Nikkei Asian Review ngày 26/6 bình luận, Việt Nam đang tìm cách nâng cao năng lực phòng thủ của mình, đặc biệt kể từ khi Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Vấn đề hiện đại hóa năng lực phòng thủ được đặt ra cấp bách khi Trung Quốc ngày càng leo thang quân sự hóa Biển Đông, bồi đắp các bãi cạn lúc nổi lúc chìm thành đảo nhân tạo và xây dựng sân bay quân sự...
Tuy nhiên với Việt Nam thì vũ khí Mỹ quá đắt. Dường như Việt Nam đã tìm được phương án thay thế từ Nhật Bản, các máy bay đã qua sử dụng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản rẻ hơn (trong khi vẫn đảm bảo tính năng, nhu cầu sử dụng).
Máy bay P-3C đã qua sử dụng của Nhật Bản, ảnh: Nikkei Asian Review. |
Từ lâu Việt Nam đã muốn mua máy bay săn ngầm và nhiều nhà phân tích cho rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng đặt hàng Mỹ thiết bị quốc phòng này, một khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Tuy nhiên Nhật Bản cũng nổi lên như một nhà cung cấp tiềm năng, theo một quan chức Nhật Bản, Hải quân Việt Nam đã chính thức bày tỏ quan tâm việc mua máy bay săn ngầm P-3C Nhật Bản.
Đây là phiên bản của dòng P-3 Orion do tập đoàn Lockheed Martin, Hoa Kỳ chế tạo. Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki của Nhật Bản đã được cấp phép chế tạo dòng máy bay này. Trong đó tính năng trinh sát, giám sát phạm vi rộng và săn ngầm là sức mạnh đặc trưng.
Mối đe dọa từ tàu ngầm Trung Quốc là điều Việt Nam không thể không tính tới khi Bắc Kinh sở hữu ước tính ít nhất 70 tàu ngầm. Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga kể từ năm 2015, nhưng vẫn chưa đủ để có thể đương đầu với các mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông.
Reuters đưa tin, Việt Nam dự kiến sẽ đề nghị Lockheed Martin trong vài tháng tới báo giá và tính năng của máy bay P-3 Orion khoảng 4-6 tuổi biên chế có sẵn. Một chiếc P-3 Orion mới sẽ có giá ít nhất khoảng 80 triệu USD sẽ khiến Việt Nam ít có khả năng mua nhiều trong một thời điểm.
Nhưng giá cả không phải là lý do duy nhất tại sao Việt Nam đang chuyển hướng quan tâm sang Nhật Bản. Theo Nikkei Asian Review, Nhật Bản có nhiều máy bay P-3C có sẵn, từ năm 2013 Nhật Bản bắt đầu thay thế dòng máy bay này bằng P-1.
Ngoài ra Việt Nam mong muốn các phi công P-3C phải được đào tạo và có kỹ năng nhận diện tàu ngầm địch từ sự khác biệt bởi âm thanh chúng phát ra. Việt Nam sẽ dễ dàng hơn nếu học hỏi điều này từ Nhật Bản, một đối tác thân thiện tin cậy cả về chính trị lẫn kinh tế.
Hơn nữa, Việt Nam có thể trau dồi kỹ năng cho lực lượng phi công P-3C thông qua các cuộc tập trận chung với Nhật Bản. P-3C Nhật Bản đã từng thăm Đà Nẵng trong nhiều năm. Năm nay hai bên tiếp tục dự kiến diễn tập cùng nhau, một cơ hội tốt để huấn luyện lực lượng lái P-3C.
Đó là những thông tin từ Nikkei Asian Review liên quan đến hoạt động phòng thủ của Việt Nam mà dư luận đang quan tâm, do diễn biến trên Biển Đông ngày càng phức tạp, căng thẳng và khó lường.
Cá nhân người viết cho rằng, việc nâng cao năng lực phòng thủ và cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông luôn là yêu cầu thường trực, cần thiết và ngày càng cấp bách hơn trong bối cảnh Biển Đông hiện nay.
Phán quyết của PCA là cơ hội để Trung Quốc rút lui trong danh dự |
Người viết tin rằng những hoạt động nâng cao năng lực phòng thủ, trong đó có mua sắm vũ khí trang thiết bị hiện đại sẽ được các cơ quan chức năng tính toán một cách hợp lý. Với các lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc luôn là yêu cầu nhiệm vụ thường trực số 1.
Vấn đề còn lại là làm sao có thể đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tạo được đồng thuận trong dư luận xã hội cũng như sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế mới là điều quan trọng.
Còn khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng thì thà hi sinh tất cả, quyết không chịu mất nước, quyết không chịu làm nô lệ. Đồng thời với việc nâng cao cảnh giác và năng lực phòng thủ, bảo vệ đất nước, chúng ta nên tìm mọi cách tận dụng các giải pháp đấu tranh hòa bình, hợp pháp và kéo đối phương vào bàn đàm phán.
Vì vậy, cá nhân người viết thiết nghĩ những hoạt động mua sắm trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam là nhu cầu cần thiết, song cũng cần được dư luận hiểu và chia sẻ rằng:
Chúng ta mua vũ khí để phòng thủ, bảo vệ đất nước, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc, không phải chống Trung Quốc, không phải đi khiêu khích với bất kỳ ai. Vũ khí chỉ dùng để đánh trả kẻ thù khi chúng xâm phạm bờ cõi Việt Nam mà thôi.
Do đó không nên có thông tin hay bình luận hướng dư luận xã hội chú ý vào việc "mua vũ khí chống Trung Quốc", bởi như vậy chỉ kéo chúng ta vào thế đối đầu với Trung Quốc, gây ra những nghi kỵ và chia rẽ nguy hại và không cần thiết. Mua sắm và sử dụng vũ khí thế nào cho hiệu quả, thiết nghĩ các lực lượng chức năng, các lực lượng vũ trang đã có tính toán cụ thể.
Điều quan trọng vào thời điểm này theo người viết, chính là làm sao chúng ta với tư cách một bên liên quan trực tiếp tới nội dung phán quyết của PCA có thể sử dụng tốt nhất vũ khí pháp lý để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, cùng hòa bình và ổn định của khu vực. Đó mới là điều đáng để mỗi chúng ta suy nghĩ.