LTS: GDQP-AN là một môn học rất cần thiết đối với học sinh bậc THPT để các em được rèn luyện, có thêm sức khỏe vừa có những kiến thức cơ bản về quốc phòng, an ninh góp phần vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên nội dung và chất lượng dạy, học môn GDQP-AN ở bậc THPT hiện nay lại là vấn đề đáng lo ngại.
Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có những phân tích dựa trên thực tế. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc về vấn đề này.
Thấy được tầm quan trọng của kiến thức, kỹ năng về quốc phòng- an ninh đối với học sinh phổ thông, từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa bộ môn Giáo dục quốc phòng- an ninh ( GDQP-AN) vào giảng dạy chính thức ở bậc THPT.
Môn học này có thời lượng 1 tiết/ tuần, điểm số, kết quả học kỳ, cả năm được tính như một bộ môn văn hóa, tham gia vào điểm trung bình các môn học trong từng năm học, với mục đích ràng buộc, nâng cao ý thức, thái độ học tập của người học.
Sau nhiều năm, tổ chức tập huấn, đào tạo ngắn hạn, khoảng 6 tháng tại các trường quân sự địa phương, đến nay các địa phương, trường THPT trên cả nước đã đủ số lượng giáo viên kiêm nhiệm dạy môn GDQP-AN trên đơn vị lớp, phần lớn đều là thầy cô dạy môn giáo dục thể chất.
Hai, ba năm nay, các trường ĐH sư phạm mới có mở những lớp đại học môn GDQP-AN. Phải nhiều năm nữa, thì mới có những giáo viên được đào tạo bài bản, chính quy, chuyên dạy GDQP-AN ở nhà trường phổ thông. Đầu năm học 2013-2014, các thầy cô giáo dạy môn GDQP- AN được Nhà nước quan tâm, đãi ngộ hơn, bằng thêm 1% hệ số lương tối thiểu cho mỗi tiết dạy.
Hai, ba năm nay, các trường ĐH sư phạm mới có mở những lớp đại học môn GDQP-AN |
Tuy nhiên, tính hiệu quả, chất lượng dạy, học bộ môn này kể từ khi đưa vào chương trình, dạy tiết trên lớp vẫn chưa tốt, còn đó những khó khăn và bất cập. Thầy Tạ Ngọc Trí, Phó Hiệu trưởng, trường THPT Chu Văn An, huyện Tư Nghĩa ( Quảng Ngãi) cho biết:” Môn GDQP-AN ở mỗi khối lớp có 2 phần rõ rệt: lý thuyết và thực hành.
Giáo viên dạy môn GDQP-AN (kiêm nhiệm, gốc từ môn giáo dục thể chất, chỉ được tập huấn, đào tạo ngắn hạn) chỉ dạy được phần thực hành, các động tác, tư thế, kỹ thuật còn phần lý thuyết về truyền thống yêu nước, luật công an, luật nghĩa vụ quân sự, nhiệm vụ, biện pháp bảo vệ chủ quyền…thì còn lúng túng, chưa thuyết phục.
Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trường, nhiều địa phương. Những phần về truyền thống yêu nước ở lớp 11, lãnh thổ, chủ quyền, biên giới ở lớp 12…nếu giao cho giáo viên môn Lịch sử và Địa lý thì sẽ tốt và hiệu quả rất nhiều.”
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi biết, trên thị trường Sách giáo khoa hiện nay, nhiều cửa hàng có bán sách giáo khoa bộ môn GDQP-AN nhưng trong cả bộ sách giáo khoa của hầu hết học sinh bậc THPT chuẩn bị và sử dụng cho năm học mới lại không mua sách môn GDQP-AN. Khi được hỏi, một số em trả lời ngay:” Không cần thiết chú à, vì thầy cô giáo trường em có khi nào yêu cầu phải có sách giáo khoa môn GDQP-AN để học đâu.”
Thiết nghĩ, vấn đề này thuộc về sự quan tâm và trách nhiệm của nhà trường và các thầy cô giáo dạy môn GDQP-AN. Mỗi em học sinh bậc THPT đều có và sử dụng sách giáo khoa thì chắc chắn việc dạy và học bộ môn đó sẽ đạt kết quả tốt.
Về nội dung, chương trình môn GDQP-AN ở 3 lớp 10,11,12, thầy giáo Nguyễn Văn Luận, tổ trưởng tổ Thể dục- QP, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ( thành phố Quảng Ngãi) chỉ rõ những trùng lặp, bất cập:” Các bài: Lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt, Truyền thống vẻ vang của dân tộc ta trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước và Lịch sử- truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, từ tiết 1 đến 7 ở lớp 10, về mặt kiến thức có sự trùng lặp với môn Lịch sử mà các em đã và đang được học.
Bài: Tác hại của ma túy và trách nhiệm của học sinh trong phòng chống ma túy” ( từ tiết 31 đến tiết 34) của lớp 10 lại lạc lõng, không phù hợp với đặc trưng của môn học.
Bài: Trách nhiệm của học sinh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ( tiết thứ 7) và bài:” Trách nhiệm của học sinh với nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc ( từ tiết 32 đến 34) trong chương trình lớp 12 cũng không khác gì mấy so với chủ đề:” Thanh niên vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” ở tháng 12 của Hoạt động Ngoài giờ lên lớp cả ba khối lớp.”
Em Lê Thị Trang, học sinh lớp 12, một trường THPT ở tỉnh Gia Lai bày tỏ:” Một số nội dung, kiến thức ở bộ môn này trùng lặp, dẫm đạp lên một số môn và hoạt động khác, cộng với mấy thầy dạy về lý thuyết GDQP-AN không mấy hấp dẫn, sinh động nên tụi em thấy ngán quá, kéo theo đó, một số bạn thiếu tập trung, hay nói chuyện và làm việc riêng, bị thầy phê bình, nhắc nhở luôn.”
Có thể nói, GDQP-AN là một môn học rất cần thiết đối với học sinh bậc THPT để các em được rèn luyện, vừa có thêm sức khỏe vừa có những kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, thuật cơ bản về quốc phòng, an ninh góp phần vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
GDQP-AN là một môn học rất cần thiết đối với học sinh bậc THPT |
Môn học này, đặc biệt càng có mục tiêu, ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, khi vấn đề chủ quyền biển đảo nóng lên. Đã đến lúc các bộ phận chuyên môn của 3 bộ, Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng và Bộ công an cần phối hợp, ngồi lại với nhau, xem xét, rà soát một cách nghiêm túc về cách biên soạn nội dung, chương và thực trạng chất lượng dạy-học bộ môn này hiện nay.
Tổ chức khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến từ các cơ sở nhà trường để có cải tiến, điều chỉnh phù hợp, để môn học thực sự có chất lượng, tạo hứng thú, lôi cuốn được học sinh.
Theo chúng tôi, phần lý thuyết nên viết gọn gàng lại, tập trung vào kiến thức thuộc về an ninh, quốc phòng, một số nội dung trùng lặp không cần thiết thì cắt bỏ, đỡ tốn thời gian, công sức… dạy-học của thầy và trò.
Trước mắt, chưa có giáo viên chuyên trách về bộ môn, được đào tạo chính quy thì một số nội dung về lý thuyết đã nêu ở trên nên phân công, bố trí giáo viên Lịch sử, Địa lý hoặc Giáo dục công dân giảng dạy sẽ đạt hiệu quả, tính thuyết phục cao hơn.