dung (trường Trung học phổ thông Hương Khê, Hà Tĩnh) nhặt được 350 triệu đồng cùng 3 cây vàng và đem trả lại cho người đánh rơi đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Gần nửa tỷ đồng – đó là số tài sản Dung nhặt được. Nhiều ý kiến cho rằng, đứng trước một số tiền lớn như vậy thì cuộc chiến giữa "lòng tham" và "lương tâm" sẽ xảy ra, con người ta sẵn sàng gạt bỏ lương tâm, gạt bỏ những bài học đạo đức để tư lợi cho riêng mình.

Ngay cả chị Thắm – người đánh rơi tiền cũng chia sẻ “tôi xác định là mất rồi”, chị cũng không dám tin số tiền đó sẽ được hoàn trả lại.

Thế nhưng, với Bùi Thị Mỹ Dung, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ của em lại chỉ hướng về một đối tượng duy nhất - người mất tài sản. Dung chân thành chia sẻ: “Ai mất tài sản cũng rất buồn và lo lắng, điều quan trọng nhất là phải sớm tìm cách để trả lại cho họ”. (1)

Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tặng bằng khen cho em Bùi Thị Mỹ Dung vì hành động đẹp trả lại tiền cho người đánh mất (Ảnh: TTXVN)

Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tặng bằng khen cho em Bùi Thị Mỹ Dung vì hành động đẹp trả lại tiền cho người đánh mất (Ảnh: TTXVN)

Đã có giây phút em phân vân không dám nhặt gói đồ vì nghĩ người đánh rơi quay lại tìm không thấy sẽ lo lắng. Nhưng Dung cũng băn khoăn, nếu mình không nhặt thì có thể chiếc túi sẽ rơi vào tay ai khác tham lam?

Quyết định nhặt gói đồ lên, phát hiện số tiền lớn, em “ngồi ôm bọc tiền chờ đợi ai đến tìm để trả lại”. Đợi một lúc không thấy ai, để an toàn, Dung gửi số tiền vàng ở nhà dì ruột gần đấy, nhờ dì tìm cách trả lại cho người đánh mất.(2)

Cô học trò nhỏ lần đầu tiên nhặt được số tiền lớn và chỉ loay hoay tìm cách bảo vệ tài sản cho người đánh rơi, hoàn toàn không mảy may một chút suy nghĩ của lòng tham, em xem đó là một việc làm hiển nhiên, rất giản đơn, rất đời thường.

Đúng vậy! “Nhặt được của rơi tìm người trả lại” – đây vốn dĩ là một hành động hiển nhiên và “bình thường” theo đúng quy chuẩn đạo đức xã hội. Thế nhưng, trong một cuộc sống còn nhiều gian dối, lừa lọc, khi chúng ta chứng kiến không ít câu chuyện mà giá trị đạo đức bị băng hoại thì hành động của Dung thực sự là “đặc biệt”, đáng trân trọng, ngợi ca.

Đáng quý hơn khi hoàn cảnh gia đình Dung chẳng khá giả gì, em là một học sinh nghèo, nhà có 4 chị em, vì bố mẹ làm ăn xa nên từ nhỏ Dung sống cùng bà ngoại nay đã 85 tuổi. Dù cuộc sống vất vả nhưng Dung đã cho mọi người thấy sự tử tế, nhân cách cao đẹp của những con người chân quê mộc mạc - đúng như lời dạy của ông cha ta “nghèo cho sạch, rách cho thơm”!

Cách đây không lâu, vào đầu tháng 4, câu chuyện về nam sinh Nguyễn Dân An, lớp 6A10, Trường Trung học Cơ sở Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trả lại 70 triệu đồng cho người đánh rơi cũng khiến nhiều người cảm phục.

Bằng tất cả những suy nghĩ trong sáng, thành thực nhất, Dân An chia sẻ: “Em chỉ nghĩ đơn giản là những gì không phải của mình mà nhặt được thì phải đem trả cho người đánh rơi. Điều này thầy cô và mẹ ở nhà đã thường xuyên dạy bảo. Cũng giống như việc mẹ bị đánh rơi đồ nhưng lại có người khác mang trả lại thì thực sự sẽ tốt hơn rất nhiều”. (3)

An cũng là một cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt, bố An mất khi mẹ đang mang thai em 8 tháng. Một mình mẹ phải gồng gánh nuôi hai anh em ăn học. Thế nhưng những chia sẻ của An lại cho thấy em là một cậu bé thật hiểu chuyện, thật tử tế.

