“Tôi tự tin, tôi trưởng thành”
Đó là tên của lớp học kỹ năng sống trực tuyến của Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, dành cho các bạn nhỏ từ 6-11 tuổi trên mọi miền tổ quốc và hoàn toàn miễn phí.
Tại đây, tất cả những kỹ năng từ nhận thức bản thân, phòng chống xâm hại và bạo hành, kỹ năng sử dụng internet an toàn và thông minh… đều được Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy chia sẻ, truyền tải tới các em học sinh bằng nhiều cách, nhiều hình thức khác nhau.
Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống. (Ảnh NVCC) |
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy cho biết: “Tình hình dịch Covid-19 hiện nay rất căng thẳng và có thể còn kéo dài, học sinh chúng ta đang trải qua một kỳ nghỉ hè ‘đặc biệt’, với không gian chật hẹp hơn, không tồn tại những chuyến du lịch và hạn chế tiếp xúc với nhau vì dịch bệnh đang hoành hành.
Ý tưởng này xuất phát bởi những suy nghĩ của bản thân mình qua lăng kính, cách nhìn nhận của học sinh độ tuổi 6-11. Mình suy nghĩ và hiểu những gì học sinh đang cần. Các em cần một không gian chia sẻ, cần có sự tương tác kể cả đó là không gian trực tuyến.
Một lớp học trực tuyến với những bài học về kỹ năng sống, về động lực vượt qua khó khăn và vun đắp những ước mơ. Qua đó mình tạo cho các em niềm vui và môi trường học tập tích cực trong một mùa hè rất khác biệt. Tại sao không thực hiện?”.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy, ban đầu lớp học dự kiến chỉ một lớp với 200 học sinh, tuy nhiên ngay từ buổi đăng ký đầu tiên, số lượng học sinh đã tăng gần gấp 3 lần, vì vậy phải chia thành các khóa học khác nhau, theo số lượng thứ tự học sinh đăng ký.
“Tôi thật sự bất ngờ bởi sự hào hứng của học sinh và phụ huynh đối với các buổi học. Mỗi khóa học sẽ diễn ra trong vòng 1 tuần, hướng dẫn cho học sinh từ nhận thức, nhận biết, phân biệt và cách xử lý các tình huống trong cuộc sống xoay quanh một số chủ đề nhất định như xâm hại tình dục trẻ em, internet và cách sử dụng, tự nhận thức bản thân…
Thông qua hoạt động mỗi buổi học, ngoài việc chúng ta đưa kiến thức cho trẻ em về thế giới quan, nhân sinh quan, điều quan trọng là phụ huynh có thể nghe được suy nghĩ, biết được hành động của con em.
Về phần học sinh, qua những buổi học kỹ năng sống, các em sẽ cảm thấy trách nhiệm bản thân hơn khi chia sẻ được suy nghĩ của mình với bạn bè, cô giáo và bố mẹ", cô Thủy chia sẻ.
Học sinh chia sẻ, tham gia tương tác trong lớp học “Tôi tự tin, tôi trưởng thành”. (Ảnh NVCC) |
Lắng nghe trong bài giảng của Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy, chúng ta bắt gặp hình ảnh của cô hoa hậu người dân tộc thiểu số H’Hen Niê những nỗ lực bền bỉ vượt qua khó khăn, trở ngại thực hiện ước mơ của mình, để trở thành quán quân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017, lọt vào top 5 chung cuộc cuộc thi Hoa Hậu Hoàn vũ 2018.
Nội dung bài học về sự tự giác, tự lập của học sinh hiện nay, Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy lấy ví dụ hình ảnh rất thực tế, rất thân thương ngay trong mùa dịch của những em bé trong khu cách ly dịch bệnh.
