Hạ cánh vì…gửi nhầm mã
Tối 16/12/2014, Tổ bay của chuyến bay VN 1266 cất cánh từ TP.Hồ Chí Minh – Vinh bất ngờ chuyển hướng, hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Chuyến bay này khởi hành lúc 17h12 phút từ TP.Hồ Chí Minh khi đến gần sân bay Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật: áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 ft (tương đương khoảng 11.000 m) xuống 13.000 ft (tương đương khoảng 4.000 m).
Người phát ngôn của hãng hàng không này cho biết, khi tổ bay phát hiện máy bay bị trục trặc kỹ thuật gây giảm áp suất đột ngột, mặt nạ dưỡng khí bung ra cơ trưởng đã thao tác nhấn sai mã (code) thông báo tình trạng máy bay với mặt đất.
Cụ thể, thay vì phải nhấn code khẩn nguy (7700) thì cơ trưởng đã ấn nhầm nút khủng bố (7500) nên chuyến bay đã chuyển thông tin bị đặt vào tình trạng khủng bố xuống mặt đất làm các bộ phận liên quan ở sân bay quốc tế Nội Bài phải triển khai theo tình huống này...
Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất mất tín hiệu
Trưa ngày 20/11, sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh), khiến Trung tâm kiểm soát không lưu không thể truyền tín hiệu tới phi công.
Tại thời điểm xảy ra sự cố mất quyền điều hành bay, có 54 tàu bay trong khu vực trách nhiệm của AACC Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trong thời gian sự cố. Nhiều phi cơ trong vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh tại sân bay dự bị.
Máy bay của hãng hàng không VietnamAirlines vừa phải hạ cánh "bất đắc dĩ" tại sân bay Nội Bài |
Trước đó, tại Trung tâm AACC Hồ Chí Minh, các nhân viên đã thực hiện thao tác ngắt lưới điện gồm hai nguồn để kiểm tra định kỳ hệ thống máy phát điện. Lúc này ba hệ thống máy phát điện có ba máy hoạt động bình thường. Chỉ 5 phút sau, ba hệ thống lưu điện (UPS) đã thông báo có lỗi.
Theo quy trình, nhân viên phải cô lập hệ thống lưu điện (UPS) để sửa chữa. Gần 11h20 phút, các nhân viên tiến hành đóng lại lưới điện. Nhưng ông Lê Trí Tình với nhiệm vụ là kíp trưởng ca trực đã tự động can thiệp vào hệ thống lưu điện (UPS) và đã có thao tác sai quy định, dẫn đến hệ thống lưu điện (UPS) bị mất điện. Từ đó dẫn đến toàn bộ Trung tâm mất điện. Đến 11h36 phút trưa cùng ngày hệ thống mới được khôi phục.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hệ thống điện tại trung tâm AACC Hồ Chí Minh được thiết kế để đảm bảo 99,99% nguồn điện không bao giờ bị ngắt, nếu không có sự tác động của con người.
Hai máy bay suýt va chạm trên vùng trời Tân Sơn Nhất
Sự cố uy hiếp an toàn bay này xảy ra hôm 29/10/2014 trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đó, Theo báo cáo của VATM gửi Cục hàng không cho thấy, sự cố trên xảy ra khi chuyến bay HVN 1376 (máy bay Airbus A321) của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đi Huế, sau khi cất cánh tổ lái phát hiện có một máy bay cắt ngang ở độ cao 1.000ft (304,8m) gây uy hiếp an toàn bay.
Trao đổi với giới truyền thông không lâu sau khi sự việc xảy ra, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, sự cố tàu bay Airbus suýt va chạm với trực thăng quân sự là sự cố về vi phạm phân cách tối thiểu giữa hai đường bay: “Nguyên nhân là do lỗi phối hợp, hiệp đồng bay hàng không dân dụng với quân sự của kíp trực điều hành đó. Cụ thể, kiểm soát viên hiệp đồng đã không nghe được huấn lệnh của các kiểm soát viên không lưu điều hành", ông Thanh cho biết.