Dân An đã giúp mọi người nhận ra rằng, hoàn cảnh nghèo khó không phải là lý do để con người ta bán rẻ lương tâm trước tiền tài, vật chất, làm điều sai trái, tham lam những thứ không phải của mình.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Với những gì Mỹ Dung, Dân An đã làm, các em chính là những đóa hoa đầy hương sắc, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, truyền cảm hứng về những bài học đạo đức, những câu chuyện nhân văn đến với mọi người.

Không tham lam và đầy tự trọng, cả Mỹ Dung và Dân An đều nhất quyết từ chối nhận số tiền cảm ơn từ những người đánh rơi. Bởi lẽ, một điều giản đơn trong suy nghĩ của các em, đó là việc cần làm, nên làm. Chính Mỹ Dung đã nói rằng “em không nhận tiền cảm ơn vì đó không phải là công sức của em”.

Và có một điều chắc chắn là, những đứa trẻ này đều được hưởng nền tảng giáo dục rất tốt từ gia đình. Bà ngoại Mỹ Dung tâm sự: “Tui có 8 người con và rất nhiều cháu. Đứa nào tui cũng dạy không được tham của rơi. Từ nhỏ tui dạy cháu nhặt được tiền thì phải trả lại vì người mất sẽ nóng ruột. Đó không phải là mồ hôi công sức của mình làm ra thì không được đụng đến”. (2)

Còn với Dân An, việc trả lại đồ cho người đánh rơi là điều mà mẹ thường xuyên dạy bảo.

Quả không sai khi nói rằng, cái nôi của giáo dục đạo đức chính là gia đình. Những bài học giáo dục từ gia đình, từ những người thân đã giúp Mỹ Dung và Dân An sống tử tế, trung thực, biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác để hành xử đúng đắn, nhân văn.

Chính các em, những đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng, những đứa trẻ dù còn sống trong cái nghèo lại đang dạy chúng ta cách làm người tử tế. Sự thiếu thốn về vật chất chưa bao giờ là rào cản nếu chúng ta muốn “làm giàu” cho tâm hồn, “làm giàu” giá trị đạo đức cho bản thân.

Và liệu rằng, câu chuyện của những đứa trẻ nghèo tử tế có khiến những tham quan, những kẻ chỉ sống dựa vào lừa lọc, dối trá,… biết nhìn lại mà giật mình, xấu hổ?

Còn nhớ vào giữa năm 2020, thông tin 3 cán bộ phòng giáo dục huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai ăn chặn 2,8 tỷ đồng tiền ăn trưa của học sinh đã khiến dư luận dậy sóng.

Thật tai hại khi những người đầu ngành giáo dục một huyện lại nhẫn tâm “ăn chặn” tiền hỗ trợ của các em học sinh.

Thời điểm đó, người ta so sánh câu chuyện này với hình ảnh “bát cơm nguội với ve sầu” của những em nhỏ ở huyện Krông Pắk, ĐắK Lắk. Trong khi hàng ngàn đứa trẻ đang phải sống trong cảnh lem luốc, đói khát thì vẫn có những vị “quan” bằng mọi giá, giành ăn cho bằng được tiền hỗ trợ - cũng chính là những bữa ăn đơn sơ của những đứa trẻ nghèo tội nghiệp.

Chẳng riêng gì trong giáo dục mà ở một số bệnh viện lớn như Xanh Pôn, Bạch Mai... cũng đã xảy ra tiêu cực khiến nhiều người bàng hoàng, giận dữ.

Những thiết bị, những dự án, công trình bị đội giá; Những hành vi ăn chặn, ăn bớt tiền hỗ trợ của người nghèo, tiền ăn của học sinh,… Thật đáng buồn khi những câu chuyện đó cứ lặp lại, tiếp diễn từ năm này sang năm khác.

Những vị quan là “công bộc” của dân, những người quản lý, những cán bộ y tế,… họ nào đâu có nghèo khổ, túng thiếu đến mức phải “vứt bỏ” lương tâm của chính mình!

Phải chăng lòng tham giống như những con sâu đang đục khoét, làm mục ruỗng những giá trị nhân bản nhất trong lương tri của mỗi con người. Và có lẽ, hơn hết ai hết, chính họ cần phải đọc lại những bài giảng về đạo đức, học tập cách sống tử tế của những đứa trẻ nghèo chân thật.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/tuyen-duong-nu-sinh-tra-lai-gan-300-trieu-dong-ba-cay-vang-4269373.html

(2) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nu-sinh-nhat-duoc-nua-ty-em-cung-so-ban-than-tham-cua-730906.html

(3) https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/ha-noi-nam-sinh-nha-ngheo-tra-lai-70-trieu-dong-cho-nguoi-danh-roi-20210409105908391.html

Phạm Minh