1. Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Năm qua, Tổng thống Nga Putin đã ngăn chặn thành công một cuộc chiến tranh mới tại Syria, làm thay đổi cục diện cả khu vực Trung Đông đã khiến ông xứng đáng là người có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong năm 2013.
Tổng thống Putin là người theo đuổi kiên trì nhất trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria. Nga đã dùng quyền phủ quyết nhiều lần bác bỏ các nghị quyết trừng phạt có thể mở đường cho sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào quốc gia này tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đứng trước mối đe dọa Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự chống lại chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad sau vụ tấn công hóa học giết chết hơn 1.400 dân thường, chiến dịch ngoại giao con thoi của Tổng thống Putin đã giúp Damascus đồng ý ký kết thỏa thuận tiêu hủy vũ khí hóa học để thoát khỏi chiến tranh với phương Tây.
Thỏa thuận do Nga là trung gian này được giới phân tích quốc tế đánh giá cao vì đã giúp Trung Đông thoát khỏi miệng hố chiến tranh vào phút chót.
2. Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. |
Chỉ sau hai năm lên cầm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã biến Triều Tiên trở thành trung tâm sự chú ý trong khu vực Đông Á và khiến nước này ngày càng bí hiểm khó đoán hơn, bị cô lập nhiều hơn và tương lai không chắc chắn hơn.
Kim Jong-un cho tiến hành các vụ thử tên lửa, hạt nhân bất chấp cảnh báo và sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế; đưa ra một loạt các tuyên bố đe dọa tấn công chống lại Mỹ và Hàn Quốc mạnh mẽ, cắt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc; đóng cửa khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong.
Gần đây nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quyết định thanh trừng nhân vật quyền lực số 2 và đồng thời là cố vấn, chú rể của mình, ông Jang Song-thaek gây chấn động dư luận khu vực và quốc tế.
Những động thái diễn ra một cách bất ngờ trên của nhà lãnh đạo này đã khiến tình hình bán đảo Triều Tiên khó có thể đoán trước. Ngay cả Trung Quốc và Nga là đồng minh và chỗ dựa kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Bình Nhưỡng nhiều lúc cũng không phải biết làm gì với quốc gia này.
3. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Trở lại chính trường trên cương vị Thủ tướng từ cuối năm 2012, Thủ tướng Abe đã cam kết sẽ duy trì chính sách cứng rắn của mình trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ và đẩy mạnh việc cải cách các dự luật, thúc đẩy mua sắm vũ khí tăng cường quyền và sức mạnh cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình trước các láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sự quyết đoán của Thủ tướng Abe có tác động ảnh hưởng rất lớn đến cục diện Đông Á, căng thẳng leo thang liên tục. Tranh chấp lãnh hải nóng bỏng từ Biển Đông tới Hoa Đông với một loạt các cuộc đối đầu trên không và trên biển giữa máy bay quân sự, tài hải quân, tàu tuần tra Nhật-Trung làm tăng nguy cơ một cuộc đối đầu.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ ra quyết đoán hơn đối với các yêu sách chủ quyền trên biển và đất liền với Ấn Độ, Nhật Bản, và các nước Đông Nam Á bằng cách điều tàu chiến khuấy động Biển Đông, đơn phương thiết lập cái gọi khu nhận diện phòng không trên Hoa Đông đè lên lãnh thổ của các nước láng giềng làm dấy lên lo ngại của các các nước liên quan lẫn cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, ở châu Á hiện nay, không có nhà lãnh đạo nào có trách nhiệm và khả năng lớn hơn ông Shinzo Abe và Tập Cận Bình trong việc biến khu vực này thành một khu vực thịnh vượng và hoàn bình đúng như tiềm năng và sự kỳ vọng của nó.
4. Edward Snowden
Edward Snowden. |
Cựu nhân viên CIA, một nhà thầu công nghệ làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã bí mật bỏ trốn tới Hồng Kông với hàng nghìn tài liệu tiết lộ về chương trình do thám lớn nhất thế giới do Mỹ đứng đầu đã gây choáng váng cộng đồng quốc tế sau khi được tiết lộ.
Thế giới đã sửng sốt trước quy mô gián điệp của NSA khi nó đã vượt ra ngoài lãnh thổ nước Mỹ, tới cả các đồng minh thân cận nhất của Washington và kích hoạt một làn sóng giận dữ. Nó chứng minh rằng iPhone, Yahoo, Google... không còn an toàn hay riêng tư; các đại sứ quán của một số nước phải thay đổi phương thức chống gián điệp của mình...
Mặc dù vài ngày trước, Snowden đã tuyên bố kết thúc sứ mệnh mà anh đã phải đánh đổi bằng sự tự do của mình để làm sáng tỏ ranh giới mong manh giữa quyền tự do thông tin và an ninh công cộng của nhân loại, nhưng các tài liệu Snowden thu thập được vẫn tiếp tục được tiếp lộ và khiến mọi người chú ý./.
5. Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Năm 2013 là có thể nói là năm "thắng ít, bại nhiều" của Tổng thống Obama. Hôm 21/12, tại một cuộc họp báo trước khi lên đường đi nghỉ năm mới tại Hawaii, ông Obama đã thừa nhận rằng ông đã bị một vài vấp ngã trong năm và bày tỏ hy vọng rằng năm mới sẽ tốt đẹp hơn.
Tuyên bố của ông Obama đã phản ánh một thực tế là trong năm 2013, ông đã liên tiếp gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí thất bại, trong cả lĩnh vực đối nội lẫn đối ngoại:
Đạo luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế được gọi là Obamacare mà ông ra sức bảo vệ đã khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong gần 3 tuần, đạo luật kiểm soát súng vẫn không được thông qua trong khi các vụ xả súng, đánh bom đẫu máu vẫn liên tiếp xuất hiện tại nước Mỹ;
Cải cách nhập cư không thể thông qua vì vấp phải phản đối của đảng Cộng hòa; bất đồng sâu sắc trong giới lãnh đạo cấp cao Mỹ, vụ tiết lộ chương trình gián điệp lớn nhất của Cơ quan An ninh Quốc gia khiến Mỹ bị cả đồng minh chỉ trích, tẩy chay...
Tuy nhiên, những bất hòa trong nước cuối cùng cũng đã được giải quyết ổn thỏa trước năm mới. Về đối ngoại, ông Obama có thể tự hào rằng đã đạt được bước tiến quan trọng trong quan hệ với Iran, tiêu hủy được vũ khí hóa học của Syria. Một vài thành công này cũng chưa bù đắp nổi cho những thất bại của ông Obama, nhưng không thể phủ nhận vai trò của nhà lãnh đạo này trong mọi sự kiện quốc tế.