Câu hỏi tưởng chừng ngô nghê, ai cũng biết câu trả lời, lại đang là những băn khoăn lo lắng của không ít trường phổ thông tư thục về Khoản 3, Điều 56, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Bên cạnh điểm sáng của Dự thảo về học phí trường tư thục, một bước tiến dài so với Luật Giáo dục 1998 và Luật Giáo dục hiện hành (2005), vẫn còn đó những ưu tư.
Những người không góp vốn được tham gia điều hành trường tư thục dễ dẫn đến tranh giành, rối loạn, ảnh minh họa: Công ty Quốc luật / quocluat.vn. |
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phân tích về quyền điều hành của các nhà đầu tư khi đầu tư vào trường tư thục, cũng như chuyển tải một vài kiến nghị từ các trường tư thục đến các cơ quan chức năng soạn thảo, thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Người không góp xu nào được quyền tham gia điều hành trường tư thục dễ dẫn đến rối loạn
Khoản 3, Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi phiên bản ngày 12/4/2019 nêu:
“Hội đồng trường của trường tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Thành viên của hội đồng trường bao gồm:
a) Đối với trường tư thục, bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp;
Học phí trường tư thục, điểm sáng của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi |
b) Đối với trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, bao gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường;
Thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu;
Thành viên ngoài trường là đại diện nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.
c) Số lượng và cơ cấu thành viên hội đồng trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường”.
Hội đồng trường của trường tư thục bao gồm đại diện các nhà đầu tư có vốn góp và rất nhiều thành viên không có vốn góp trong và ngoài trường!
Một hội đồng như thế không thể đại diện cho quyền điều hành trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục thay cho Hội đồng quản trị theo Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành:
“Hội đồng trường đối với trường công lập, hội đồng quản trị đối với trường dân lập, trường tư thục là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường...”.
Sĩ số bình quân lớp 1 các trường tiểu học công lập tại một số quận nội thành Hà Nội năm học 2018-2019, nếu không có hệ thống trường tư thục, con số này còn lớn hơn. Ảnh: VTV.vn. |
Căn cứ Luật Giáo dục 2005, ngày 28/3/2011, Bộ trưởng Bộ GDĐT ra Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.
Những quy định nói trên trong Luật Giáo dục hiện hành, Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.
Đó là cơ sở để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, giảm gánh nặng ngân sách và biên chế cho nhà nước, giảm sĩ số trường công, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân bởi quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ.
Có người lập luận, điểm "a) Đối với trường tư thục, bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp;" thì các thành viên do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỉ lệ vốn góp, bầu hay không bầu do nhà đầu tư quyết định cơ mà?
Xin thưa, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi quy định rõ về "thành viên đương nhiên" và "thành viên bầu".
Sắp diễn ra hội thảo về quyền của nhà đầu tư, trường tư thục |
Ít nhất 4 vị trí thuộc "thành viên đương nhiên", không phải bầu mà nghiễm nhiên được vào Hội đồng trường tư thục gồm: Bí thư chi bộ, Chủ tịch công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên và Hiệu trưởng.
Những người này không góp đồng vốn nào, bình thường theo Luật Giáo dục hiện hành thì không sao, nhưng một khi luật sửa đổi quy định họ là "thành viên đương nhiên" của Hội đồng trường, rắc rối sẽ nảy sinh.
Có những trường tư thục chỉ có 1-2 nhà đầu tư, họ sẽ thành thiểu số trong Hội đồng trường, khi biểu quyết liệu nhà đầu tư có còn giữ được quyền điều hành?
Đề xuất và kiến nghị
Cùng với quyền sở hữu (chúng tôi sẽ phân tích trong bài viết tới), quyền điều hành là một trong 2 trụ cột của nhà đầu tư khi đầu tư vào giáo dục, mở trường tư thục.
Thiếu một trong 2 quyền này hoặc một trong 2 quyền này không được pháp luật bảo hộ, e rằng sẽ khó có nhà đầu tư nào dám bỏ tài sản tích lũy cả đời, thậm chí vay mượn, cầm cố nhà cửa tài sản để đổ tiền vào mở trường tư thục, như đã từng diễn ra và có được cơ ngơi như ngày hôm nay.
Luật Giáo dục hiện hành, Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bảo hộ cả quyền sở hữu lẫn quyền điều hành của các nhà đầu tư.
Cho nên, dù vẫn còn những khó khăn, rào cản trong thực thi chính sách xã hội hóa giáo dục sáng suốt của Đảng và Nhà nước ở cơ sở, nhưng không ít trường tư thục vẫn vươn lên, phát triển mạnh mẽ và khẳng định được vị thế, chỗ đứng trong hệ thống giáo dục.
Ngày 26/4/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các trường, ảnh: Truyền hình Nhân dân. |
Không chỉ góp phần giảm tải sĩ số các trường công lập nội đô, giảm gánh nặng biên chế và ngân sách cho nhà nước, các trường tư thục còn là nhân tố kích thích các trường công lập buộc phải vận động và thay đổi.
Mô hình trường công lập "chất lượng cao" hay mô hình "song bằng" ở Hà Nội cho dù không phù hợp, nhưng đó là minh chứng cho thấy các trường công lập đang tìm cách học theo các trường tư thục trong một thị trường cung cấp dịch vụ giáo dục cạnh tranh ngày một gay gắt.
Vì vậy thiết nghĩ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và thực hiện thắng lợi chủ trương xã hội hóa, huy động sức dân tham gia sự nghiệp giáo dục đúng đắn của Đảng, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi nên giữ lại Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành, bãi bỏ Khoản 3 Điều 56 trong dự thảo;
Đồng thời nên bổ sung vào Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành một số quy định sau cho phù hợp với thực tiễn, giúp hệ thống trường tư thục phát triển ổn định và lành mạnh:
“Trường có từ hai thành viên góp vốn trở lên phải có Hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của Đại hội đồng thành viên góp vốn và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn của hệ thống các trường phổ thông tư thục. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, để các trường tư thục, các nhà đầu tư trình bày tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất đến Ban soạn thảo cũng như Cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Thời gian: 13h30 phút đến 17h ngày 8/5/2019. Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Trân trọng kính mời lãnh đạo các trường tư thục, các nhà đầu tư, cha mẹ học sinh quan tâm tham dự. Thông tin về Hội thảo vui lòng liên hệ với Tòa soạn theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. |
Hội đồng quản trị do Đại hội đồng thành viên góp vốn bầu và được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận.
Đối tượng tham gia Hội đồng quản trị là những người có vốn góp xây dựng trường hoặc người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân có số vốn góp theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
Trường phổ thông tư thục do 1 cá nhân hoặc tổ chức (sau đây gọi chung là Nhà đầu tư) đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng và kinh phí hoạt động của trường thì không có Hội đồng quản trị.
Nhà đầu tư có nhiệm vụ và quyền hạn như Hội đồng quản trị...”.