Tính đến nay Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là cơ sở đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam xây dựng và phát triển chương trình đào tạo cử nhân ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo – Phó Trưởng khoa Khoa Giáo dục đặc biệt, và Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường - Trưởng Bộ môn Giáo dục trẻ khiếm thị và trẻ khuyết tật học tập, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ về công tác tuyển sinh và đào tạo ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Cần tăng số lượng sinh viên ngành hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
Theo cô Thảo, nhân lực hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sẽ giúp từng cá nhân, gia đình trẻ khuyết tật tạo kết nối, tìm kiếm các nguồn lực cần thiết cho người khuyết tật.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật còn tham gia làm việc trong các cơ sở giáo dục có người khuyết tật học tập, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập, các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội có người khuyết tật,…
Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo – Phó Trưởng khoa Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp. |
“Từ năm 2019, ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu được tuyển sinh. Mặc dù là ngành học ngoài sư phạm, yêu cầu phải đóng học phí, song số lượng sinh viên đăng ký học tăng.
Năm 2021, ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển được 34 sinh viên; năm 2022 tuyển được 80 sinh viên; năm 2023 tuyển được 140 sinh viên.
Việc tăng số lượng sinh viên học ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật cho thấy ngành học ngày càng được xã hội đánh giá cao, được sự quan tâm của các em học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, số lượng nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật cần phải tăng lên nhiều hơn nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay”, cô Thảo chia sẻ.
Cũng theo cô Thảo, ngoài các khóa đào tạo trình độ đại học chính quy, trong tương lai, Khoa sẽ thực hiện các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, đào tạo các hệ liên thông, vừa học vừa làm,…
Tuyển dụng giảng viên từng là sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài, sinh viên xuất sắc
Là đơn vị đầu tiên mở ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, cô Thảo chỉ ra một số thuận lợi và khó khăn.
Về thuận lợi, Khoa có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu và có nhiều kết nối trong đào tạo và thực hành. Lãnh đạo Nhà trường tạo điều kiện; các bộ, ban, ngành đặt niềm tin cho Khoa, giúp cán bộ giảng viên có nhiều động lực để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Khoa có mối liên kết rộng với các đối tác trong và ngoài nước như Phần Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ,... giúp tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập chất lượng cho sinh viên.
Tuy nhiên, Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật là ngành học mới nên chưa nhiều người biết đến. Cũng có người nhầm lẫn, thậm chí xem nhẹ vị trí, vai trò, chức năng của nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Cũng theo cô Thảo, Khoa Giáo dục đặc biệt hiện có 20 cán bộ giảng viên, trong đó có 1 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, 7 thạc sĩ, còn lại là giảng viên trình độ đại học.
Giảng viên của Khoa được quy hoạch và hoạt động chuyên môn theo các bộ môn gồm: Giáo dục trẻ khiếm thính và trẻ khuyết tật ngôn ngữ; Giáo dục trẻ khiếm thị và trẻ khuyết tật học tập; Giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỉ; Thực hành Giáo dục đặc biệt; Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
“Khoa dự kiến tuyển thêm 3-4 giảng viên cho ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Những giảng viên được tuyển dụng phải đáp ứng trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và phẩm chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và yêu cầu riêng của ngành.
Ngoài ra, Khoa ưu tiên tuyển dụng giảng viên từng là sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài và sinh viên chính quy tốt nghiệp xuất sắc, học viên cao học tốt nghiệp loại giỏi và nghiên cứu sinh trong nước”
_Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo_
Mong có kinh phí hỗ trợ để tổ chức thực hành, thực tập cho sinh viên
Bàn về chương trình đào tạo của ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường – Trưởng Bộ môn Giáo dục trẻ khiếm thị và trẻ khuyết tật học tập, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, được sự hỗ trợ của Tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), năm 2019, chương trình đào tạo ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật đã được nghiên cứu, xây dựng một cách bài bản.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường – Trưởng Bộ môn Giáo dục trẻ khiếm thị và trẻ khuyết tật học tập, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp. |
“Từ năm 2019 đến nay, tài liệu bài giảng của ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật liên tục được cập nhật theo quy định. Các giảng viên cũng chủ động tự điều chỉnh, làm mới và làm giàu kho tàng tri thức của sinh viên, nghiên cứu tài liệu sau các kết quả nghiên cứu”, cô Hường chia sẻ.
Đặc biệt, trong đào tạo, Khoa cũng đã liên kết với các trường đại học ở nước ngoài như Đại học Khoa học Ứng dụng Savonia – Phần Lan (Savonia UAS) để cùng xây dựng những micromodule học liệu, cung cấp thêm tài liệu học tập và tham khảo kiến thức cho ngành.
Về việc tổ chức thực tập, kiến tập, trải nghiệm hoạt động thực tế cho sinh viên ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, theo cô Hường, đây là điều kiện quan trọng để hình thành các năng lực nghề nghiệp cho sinh viên.
“Mặc dù là ngành học đặc thù, song hoạt động thực hành, kiến tập, thực tập được triển khai khá thuận lợi. Lý do là nhờ các cơ sở thực hành trong mạng lưới của Khoa đã có nhiều kinh nghiệm và luôn sẵn sàng đón nhận, hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập.
Mặt khác, các cán bộ giảng viên hướng dẫn thực hành, thực tập cũng là cố vấn chuyên môn cho nhiều cơ sở, có kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành”
_Tiến sĩ Nguyễn Thị Cẩm Hường_
Từ thực tế kinh nghiệm giảng dạy, cô Hường và cô Thảo đều cho rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững theo đuổi ngành học và nghề nghiệp của sinh viên.
Hiện nay, chưa có khoá sinh viên nào của ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật ra trường. Nhưng ngay từ năm thứ 3, nhiều sinh viên đã có việc làm thêm. Theo cô Thảo, dự kiến mức lương trung bình sau khi các em ra trường có thể nhận được từ 8-10 triệu đồng/tháng.
“Theo tôi, để sinh viên theo đuổi bền bỉ ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, và gắn bó lâu dài với nghề, có lẽ yếu tố quyết định nhất nằm ở chính các em sinh viên: niềm tin về giá trị của ngành nghề mà các em đang chọn và theo đuổi", cô Hường nhận định.
Còn theo cô Thảo, giá trị cao quý của nghề hỗ trợ giáo dục người khuyết tật là sự tôn trọng, khai phá tiềm năng ở người yếu thế – “đây là yếu tố quyết định, khiến nhiều người dù biết nghề vất vả, thu nhập không cao, áp lực nhưng vẫn lựa chọn gắn bó và cống hiến”, cô Thảo nói.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả tuyển sinh ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong những năm tới, cô Thảo mong muốn có được sự quan tâm, ủng hộ hơn nữa của cộng đồng trong việc tuyên truyền về ngành học, vị trí việc làm.
Đặc biệt, mong muốn các bộ, ban, ngành tạo điều kiện để Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát triển thêm hệ thống học liệu, tài liệu phục vụ giảng dạy, hỗ trợ nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động thực hành, thực tập đa dạng cả trong và ngoài nước cho sinh viên ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.