“Nằm mơ thì làm sao ra lâu đài”
Sáng 23/3, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa đánh giá, Quốc hội và Chính phủ đều đã nỗ lực hết mình để tạo được chuyển động cho đất nước. Để tạo ra được sự chuyển động đó thì trước hết Quốc hội và Chính phủ phải chuyển động, và quan trọng là tất cả đều phải công khai để dân giám sát.
Chủ tịch Quốc hội ví von: “Mình phải chuyển động thì mới tiến lên được, chứ đâu phải một ngày một đêm mà tiến lên được. Có làm mới ra lâu đài được, chứ nằm mơ thì làm sao ra lâu đài”.
Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh Trung tâm Báo chí Quốc hội |
Nói về vai trò và trách nhiệm của mình với Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ: “Làm người lãnh đạo chỉ có hai việc thôi. Một là đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao thì hãy cố gắng làm cho tốt việc đó, làm hết sức mình.
Tận tâm, tận lực, rèn luyện mình để vượt qua chính mình, cố gắng cùng với lực lượng của mình và cùng với nhân nhân để làm cho tốt việc được giao. Hai là chuẩn bị người thay thế mình cho tốt. Với tôi thì tôi thấy cả hai việc ấy tôi đều hoàn thành nhiệm vụ”.
"Nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở để làm lãnh đạo"
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp (Đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải quyết tâm giảm biên chế vì bộ máy nhà nước vẫn quá cồng kềnh, thu ngân sách không đủ bù chi. Giảm không chỉ với các cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức đoàn thể.
Ông Đương nhấn mạnh: “Dù làm gì đi chăng nữa thì tôi cũng nhấn mạnh là phải bớt các tầng lớp trung gian đi, và phải coi trọng những người có trách nhiệm, những người trực tiếp làm ra sản phẩm.
Tức là phải coi trọng những người có chuyên môn giỏi, giảm số cán bộ phong trào hô khẩu hiệu đi. Đấy là số cán bộ nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở làm lãnh đạo, ngước lên để có quyền lực, mà như thế là gắn với tham nhũng đấy.
Người có tài là những người có đạo đức và tập trung cho chuyên môn chứ không nghĩ đến mấy trò xỏ lá, ba que. Còn những người có đức một cách trìu tượng thì khó đánh giá. Vì vậy, phải coi trọng những người có tài, chứ đừng nói tới đạo đức một cách chung chung.
Tôi nói thí dụ tận tụy với công việc chính là đạo đức công vụ tốt đấy chứ. Còn có người thì vẫn nhận đạo đức tốt, nhưng không làm gì cả, và nếu xét ở trách nhiệm công vụ thì là vô đạo đức”.
Ông Đỗ Văn Đương đánh giá, cán bộ mà không làm được việc cho dân là "vô đạo đức" ảnh: Ngọc Quang. |
Ông Đương cũng ví von “một ông nông dân cõng tới bốn công chức béo”, đó là loại tham nhũng, làm hại cho đất nước, đồng thời đề nghị chống tham nhũng phải có trọng tâm, nhằm vào một số quan chức để chấn chỉnh bộ máy.
“Mỗi người trong chúng ta đều là dân, dù là người bình thường hay quyền cao chức trọng cũng vậy. Thế cho nên mình phải coi trọng bố mẹ, coi trọng gia đình, coi trọng anh em, coi trọng những người khác xung quanh.
Có nhiều người chiến đấu mất xác ở chiến trường đến bây giờ cũng có tìm thấy đâu, cho nên làm lãnh đạo thì phải thấy được cái khổ của dân, nói tiếng nói của dân và làm được những việc thực sự có ích cho đời sống của dân”.
“Trên rải thảm, dưới rải đinh”
Theo Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), để Việt Nam cất cánh được thì phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện làm méo mó, bằng cách tạo ra nhiều rào cản, những barie vô hiệu hóa chính sách.
“Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào chắn cổng, một số người thi hành công vụ vòi vĩnh nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.
Đến nỗi trong thảo luận về kinh tế - xã hội có đại biểu phải thốt lên, đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim. Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới”, ông Tiến ví von.
Đại biểu Lê Như Tiến nói rằng, nhiều cán bộ khi thực hiện công vụ đã vòi vĩnh, chèn ép doanh nghiệp, doanh nhân. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Cũng theo Đại biểu Lê Như Tiến, nhiều người thi hành công vụ chưa coi mình là công bộc của dân, không nghĩ rằng mình sinh ra để phục vụ dân. Một khi cơ chế xin - cho vẫn còn đất sống thì người dân, doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu, vì đã xin thì phải có cái gì đó mới cho được.
“Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, đến mức người đứng đầu của Đảng phải đặt câu hỏi: Cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy chạy ai, ai chạy. Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến, không cần phải chạy đến như hôm nay", ông Tiến nói.
Nhiều người tàn ác trục lợi trên sự sống chết của đồng bào mình
Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 1/4, bà Lê Thị Nga (Đại biểu đoàn Thái Nguyên) – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian gần đây đã rất báo động, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài.
Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn.
Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy.
Bà Lê Thị Nga đánh giá, nhiều người tàn ác trục lợi trên sự sống chết của đồng bào. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Theo Đại biểu Lê Thị Nga, trong số nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này thì có chuyện kỷ luật công vụ lỏng lẻo: Các vụ ngộ độc, buôn bán chất cấm, sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn vừa qua liên tiếp được báo chí phanh phui, nhưng việc quy trách nhiệm cho công chức quản lý, chí ít cũng về hành vi “thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ” hiếm khi được thực hiện.
