Bảo đảm chất lượng giáo dục là một yếu tố bắt buộc đối với tất cả các trường đại học. Thông qua công tác kiểm định chất lượng, các trường đại học đang dần hoàn thiện công tác quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút ngày càng nhiều người học hơn.
Vì vậy, đóng góp đối với xã hội của các trường cũng ngày một lớn hơn.
Bên cạnh kiểm định của các tổ chức trong nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường kiểm định theo tiêu chí quốc tế.
Bởi lẽ, khi có nhiều trường kiểm định quốc tế, thì uy tín của hệ thống giáo dục đại học của chúng ta càng được nâng cao, từng bước đưa hoạt động chất lượng vào nề nếp, nâng tầm giáo dục Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Ngày 21/3, trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Đại học FPT tổ chức Tọa đàm về kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của tổ chức ACBSP, Hoa Kỳ là bước đi quan trọng nhằm chia sẻ và lan tỏa các giá trị của ACBSP.
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Rajesh Khajuria – Giám đốc vùng 10 – ACBSP, Hoa Kỳ đã thông tin một cách khái quát về tổ chức kiểm định ACBSP – Accreditation Council for Business Schools and Programs (Hội đồng kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ).
Tiến sĩ Rajesh Khajuria khẳng định, ACBSP là tổ chức lớn nhất kiểm định chương trình kinh doanh trên toàn cầu, được công nhận bởi tổ chức CHEA, Hoa Kỳ.
ACBSP có thành viên trải dài khắp 60 quốc gia, 1.200 chi nhánh với 13.000 giảng viên đang hoạt động.
Tiến sĩ Rajesh Khajuria khẳng định, ACBSP là tổ chức lớn nhất kiểm định chương trình kinh doanh trên toàn cầu, được công nhận bởi tổ chức CHEA, Hoa Kỳ. (Ảnh: Thùy Linh) |
Đại học Kinh tế quốc dân là cơ sở giáo dục đang làm báo cáo sơ bộ trước khi tiến hành tự đánh giá theo các tiêu chuẩn của ACBSP, Tiến sĩ Đàm Sơn Toại – Phó giám đốc trung tâm đào tạo tiên tiến, chất lượng cao và POHE cho hay, ACBSP có 6 tiêu chuẩn, 27 tiêu chí cấp 1 và 61 tiêu chí cấp 2.
Theo đó, 6 tiêu chuẩn bao gồm:
- Tiêu chuẩn 1: Công tác lãnh đạo gắn với 2 tiêu chí (Xây dựng, thực hiện và liên tục cải tiến các chương trình cũng như quy trình trong nhà trường để đáp ứng được tiêu chuẩn của ACBSP; Trách nhiệm với xã hội).
- Tiêu chuẩn 2: Hoạch định chiến lược gắn với 2 tiêu chí (Quy trình hoạch định chiến lược; Thực hiện chiến lược).
- Tiêu chuẩn 3: Sinh viên và các bên liên quan gắn với 8 tiêu chí (Xác định đối tượng tuyển sinh mục tiêu; Các phương pháp khảo sát thị trường; Định kỳ rà soát và cập nhật các phương pháp lấy ý kiến người học và các bên liên quan; Sử dụng thông tin khảo sát; Thu hút và giữ chân người học; Cơ chế tiếp nhận thông tin phản hồi; Hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người học và các bên liên quan; Xây dựng hệ thống bảng biểu cho tiêu chuẩn 3).
- Tiêu chuẩn 4: Đo lường và phân tích chuẩn đầu ra và năng lực sinh viên ứng với 4 tiêu chí (Tổ chức đánh giá chuẩn đầu ra; Phân tích xu hướng chuẩn đầu ra; So sánh kết quả đánh giá chuẩn đầu ra; Sử dụng kết quả đánh giá chuẩn đầu ra).
- Tiêu chuẩn 5: Cán bộ, giảng viên ứng với 8 tiêu chí cấp 1 và 33 tiêu chí cấp 2. Gồm: Kế hoạch nhân sự; Cách thức quản lý nhân sự; Trình độ, khối lượng giảng dạy của giảng viên; Quy mô giảng viên và phân công công việc; Đánh giá giảng viên; Các thủ tục và chính sách trong việc quản lý và phát triển giảng viên; Các hoạt động học thuật và chuyên môn).
- Tiêu chuẩn 6: Tổ chức đào tạo gồm 3 tiêu chí cấp 1 và 16 tiêu chí cấp 2. Gồm: xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo; Quản lý quy trình hỗ trợ sinh viên; Quản lý sinh viên.
Còn theo Tiến sĩ Lê Mỹ Phong – đại diện Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin, hiện nay Việt Nam có 5 tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục, bao gồm:
-Trung tâm kiểm định chất lượng – Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Trung tâm kiểm định chất lượng – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
- Trung tâm kiểm định chất lượng – Đại học Đà Nẵng.
- Trung tâm kiểm định chất lượng – Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
- Trung tâm kiểm định chất lượng – Đại học Vinh.
Ông Phong cũng thông tin, theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 28/2/2018 đã có 108 cơ sở giáo dục tham gia đánh giá ngoài trong đó 60 trường đã được công nhận.
Trong khi đó, chương trình đào tạo thì mới có 7 chương trình được công nhận kiểm định.
Còn theo tiêu chuẩn quốc tế thì có 6 cơ sở giáo dục đã được công nhận, trong đó tiêu chuẩn AUN-QA (2 cơ sở); HCERES (4 cơ sở). Nhưng về chương trình đào tạo thì đã có 95 chương trình được công nhận AUN-QA, ABET, CTI, ACBSP, FIBAA.
Riêng về kết quả đánh giá chương trình đào tạo cho thấy 20 trường đại học có chương trình đào tạo được đánh giá quốc tế.
Trong đó:
Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh: 22.
Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: 7.
Đại học Bách khoa Hà Nội: 7.
Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh: 7.
Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội: 6.
Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: 5.
Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng: 5
Đại học Hoa Sen: 5.
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học của Việt Nam hiện hành gồm có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí. Tuy nhiên, cuối tháng 12/2016, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã công bố Dự thảo Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở Giáo dục Đại học để lấy ý kiến. Theo đó, Bộ tiêu chuẩn này gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể, theo dự thảo, Bộ tiêu chuẩn được chia thành 4 nhóm: Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí; Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí). |