Ngày 27/5, tại Bình Định, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức hội thảo: “hậu kiểm định chất lượng giáo dục từ quản trị đại học đến văn hóa chất lượng”.
Tham dự hội thảo có đại diện các trường đại học, lãnh đạo các sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
“Hậu” kiểm định tác động đến chương trình đào tạo
Phó Giáo sư Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, từ năm 2016 đến tháng 5/2018 đã có 125 cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài (trong đó, có 3 trường Cao đẳng sư phạm) và 8 chương trình đào tạo.
Phó Giáo sư Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nói về những tác động tích cực của công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh: TT |
“Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là hậu kiểm định chất lượng giáo dục đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống hoạt động trong các trường.
Đặc biệt đến công tác quản trị cơ sở giáo dục và văn hóa chất lượng trong các cơ sở giáo dục”.
Bà Nga cũng chỉ ra những tác động chính sau kiểm định chất lượng giáo dục đến các trường được kiểm định chất lượng giáo dục.
Chất lượng là sống còn, Bộ tiếp tục mạnh tay với các trường đại học chưa đảm bảo |
Cụ thể như, các cấp quản lý đã thực sự quan tâm đến tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa trong công tác quản lý điều hành nhà trường.
Đã chủ động khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các bên có liên quan (các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, giảng viên) vào công tác quản trị nhà trường.
Đóng góp ý kiến cho các văn bản cốt lõi của Trường, xây dựng các chương trình đào tạo...
Ngoài ra, kiểm định chất lượng giáo dục cũng tác động đến chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo.
“Để đạt được yêu cầu của các tiêu chí thuộc tiêu chuẩn về chương trình đào tạo, hoạt động đào tạo, các trường đã rà soát, điều chỉnh.
Và bước đầu đã mô tả rõ nét chuẩn đầu ra, xác định và mô tả rõ hơn về kết quả kỳ vọng đối với người tốt nghiệp”, bà Nga chia sẻ.
Kiểm định để giải trình với xã hội
Ngoài ra, nhà trường cũng quan tâm đến tính thiết yếu của việc làm sao để giảng viên, cán bộ quản lý và người học hiểu đúng, nắm chắc những đòi hỏi của chương trình giáo dục đối với từng cá nhân.
Cụ thể, trách nhiệm của từng cá nhân theo mô tả công việc để góp phần xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giáo dục chuẩn đào ra.
Phó Giáo sư Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng chỉ ra những bất cập trong kiểm định. Ảnh: TT |
Bước đầu, đã tham khảo các chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trên thế giới.
Ngoài ra, kiểm định chất lượng giáo dục cũng đã có những tác động tích cực đến cán bộ, giảng viên, người học.
Nhất là đối với cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục thì được sự thừa nhận của các cơ sở giáo dục ở Việt Nam và dân chúng.
“Chúng ta có thể khẳng định, sau kiểm định chất lượng giáo dục hay nói cách khác “hậu” kiểm định chất lượng giáo dục đã mang lại những thay đổi trong công tác quản trị nhà trường.
Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Mỹ khác gì so với Việt Nam? |
Và đặc biệt là tạo dựng, phát triển văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục bằng việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của lãnh đạo nhà trường, cán bộ giảng viên, người học.
Đồng thời, đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều nhà tuyển dụng và các cựu sinh viên để bước đầu hình thành được nếp văn hóa đóng góp ý kiến và chung sức xây dựng và phát triển nhà trường, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho chính các nhà tuyển dụng.
Bên cạnh những tác động tích cực, kiểm định chất lượng giáo dục cũng đã chỉ ra những tồn tại trong các cơ sở giáo dục”, bà Nga nói.
Phó Giáo sư Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ, kiểm định chất lượng giáo dục đã giúp cơ sở giáo dục hưởng tới đạt được những chuẩn mực chất lượng đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Giúp các nhà quản lý nhìn nhận toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục một cách có hệ thống, xác định được những điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở giáo dục, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
“Kiểm định chất lượng giáo dục còn nhằm mục đích giải trình với xã hội, với các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước hay các cơ quan, tổ chức tài trợ, cấp kinh phí... giúp cho người học và phụ huynh lựa chọn được cơ sở giáo dục phù hợp để theo học”, ông Trinh nói.
Cũng theo ông Trinh, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra nhanh chóng, nhất là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong thời gian tới, để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh và hội nhập với thị trường lao động rất năng động của khu vực và thế giới, tránh bị thua ngay trên sân nhà.
Ngành giáo dục cần thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới.