LTS: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học kỹ thuật được coi là một trong ba đột phá giai đoạn 2011-202. Dù vậy, cho đến nay các giải pháp đưa ra để phát triển nguồn nhân lực cao không rõ ràng, nói cách khác là "giật gấu vá vai".
Tòa soạn trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết của tác giả Hoàng Vĩnh Phong về vấn đề này.
Câu chuyện "tân quan, tân chính sách" theo mỗi nhiệm kỳ thiếu sự kế thừa và phát triển có thể coi là một trong những yếu kém của không ít cơ quan trong bộ máy công quyền nước ta hiện nay.
Chỉ riêng lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực đã cho thấy sự bất cập này.
Mọi người đều biết từ sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta đã khẳng định phát triển nhanh nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học kỹ thuật là một trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 2011-2020.
Ngay sau đó Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực, Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu xuyên suốt nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, từ ngày ấy đến nay đã được 7 năm rồi nhưng hầu như các bộ, ngành và địa phương chưa tổ chức sơ kết đánh giá 5 năm triển khai thực hiện các chính sách hết sức quan trọng nói trên.
Việc phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Ngay như Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, một số mục tiêu sẽ khó mà đạt được như tỷ lệ phân luồng sau trung học cơ sở 30% vào giáo dục nghề nghiệp.
Vì hiện nay mỗi năm cả các trường trung cấp và cao đẳng chỉ tuyển được không quá 75.000 đến 80.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Trong chiến lược cũng ghi rất rõ, "...thống nhất đầu mối quản lý và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục", nhưng việc tách quản lý nhà nước cho hai Bộ là sự đi ngược lại với chiến lược, không dựa vào nghiên cứu đánh giá.
Khó khăn trăm bề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh năm học này càng bộc lộ rõ do thiếu sự thống nhất trong điều hành hệ thống, do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tiếp cận đến nguồn thông tin tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm giữ.
Chỉ tính riêng triển khai quy hoạch nhân lực đội ngũ nhà giáo để phục vụ cho công tác đổi mới chương trình và sách giáo khoa lẽ ra từ năm 2015 đã không thực hiện được.
Giải pháp kiểu "giật gấu vá vai" điều chỉnh đào tạo lại 26.000 cử nhân sư phạm xuống dạy các cơ sở giáo dục mầm non cho thấy bất cập trong thiết kế và triển khai quy hoạch nhân lực của ngành giáo dục.
Trường nghề sẽ phải thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 |
Câu chuyện vừa thừa vừa thiếu nhân lực này không chỉ dừng lại ở ngành Giáo dục mà các ngành khác như Y tế, Tài chính Ngân hàng, Xây dựng, Nội vụ...
Vì thiếu đánh giá nên khó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm điều chỉnh các mục tiêu, giải pháp thực hiện đã được Chính phủ phê duyệt...
Đáng ngại nhất là bộ, ngành lại sáng tạo ra những "giải pháp" mới và rất dễ quên kế thừa những giải pháp đã xác định từ trước, dẫn đến cả thừa và cả thiếu nhân lực có kỹ năng.
Sự ế thừa hàng trăm nghìn cử nhân hiện nay, sự mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu trình độ và ngành nghề trong đào tạo nhân lực xem ra vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ khi đất nước có đến trên 79% lao động trong độ tưổi chưa được đào tạo kỹ năng kỹ thuật (theo Báo cáo Điều tra lao động việc làm Quý I, 2017) và rồi việc có sáng kiến đưa của Đề án cử nhân đi lao động nước ngoài càng cho thấy sự lúng túng trong quy hoạch nhân lực.
Theo nhiều chuyên gia về giáo dục cho thấy, mục tiêu và các nội dung quy hoạch phát triển nhân lực gắn với định hướng phát triển kinh tế xã hội có thể coi là một trong các tiền đề để quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo đảm bảo sự phát triển hài hòa và ổn định của hệ thống.
Nhưng dường như điều đó đã bị bỏ qua để mặc trường chồng chéo ngành nghề đào tạo trên một địa bàn.
Có địa phương lên đến vài chục cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa kể các trường đại học dẫn đến sự bất cập trong đầu tư nguồn lực, các trường tranh nhau tuyển sinh do mật độ rất đông... trong khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được.
Quản lý nhà nước là quản lý theo quy hoạch, chiến lược, các chính sách và cơ chế đi kèm.
Vì thế, bỏ qua công tác quy hoạch và đánh giá tiến độ thực hiện là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển nhân lực quốc gia.
Chưa bao giờ bức tranh nhân lực của ngành sư phạm lại xót xa như bây giờ |
Ở nhiều địa phương việc thực hiện các văn bản chính sách lên quan đến phát triển nhân lực cũng mang tính nửa vời.
Rất ít các địa phương có các Hội đồng phát triển nhân lực và đưa vào hoạt động trên thực tế để giúp cho lãnh đạo tỉnh, thành phố hoạch định chính sách và thiết kế cơ chế để phát triển nguồn nhân lực và cũng là giải pháp thu hút đầu tư.
Ở cấp quốc gia có Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nhưng sự hoạt động chưa thật hiệu quả để tham mưu cho Thủ tướng về những vấn đề đào tạo, phát triển nhân lực đáp ứng với nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.
Vốn liếng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế hay làm nông nghiệp công nghệ cao Chính phủ có thể xoay sở được, nhưng vấn đề con người không phải một sớm một chiều có sẵn như đất đai hay tiền bạc đi vay được.
Điều đó, đòi hỏi những người có trách nhiệm phải có tầm nhìn và hành động thực tế về nhân lực là ưu tiên hàng đầu.
Những dự án nghìn tỷ thua lỗ thì một trong các nguyên nhân vẫn là yếu tố con người thiếu phẩm chất và những kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Thiết nghĩ Chính phủ nên có chỉ đạo khẩn trương để các Bộ ngành, địa phương đánh giá việc thực hiện các văn bản chiến lược và quy hoạch sau 5 năm thực hiện, sớm có điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần.
Làm được điều đó một phần tránh đi sự loạn xạ trong các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, và thêm vào đó nâng cao năng lực điều phối nguồn lực quốc gia giữa các bộ ngành, giữa trung ương và địa phương để đạt được hiệu quả cao nhất.
Trống lệnh về đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao từ năm 2010 đã vang lên, nhưng xin giữ lấy "dùi trống" để giữ nhịp độ phát triển và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nhờ nguồn nhân lực được đào tạo ra.