Nỗ lực chống tham nhũng của Tập Cận Bình giống với Putin?

31/07/2014 14:04
Nguyễn Hường
(GDVN) - Vụ điều tra tham nhũng chống lại Chu Vĩnh Khang của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nét tương đồng với chiến dịch chống tham nhũng của ông Putin.

Tờ South China Morning Post hôm 31/7 đưa tin cho biết, vụ điều tra tham nhũng chống lại Chu Vĩnh Khang của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nét tương đồng với chiến dịch chống tham nhũng nhà lãnh đạo Nga Vladir Putin từng tiến hành khi mới lên cầm quyền để củng cố quyền lực. 

Vụ việc đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đóng vai kẻ đáng sợ nhất trong chiến dịch chống tham nhũng được cho là nhằm mục tiêu vào cả "hổ" lẫn "ruồi".

Những người ủng hộ quyết định mở cuộc điều tra tham nhũng chống lại cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang cho biết, họ đã đạt được một số mục tiêu qua chiến dịch này như: củng cố thông điệp rằng không một quan chức nào được phép dẫm đạp lên luật pháp, củng cố hình ảnh của đảng Cộng sản Trung Quốc và quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải).

Quyền lực của Tập Cận Bình được đánh giá hiện đã vượt qua tất cả các nhà lãnh đạo trước đó của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình.

Có báo cáo cho rằng Tập Cận Bình dự định sẽ thay hàng trăm quan chức cũ bằng những người ủng hộ sẵn sàng thực hiện các thay đổi cơ cấu cần thiết để cân bằng lại nền kinh tế của Trung quốc.

Tuy nhiên, phạm vi và tác động của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đã tạo ra những tác động không thể đoán trước. Trong 5 tháng đầu năm nay, gần 63.000 quan chức Trung Quốc đã bị khai trừ khỏi đảng.

Tập Cận Bình đã cố gắng tạo ra ấn tượng rằng cuộc điều tra chống lại Chu Vĩnh Khang không xuất phát từ động cơ chính trị, nhưng các nhà phân tích tin rằng chắc chắn mục tiêu mấu chốt của động thái chưa từng có này là mối quan hệ thân cận giữa cựu nhà lãnh đạo này với Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh đã bị bắt và kết án liên quan tới tham nhũng.

Điều này đã làm tăng hoài nghi rằng Tập Cận Bình sẽ sẵn sàng mở rộng cuộc điều tra  mà ông đang tiến hành. 

Chu Vĩnh Khang (trái) và Bạc Hy Lai.
Chu Vĩnh Khang (trái) và Bạc Hy Lai. 


Thêm vào đó, việc Tập Cận Bình gia tăng ảnh hưởng đáng kể sau vụ điều tra Chu Vĩnh Khang không hẳn sẽ làm cho Trung Quốc ổn định hơn. Bằng chứng về điều này có thể nhìn thấy thông qua nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới được Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ ngưỡng mộ.

Theo South China Morining Post, sau khi loại bỏ các mối đe dọa trong nước, Tổng thống Nga đã trở nên quyết đoán hơn ở nước ngoài. Tương tự, Trung Quốc gần đây cũng đã thể hiện các động thái quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh hải trong khu vực. 

Ngoài ra, nếu nỗ lực cải cách của Tập Cận Bình thất bại, ông cũng có thể thúc đẩy kích động tranh chấp địa chính trị để thay đổi trọng tâm chú ý.

Tập Cận Bình có thể cũng thực sự mong muốn diệt trừ nạn tham nhũng đã và đang làm tổn hại tới uy tín của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng những gì ông đang tiến hành khiến nhiều nhà phân tích tin rằng nó không giúp nhiều cho việc khiến chính phủ Bắc Kinh minh bạch hơn và thay vào đó là các suy đoán chúng xuất phát từ mục tiêu chính  trị. /.

Nguyễn Hường