Hạ cánh nhầm sân bay
Đó là sự cố VietJet Air chở gần 200 khách từ sân bay Nội Bài - Hà Nội (HAN) đi sân bay Liên Khương - Đà Lạt (DLI) chiều ngày 19/6/2014 vừa qua nhưng lại đáp xuống sân bay Cam Ranh - Nha Trang. Sự việc được cho là hy hữu nhất từ trước đến nay của hãng hàng không này.
Căn cứ các tài liệu liên quan tới chuyến bay cho thấy, nhóm điều tra đã đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến xảy ra sự cố khai thác bay nêu trên là do nhân viên điều phối bay, tổ bay và tổ tiếp viên không thực hiện đúng quy trình khai thác. Trung tâm điều hành khai thác bay của Vietjet Air không thực hiện đúng quy định về triển khai kế hoạch khai thác.
Máy bay của Vietnam Airlines rơi lốp
Chiều ngày 21/10/2014 chiếc máy bay ATR72 của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) bất ngờ gặp sự cố nghiêm trọng ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Chuyến bay cất cánh từ Hải Phòng lúc 12h 45 phút, hạ cánh tại Đà Nẵng lúc 14 giờ 15 theo đúng kế hoạch. Sau khi máy bay hạ cánh, toàn bộ tổ bay và 41 hành khách đã rời khỏi máy bay bình thường.
Tuy nhiên, khi máy bay đang ở trên sân đỗ, bộ phận kỹ thuật tiến hành kiểm tra thì phát hiện một bên trục càng trước bị gãy và 1 chiếc lốp bị rơi ra ngoài. Đây là sự cố hy hữu lần đầu tiên xảy ra đối với máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines.
Cục Hàng không VN cho biết nguyên nhân dẫn đến sự cố máy bay ATR72 của Vietnam Airlines rơi lốp có thể do sử dụng vật tư, phụ tùng không đúng quy cách hoặc không đảm bảo chất lượng; lỗi chế tạo hoặc vật liệu của trục bánh xe hay vòng bi.
Đường băng có động vật
Ngày 25/2/2013, khi thực hiện lăn ra đường cất cánh, tổ bay trên chuyến bay VN1267 của Vietnam Airlines chặng Vinh - TP HCM đã phát hiện 5 người cùng bò đi ngang qua đường băng. Chuyến bay đã khởi hành muộn so với kế hoạch để an ninh sân bay xử lý sự việc.
Bò "ung dung" đi ngang qua đường băng |
Ngày 29/2/2013, chuyến bay VN1187 chặng Hải Phòng - TPHCM phải hủy cất cánh vì có chim trên đường băng.
Ngày 10/7/2013, cơ trưởng chuyến bay VN1670 chặng Đà Nẵng - Hải Phòng đã phải tiến hành bay vòng và thực hiện lại việc tiếp cận hạ cánh khi phát hiện trâu trên đường băng tại sân bay.
Máy bay... “Rơi tự do”
Ngày 6/8/2013, chuyến bay của Vietnam Airlines mang số hiệu VN615 (máy bay Airbus 321) có hành trình Hà Nội-Bangkok, xuất phát từ Hà Nội lúc 14 giờ, trong lúc đang bay bằng ở độ cao 36.000 feet (tương đương 10.973 mét), máy bay bất ngờ đi qua vùng nhiễu động trời trong khiến máy bay bị tụt độ cao 400 feet (tương đương khoảng 122 mét).
Tuy nhiên, máy bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Suvarnabhumi (Băng Cốc) lúc 15h40 phút giờ địa phương. Theo phân tích của Vietnam Airlines, đây là loại nhiễu động mà hiện nay rada thời tiết của máy bay chưa phát hiện được.
Sau sự cố, trong số 104 hành khách và 8 nhân viên phi hành đoàn của chuyến bay, chỉ có 1 hành khách bị thương nhẹ ở ngón chân và 2 tiếp viên bị choáng nhẹ. Do đã được sơ cứu kịp thời nên khi máy bay dừng ở sân bay Bangkok, hành khách bị thương ngón chân đã tự xuống máy bay, không cần trợ giúp y tế.