Hạn chế thanh toán dùng tiền mặt
Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã chính thức ban hành Thông tư 09/2012/TT-NHNN quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo đó, kể từ 1/6, các ngân hàng phải sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn. Các ngân hàng chỉ được xem xét sử dụng tiền mặt để giải ngân các khoản vay với một số đối tượng, thay vì đa dạng như trước.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là thanh toán cho bên thụ hưởng (bên có quan hệ với khách hàng vay trong mua bán tài sản, thanh toán chi phí hình thành trên tài sản) là tổ chức, cá với số tiền dưới 100 triệu đồng một lần giải ngân.
Ngoài ra, việc thanh toán bằng tiền mặt có thể xem xét với các trường hợp dùng để trả lương cho người lao động, bù đắp vốn tự có mà khách hàng vay đã sử dụng để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh, sản xuất...
Cổ đông nội bộ không được “lướt sóng”
Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM vừa công bố công bố tài liệu giới thiệu những quy định mới trong Thông tư 52 của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, từ 1/6 tới, Thông tư 52/TT-BTC sẽ chính thức được áp dụng. Việc công bố thông tin sẽ được phân lớp nghĩa vụ không chỉ dựa trên đối tượng mà dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng (120 tỷ đồng và 300 cổ đông); đó quy mô vốn được xác định theo báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán chấp thuận hoặc theo kết quả phát hành gần nhất.
Cũng theo Thông tư này, các cổ đông nội bộ phải báo cáo và công bố thông tin trước 3 ngày giao dịch, chỉ được thực hiện trong vòng 30 ngày (trước đây 2 tháng) sau đó báo cáo trong vòng 3 ngày và không được đăng ký mua bán trong cùng một khoảng thời gian; chỉ được đăng ký đợt tiếp theo sau khi đã báo cáo đợt trước đó.
Đối với các công ty chứng khoán, quy định đưa ra là phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận tháng 6 và tháng 12 cùng thời điểm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính năm.
Ngoài ra, Công ty chứng khoán phải công bố thông tin tại trụ sở chính và các chi nhánh phương thức giao dịch, các điều kiện liên quan đến giao dịch ký quỹ như tỷ lệ, lãi suất vay, thời hạn vay, phương thức gọi ký quỹ bổ sung...
Không cấp phép nếu không sử dụng thầu phụ Việt Nam
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 01/2012/TT-BXD, hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép thầu và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam (nhà thầu).
Theo đó, 2 trường hợp thầu không được xem xét cấp giấy phép thầu khi gồm: không thực hiện chế độ báo cáo từ 3 kỳ trở lên theo quy định đối với các công việc nhận thầu theo giấy phép thầu đã được cấp trước đó; vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan, như quy định về sử dụng lao động, an toàn lao động, nộp thuế, chất lượng công trình… và đã bị xử phạt do vi phạm các quy định này từ 2 lần trở lên.
Đặc biệt, nhà thầu sẽ bị đình chỉ công việc đang thực hiện nếu không sử dụng thầu phụ Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết có trong hồ sơ, đề nghị cấp giấy phép thầu và chỉ được tiếp tục thực hiện khi đã sử dụng thầu phụ Việt Nam như hợp đồng đã ký kết.
Thông tư bắt đầu hiệu lực từ ngày 26/6/2012.
6 thực phẩm nhập khẩu được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm do Chính phủ ban hành, từ ngày 11/6/2012, tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cùng với đó, Nghị định cũng quy đinh 6 trường hợp được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu bao gồm: Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; Thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự; Thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu; Thực phẩm gửi kho ngoại quan; Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu; Thực phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm.