Phạt xe không chính chủ
Nghị định 71/2012/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, sẽ áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ô tô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Sáng 10/11, lực lượng CSGT Thành phố Hà Nội chính thức bắt đầu triển khai toàn bộ lực lượng, tuần tra kiểm soát hướng dẫn giao thông và xử phạt các trường hợp vi phạm trên đường.
Trước tính khả thi của Nghị định 71/2012/NĐ-CP, người dân Hà Nội xôn xao vì mức phạt (1 triệu đối với mô tô; 6-10 triệu đồng với ô tô) trong Nghị định 71, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế Nghị định 34) về lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Mặc dù, ban đầu rất nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến trái chiều lo ngại về tính khả thi của Nghị định 71/2012/NĐ-CP nhưng sau đó đã có những ý kiến đồng tình về qui định mới.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi được đặt ra trong thời gian tới về tính khả thi thực sự của qui định này. Người dân mặc dù đã có những ý kiến đồng tình nhưng rõ ràng chưa thực sự sẵn sàng với một qui định mới còn tạo ra nhiều điều băn khoăn lo lắng, đặc biệt là những người dân nghèo hiện tại không sở hữu được một chiếc xe chính chủ (!?)
|
Ngực lép, thấp bé không được lái xe
Còn nhớ cách đây không lâu, người dân đã được một phen “sốc nặng” khi Bộ Y Tế đưa ra tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2008/QĐ- BYT ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế) quy định về vòng ngực trung bình dưới 72 cm... không được cấp bằng lái xe cho xe máy trên 50cc.
Ngay sau khi ban hành qui định mới về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, những câu chuyện bi hài đã bắt đầu xuất hiện vì tính khả thi của qui định mới gây khó dễ cho hoạt động của người dân.
Thiếu thực tiễn và không khả thi, quy định “ngực lép” không được lái xe của Bộ Y Tế đã không được dư luận chấp nhận, văn bản này đành bị hủy sau đó.
|
Đi xe theo ngày… chẵn, lẻ
Liên quan đến việc hạn chế xe ô tô cá nhân, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có “sáng kiến” gây nhiều tranh cãi đó là đề nghị nghiên cứu giải pháp hạn chế xe ô tô cá nhân đi vào khu vực trung tâm thành phố theo cách xe số chẵn đi... ngày chẵn, xe số lẻ đi... ngày lẻ.
Theo đó, các xe có biển số chẵn (số cuối là 0, 2, 4, 6, 8) chỉ được vào trung tâm vào các ngày chẵn (thứ 2, 4, 6); xe biển số lẻ (số cuối là 1, 3, 5, 7, 9) chỉ được vào trung tâm vào các ngày lẻ (thứ 3, 5, 7); riêng chủ nhật thì các xe được lưu thông bình thường.
Ngay sau khi “giải pháp” chống ùn tắc này được đưa ra, dư luận đã phản ứng khá gay gắt vì cách làm này gây khó cho người dân và thiếu tính thực tiễn. Thậm chí, quy định này còn gây khó dễ cho ngay cả lực lượng CSGT. Cuối cùng, “giải pháp” gây khó cho người dân đã bị tạm gác lại.
|
Bịt ngã tư
Tháng 4/2009, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thí điểm sử dụng dải phân cách cứng bịt các nút giao cắt tại ngã 3, ngã 4, sau đó mở ngã rẽ mới, cách nút giao cắt cũ chừng vài trăm mét. Việc phân luồng này sẽ tập trung vào tổ chức cho các phương tiện được rẽ phải và quay đầu.
Sau 6 tháng thí điểm, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thừa nhận kết quả của giải pháp “bịt ngã tư” còn rất nhiều hạn chế và tình trạng ùn tắc chưa giảm, nguy cơ gia tăng tai nạn với người đi bộ. Cuối cùng, giải pháp “bịt ngã tư” lại phải dỡ bỏ. |
Hạn chế đăng ký phương tiện cá nhân
Năm 2003, UBND thành phố Hà Nội từng có quyết định ngừng đăng ký xe máy tại 7 quận nội thành. Tuy nhiên, nhiều người dân lại nhờ người khác đứng tên mua xe và nhờ đăng ký xe máy ở các huyện ngoại thành và lưu thông trong nội đô như bình thường dẫn đến tình trạng giảm tải không được như mong đợi.
|
Sau hai năm, cuối cùng UBND TP Hà Nội đã quyết định bãi bỏ quyết định ngừng đăng ký xe máy tại 7 quận. |
Người dân trên toàn thành phố lại tiếp tục được đăng ký xe máy không hạn chế số lượng |
Cấm trông giữ xe
Vào đầu năm 2012, thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố trong nội đô.
Quy định của thành phố Hà Nội tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan đến đời sống của người dân bởi thành phố áp dụng lệnh cấm trông xe mà chưa bố trí điểm đỗ xe thay thế khiến nhiều chủ phương tiện đã phải chật vật tìm chỗ gửi xe với giá cao hơn rất nhiều. (Ảnh: Dương Hiệp - Triệu Hoa). |
Trước thực trạng đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã gấp rút xây dựng hàng loạt bãi đỗ xe cao tầng, triển khai bãi đỗ xe ngầm trong nội đô và một số quận đã phải đề nghị tái lập điểm đỗ xe trên phố cấm để tạo thuận lợi cho người dân. (Ảnh minh họa) |
Phi Long (TH) - Ảnh: Internet