Ngành Bệnh học Thủy sản có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, chẩn đoán, phòng, trị bệnh cho các loài thủy sản nuôi. Đứng trước sự phát triển của công nghệ 4.0 và thay đổi về môi trường sống, sinh viên có môi trường học tập, thực hành thuận lợi, nhưng ngành này vẫn "khát" nhân lực.
Sinh viên có môi trường thực hành thuận lợi
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quỳnh Trâm - Trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho biết, ngành Bệnh học Thủy sản đào tạo kỹ năng chuyên môn để chẩn đoán, phòng trị bệnh và quy trình nuôi động vật thủy sản, giúp người học biết sử dụng các loại thuốc, hóa chất, dược phẩm, vắc-xin để triển khai các phương án phòng trừ dịch bệnh trong các mô hình nuôi trồng thủy sản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quỳnh Trâm cho biết: “Đây là ngành học đặc biệt, bởi, khi sinh viên đảm bảo được quy trình kỹ thuật nuôi động vật thủy sản tốt, cũng là cách bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho động vật thủy sản, ngăn chặn sự lây nhiễm các bệnh từ động vật sang người.
Với nhiều người, thủy sản không chỉ cung cấp thực phẩm mà còn cả vật nuôi cảnh. Bên cạnh đó, xã hội phát triển, nhu cầu nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe vật nuôi ngày càng cao. Do đó, ngành này đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn, có chuyên môn cao và đảm bảo yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quỳnh Trâm - Trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế). Ảnh: website trường. |
Theo cô Trâm, Khoa Thủy sản đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo kỹ sư ngành Bệnh học Thủy sản trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, ngành học này còn khá mới mẻ và phục vụ đối tượng khá đặc biệt là động vật thủy sản.
“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh ở các loài thủy sản là thách thức lớn, không những ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế người nuôi, mà còn gây mất an toàn thực phẩm cho người sử dụng.
Điều quan trọng trong việc thực hiện quy trình nuôi trồng thủy sản là đảm bảo an toàn sinh học tốt, cũng chính là cách bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho động vật nuôi và con người. Đây là một trong những yếu tố đặc biệt nhất của ngành Bệnh học Thủy sản, đồng thời, cũng là động lực học tập, làm nghề của nhiều bạn trẻ”, cô Trâm nói.
Đề cập đến việc thay đổi và cập nhật chương trình đào tạo, Trưởng Khoa Thủy sản (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế) chia sẻ rằng: “Khoa và nhà trường đã tham khảo khung chương trình đào tạo ngành Bệnh học Thủy sản từ các trường đại học trong nước và quốc tế như Mỹ, Vương quốc Anh.
Với mục đích xây dựng khung chương trình đào tạo ngành này đảm bảo tính liên thông với các chương trình đào tạo trong nước, tăng kỹ năng chuyên môn, khả năng tiếp xúc thực tế và đảm bảo tính hội nhập quốc tế”.
Trường Thủy sản (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) cũng là một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực ngành Bệnh học Thủy sản. Theo đó, trường đào tạo đội ngũ kỹ sư có khả năng xét nghiệm, chẩn đoán, phòng và trị một số bệnh phổ biến trên các đối tượng nuôi thủy sản. Đồng thời, quản lý, vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, phòng thí nghiệm và có khả năng tham gia ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thuốc, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Trường xây dựng chương trình đào tạo ngành này mang tính ứng dụng cao, sinh viên có thế mạnh về kỹ năng thực hành bên cạnh việc nắm chắc kiến thức chuyên môn. Từ đó, sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tiễn để phát triển năng lực thực hành, nghiên cứu, quản lý chăm sóc sức khỏe cho đối tượng thủy sản nuôi phổ biến tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý sức khỏe động vật thủy sản, sinh viên tại trường cùng đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học tại lĩnh vực bệnh học ở động vật thủy sản và ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán, nghiên cứu phương pháp quản lý bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, chương trình đào tạo ngành Bệnh học Thủy sản luôn được đổi mới. Nhà trường chú trọng mô hình thực hành thực tiễn tại doanh nghiệp. Điều này đem lại lợi thế về mặt kỹ năng thực hành, sinh viên vừa áp dụng kiến thức chuyên môn vừa học hỏi từ mô hình hoạt động của doanh nghiệp.
Sinh viên được thực hành tại các phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ công tác xét nghiệm, chẩn đoán bệnh thủy sản. Đồng thời, các trang trại với diện tích lớn, đa dạng thủy sản nuôi phục vụ việc thử nghiệm các sản phẩm, vắc-xin cũng như phương pháp mới trong phòng và trị bệnh”.
Sinh viên ngành Bệnh học Thủy sản Trường Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) tham gia thực hành. Ảnh: NVCC. |
Trong khi đó, ở trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quỳnh Trâm nói: “Việc thực hành của sinh viên được triển khai thuận lợi. Hiện, Khoa Thủy sản của trường có Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thủy sản, tạo cơ hội cho sinh viên học tập lý thuyết kết hợp với thực hành. Bên cạnh đó, sinh viên còn được thực tập nghề tại một số công ty thủy sản, giúp nâng cao kiến thức thực tế”.
Sinh viên ngành Bệnh học Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tham gia thực địa. Ảnh: NVCC |
Công tác tuyển sinh ổn định, song, ngành vẫn “khát” nhân lực
Đề cập đến vấn đề tuyển sinh trong những năm gần đây, Trưởng Khoa Thủy sản (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế) thông tin: “Do nhu cầu tuyển dụng kỹ sư ngành Bệnh học Thủy sản của nhiều công ty tăng, nên ngành này đang nhận được sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và xã hội. Vì vậy, tỷ lệ sinh viên nhập học dần ổn định trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi việc một số sinh viên ít đam mê theo học các ngành nông nghiệp, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý chọn ngành”.
Bảng: Số sinh viên nhập học ngành Bệnh học Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Bảng: Thảo Ly |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hoa cũng chia sẻ: “Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành trong khoảng từ 2 - 3 năm gần đây là 100 chỉ tiêu và tỷ lệ sinh viên nhập học luôn trên 80%, do xã hội đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý sức khỏe ở các mô hình nuôi thủy sản”.
Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên ngành Bệnh học Thủy sản, cô Hoa nói: “Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của trường đạt trên 98%, với nhiều cơ hội việc làm tại cơ quan quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương, hoặc cơ hội làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; tại viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, người học có thể tự vận hành phòng kỹ thuật, làm chủ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tư vấn thuốc thú y thủy sản.
Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Bệnh học Thủy sản, Phó Hiệu trưởng Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ nêu: “Việc tăng cường phối hợp đào tạo giữa nhà trường và các doanh nghiệp như hoạt động trao đổi sinh viên, thực tập thực tế,… là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo ngành trong bối cảnh mới, thích ứng biến đổi khí hậu, cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế”.
“Nhà trường và Khoa luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Vì vậy, hiện nay Khoa Thủy sản đang có đội ngũ giảng dạy với chuyên môn cao, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo kỹ sư ngành Bệnh học Thủy sản có chuyên môn, chất lượng tốt.
Đồng thời, hiện, nhu cầu nhân lực ngành này là rất lớn. Để thu hút sinh viên theo học, Nhà nước cần quan tâm đến nhiều chính sách hỗ trợ hơn như miễn - giảm học phí, hỗ trợ học bổng để tuyển sinh được những học sinh ưu tú theo học nhằm nâng cao chất lượng đầu vào”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quỳnh Trâm nói.