Trong bài giảng, cô Thủy nói: “Khi chúng ta được ngồi ở đây tự do, thoải mái gặp nhau qua các thiết bị công nghệ thì có những bạn bằng tuổi các em, thậm chí những em bé chỉ 3-4 tuổi đang phải ở khu cách ly dịch bệnh. Không bố mẹ, không người thân bên cạnh, nhưng các em rất ngoan, rất tự giác và có ý thức cộng đồng.
Cô biết, ngồi tại lớp học hôm nay, có những bạn bố mẹ còn phải xúc cơm, thay quần áo cho. Hàng ngày chúng ta còn mè nheo, hay khóc nhè, hay nổi cáu với bố mẹ. Những lần như vậy chúng ta nhớ hình ảnh các em bé trong khu cách ly để không còn như thế. Được không?”
Đó là một bài học thực tế, ngay tại Việt Nam, vừa củng cố những kiến thức xã hội, nhưng đó cũng là những chứng cứ để nói rằng, ước mơ luôn có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta nỗ lực hết mình và năng lực tự giác của bản thân học sinh là điều cô Nguyễn Lệ Thủy chú trọng phát huy trong từng giờ học.
Kết nối ước mơ trên mọi miền tổ quốc
“Ước mơ của em là làm chú bộ đội, em đã mổ tim nhưng em sẽ cố gắng”!
“Em ước mơ trở thành ca sĩ. Em sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ”!
Đó là những sẻ chia về ước mơ, hoài bão hồn nhiên nhưng lớn lao của các em nhỏ khi tham gia lớp học “tôi tự tin, tôi trưởng thành”.
Đối với con trẻ, đặc biệt từ độ tuổi 6-11 tuổi, không dễ dàng gì các em chia sẻ về những ước mơ, điểm mạnh, điểm yếu với những người lạ. Nhưng những câu chuyện tương lai đó là nội dung được chia sẻ rất hồn nhiên, rất thật trong lớp học của cô Thủy.
“Có những bạn ở rất xa như Kiên Giang, Tây Ninh hay Hà Giang, Lai Châu đăng ký lớp học. Vì là lớp học trực tuyến nên không có bất cứ giới hạn nào về mặt địa lý.
Nếu học sinh sẵn sàng chia sẻ, phụ huynh sẵn sàng đồng hành cùng các em, thì tại sao những người có thể tạo ra một lớp học, một sân chơi như mình lại không thực hiện. Chính điều đó thôi thúc tôi mở lớp và được mọi người ủng hộ, tôi có động lực sẻ chia nhiều hơn nữa”, cô Thủy tâm sự.
Kết quả sau những buổi học kỹ năng sống của học sinh. (Ảnh NVCC) |
Lớp học “Tôi tự tin, tôi trưởng thành” dạy trẻ nhiều kỹ năng sống, giúp các em tự tin hơn khi ứng xử với những chuyện xảy ra trong đời sống quanh mình.
"Trên thực tế hiện nay, trẻ em thiếu quá nhiều kiến thức xã hội, ứng xử và kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống. Chính vì thế giá trị của lớp học này là sau khi có kiến thức các em hiểu hơn về bản thân, biết ước mơ và bảo vệ bản thân mình”, cô Thủy nói.
Việc lan tỏa một việc làm tích cực sẽ tạo nên những kỳ tích trong cuộc sống. Ước mơ, chia sẻ, cho đi, nhận lại… là vô vàn những bài học nhỏ có trong lớp học lớn mang tên “Tôi tự tin, tôi trưởng thành”, để mùa hè này không còn nhàm chán vì dịch bệnh.
Thạc sỹ Nguyễn Lệ Thủy cho rằng: “Không chỉ học sinh nhận được giá trị lớp học mà ngay bản thân mình cũng có được rất nhiều kinh nghiệm, sáng tạo, để xây dựng những cách làm mới, thấu hiểu trẻ em và yêu công việc của bản thân hơn. Đó cũng là động lực để các bạn nhỏ theo đuổi những hành trình đầy ý nghĩa đang chờ phía trước, đó là hành trình của trách nhiệm và tình yêu thương”.