Thậm chí đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm trong lĩnh vực này từ trung ương đến địa phương hàng năm đều được đánh giá là “hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Bà Nga đánh giá: “Không ít người hoặc do thiếu hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng; vô cảm, thậm chí tàn ác khi trục lợi trên sự sống, chết của đồng bào mình. Đạo đức xuống cấp và pháp luật không nghiêm đã dung dưỡng cho họ”.
Nỏ thần chớ để sa tay giặc – Mất cả đất liền lẫn biển sâu
Đề cập tới công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Trước hết, tôi nhất trí với quan điểm phát triển đầu tiên nêu trong báo cáo của Chính phủ, đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.
Trong quan điểm này, tôi muốn nhấn mạnh hai cụm từ quốc gia, dân tộc và người dân. Hàng ngàn năm qua, ông cha ta giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chính là nhờ bài học xuyên suốt là dựa vào dân, dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận định, nỏ thần chống ngoại xâm chính là sức mạnh tổng hợp của 90 triệu dân Việt Nam. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cũng theo Đại biểu Nghĩa, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù. Ta là đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước.
Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và là bạn của ta cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm và về nhận thức.
Xác định không đúng ta, bạn, thù, có thể xảy ra tình hình thay vì thêm bạn, bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn. Thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, ta vì tăng cường đại đoàn kết thì lại làm suy yếu đại đoàn kết dân tộc.
Ông Nghĩa nhắc lại câu thơ có ý nghĩa lịch sử sâu xa của nhà thơ Tố Hữu và xin phép điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp với tình hình hiện nay: "Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền cả biển sâu".
Theo giải thích của vị Đại biểu đoàn TP.HCM, nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước và dân tộc này đã tồn tại hơn 4.000 năm qua.
Cũng nhờ nó mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đất nước ta sẽ gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này. Người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà còn là một dân tộc biết cách trở thành văn minh và thịnh vượng.
"Nhân dân chán lắm rồi các cán bộ chỉn chu và trau chuốt"
Cho ý kiến vào việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) đánh giá, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội như một bức tranh đẹp, có phần lãng mạn. Tuy nhiên, sau mỗi lần rời nghị trường, vẫn bao trăn trở ưu tư vì còn nợ dân, nợ nước.
Trong xây dựng pháp luật, dường như vai trò của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chỉ là khâu cuối cùng. Nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cử tri, nhiều trí tuệ và tâm huyết của cả Đại biểu Quốc hội và nhân dân đã không được đưa vào pháp luật.
Đó chính là nguyên nhân cơ bản của thực trạng vẫn còn luật khung, luật ống; luật thì nhiều nhưng nhân dân sốt ruột, lo lắng vì tình trạng nhờn luận. Và có một bộ phận trong xã hội vẫn tự cho mình đứng lên trên pháp luật.
"Nhân dân chán lắm rồi các cán bộ chỉn chu và chau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Nhân dân và cán bộ, đảng viên cần những người Bí thư lăn vào cuộc sống.
Cần những Bí thư có đủ quyền hành, nhưng đủ những ràng buộc về trách nhiệm, công khai, minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ được đến với nhân dân.
Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội cần coi đó là trách nhiệm của chính Quốc hội trong việc xây dựng Đảng và không nên chờ đến khi được giao nhiệm vụ rồi thực hiện”, ông Nam bày tỏ.
Đại biểu Lê Nam: "Nhân dân chán lắm rồi các cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao". ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Theo đại biểu Lê Nam, trong giám sát tối cao, Quốc hội đã làm được nhiều việc tốt mặc dù trong báo cáo không thấy khen hay chê ai, đồng thời đặt vấn đề: "Trong bức tranh báo cáo tổng kết nhiệm kỳ có xung đột không với một miền Tây Nam Bộ vốn trù phú, hiền hòa đang lùi vào dĩ vãng, một Tây Nguyên khô héo trong tháng 3.
Một hệ thống chính trị cồng kềnh không chịu nổi, với tham nhũng, quan liêu, với ngân khố nợ nần, với thanh niên Việt Nam dường như ngày càng còi cọc và Biển Đông vẫn chưa ngừng gợn sóng.
Tôi đề nghị những trăn trở, âu lo đó cần phải được thể hiện rõ hơn trong tổng kết nhiệm kỳ này và mặc dù nó chỉ còn ý nghĩa cho chúng ta bàn giao lại cho khóa sau", ông Nam nói.
Phát ngôn phải xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát
Phát biểu về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội ngày 1/4, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nói: "Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn".
Đến ngày 3/4, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã xin lỗi nhân dân về sự cố “lỡ lời”. Ông Phát giải thích: “Tôi cảm thấy rất là băn khoăn và ăn năn là tại diễn đàn QH mình đã diễn đạt chưa rõ ràng để người dân hiểu rõ ý nghĩ của mình.
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội |
Trong cuộc đời công tác của mình tôi luôn luôn tôn trọng ý kiến của nhân dân và hiểu rõ trách nhiệm của mình và phải có trách nhiệm trước lời nói của mình".
Theo ông Phát, do thời gian ở Quốc hội rất hạn chế nên đã diễn đạt chưa rõ ràng nên đã làm cho các độc giả, người dân bức xúc. Ý của ông là với những số liệu mà ngành nông nghiệp có được, cho thấy là phần lớn thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng mà người dân khó có thể phân biệt, không biết được đâu là thực phẩm thực sự an toàn, đâu là thực phẩm có vi phạm.
Nhưng để giúp người dân phân biệt được thì đấy là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước nên bộ đã phối hợp với các địa phương đang cố gắng xây dựng những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, có xác nhận, có thương hiệu có thể nhận biết và thông tin để người dân có thể yên tâm đến những nơi đó để mua và tiêu dùng.