“Nội thất Việt: Bức tranh đa diện” và Gala trao giải thưởng SV nội thất

30/11/2022 06:20
Văn Đình Ưng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- CLB khối mỹ thuật ứng dụng, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nội thất Việt: Bức tranh đa diện” và Gala trao giải thưởng SV nội thất VN.

Chương trình tọa đàm “Nội thất Việt: Bức tranh đa diện” và Gala trao giải thưởng sinh viên nội thất Việt Nam được tổ chức vào tháng 11/2022 tại Hà Nội với sự quan tâm của nhiều học giả, chuyên gia và những người quan tâm đến mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc, nội thất.

Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam là đơn vị nòng cốt tổ chức sự kiện này, với hơn 250 đại biểu và sinh viên tham dự, trong đó có các nhà thiết kế, giảng viên và sinh viên đến từ các trường đại học đào tạo các ngành kiến trúc, mỹ thuật, nội thất. Đây là hoạt động góp phần không nhỏ vào việc mở ra tầm nhìn của ngành nội thất Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Cũng là lần thứ ba Câu lạc bộ mỹ thuật ứng dụng tổ chức sự kiện này.

Tiến sĩ Văn Đình Ưng và Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan – đại diện Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tới dự và trao giải thưởng cho sinh viên đoạt giải. Tham dự còn có các chuyên gia đầu ngành đại diện của các lĩnh vực đa dạng từ thiết kế, sản xuất, thương mại, mang đến những góc nhìn đa chiều góp phần khai mở tầm nhìn của ngành nội thất trong kỷ nguyên mới.

Qua sự kiện trên, có thể phác họa một vài nét của sự phát triển ngành nội thất Việt Nam:

Những mảnh ghép đa diện của “bức tranh nội thất Việt”

Bắt nhập với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, ngành nội thất nước ta đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Cả nước hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: thiết kế, sản xuất, thi công, kinh doanh nội thất và các dịch vụ khác liên quan đến sản phẩm nội thất, tạo ra việc làm cho khoảng 500.000 - 600.000 lao động. Riêng về mảng xuất khẩu nội thất, theo số liệu từ VIFOREST (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam), hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nội thất.

Theo đó, “bức tranh nội thất Việt sẽ ngày càng trở nên sống động, đa chiều, tạo ra nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa, bản sắc giúp nâng tầm hình ảnh Việt trên bản đồ thế giới", Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất – Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khóa VIII nhận định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Tuấn Trường, Viện trưởng Viện Công nghiệp Gỗ và Nội thất, Trường Đại học Công nghiệp cho biết: “Bên cạnh tính đa diện, đa sắc, nội thất Việt còn có tính đa hướng”. Tính đa hướng này được thể hiện qua sự khác biệt rất rõ nét của từng nhóm chuyên môn: Nhóm tư vấn thiết kế nội thất, nhóm sản xuất sản phẩm nội thất, nhóm thi công công trình nội thất, nhóm kinh doanh thương mại nội thất, nhóm phụ trợ và ngành liên quan, nhóm nghiên cứu và đào tạo mỗi nhóm của những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Do đó, rất cần thiết để có sự hợp lực giữa các diện – sắc – hướng đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả ngành nội thất.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất trình bày bối cảnh bức tranh ngành nội thất

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất trình bày bối cảnh bức tranh ngành nội thất

Đặc biệt, đề cập đến câu chuyện của thiết kế nội thất, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Vũ Hồng Cương – Chủ tịch Chi hội Kiến trúc nội thất cho biết: “Chúng tôi luôn trăn trở về tình hình đào tạo nhân lực thiết kế nội thất tại Việt Nam, điều đó bao gồm cả việc cập nhật chương trình đào tạo và định hướng để giới trẻ sau khi tốt nghiệp có con đường tốt để phát triển”.

Để nâng cao chất lượng của ngành, các diễn giả đề nghị: bên cạnh việc cần có sự hợp lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng và các đơn vị đào tạo ngành nội thất Việt Nam, còn cần sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp về thiết kế, sản xuất, thương mại… nhằm tạo ra những chuẩn kiến thức mang bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.

Đã đến lúc định vị vai trò của “nhà thiết kế nội thất”

Tại diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi những vấn đề do thực tiễn đào tạo sinh viên nội thất đang đặt ra. Diễn đàn đi đến kiến nghị: Đã đến lúc những nhà thiết kế nội thất cần được định vị vai trò một cách riêng biệt, độc lập song song với nhiệm vụ thiết kế kiến trúc của một công trình hay dự án; cần có một bộ quy chuẩn riêng dành cho những nhà thiết kế nội thất.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành

Đã đến lúc, chúng ta không thể “coi nhẹ” vai trò của thiết kế nội thất, bởi “để có được sản phẩm tốt, người làm nghề này cần am tường về văn hóa nghệ thuật, về nhân trắc học ... để tạo ra không gian, sản phẩm có cảm xúc nghệ thuật, phù hợp tâm sinh lý người sử dụng. Do đó họ cần được đào tạo trình độ đại học để họ cần làm chủ khoa học kỹ thuật, ứng dụng những công nghệ tiên tiến phù hợp nhất để tạo ra sản phẩm.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của Câu lạc bộ, Gala giải thưởng sinh viên nội thất Việt Nam (ISA), tôn vinh Top 10 tác phẩm thiết kế nội thất xuất sắc nhất của sinh viên chuyên ngành nội thất đã được tổ chức.

I.S.A (Vietnam’s Interior Design Student Awards) là giải thưởng thường niên của Diễn đàn Sinh viên Nội thất Việt Nam, đây là cuộc thi mang đến cơ hội cho sinh viên ngành nội thất thực hành và trải nghiệm thực tế. Trải qua ba năm triển khai, uy tín và tính chuyên môn của giải thưởng đã dần dần nâng cao; khẳng định uy tín và thu hút hàng ngàn sinh viên chuyên ngành nội thất từ các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc gửi tác phẩm dự thi.

Hội đồng Ban giám khảo chuyên môn chấm giải

Hội đồng Ban giám khảo chuyên môn chấm giải

Một giải nhất, tổng giá trị giải thưởng 40 triệu đồng được trao cho tác phẩm Resort A-ma-noi Ninh Thuận - "Nơi hạt sương sớm rơi nghiêng" của thí sinh Trần Ngọc Phát, số báo danh I-S-A-0-2-3, đến từ Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã gây ấn tượng đặc biệt với hội đồng giám khảo không chỉ bởi ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật và hình thức thể hiện hấp dẫn mà còn ở khả năng thuyết trình chuyên nghiệp, truyền cảm hứng.

Ban tổ chức cũng trao 3 giải nhì, mỗi giải thưởng 30 triệu đồng; 3 giải ba, mỗi giải thưởng trị giá 10 triệu đồng; 3 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải bình chọn cho 10 tác phẩm với giá trị giải thưởng: Giải nhất: 10 triệu, giải nhì 5 triệu, giải ba 2 triệu đồng.

Bên cạnh các giải thưởng (tổng trị giá lên đến 250 triệu đồng), chiếc cúp ISA với tạo hình “cánh cửa đang mở” đã trở thành “biểu tượng” của giải thưởng, nhằm tôn vinh các đồ án tốt nghiệp nội thất xuất sắc. Cánh cửa còn là biểu tượng cho những cơ hội mới, tương lai tươi sáng đang chờ phía trước.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Thanh và Nhà thiết kế Lưu Việt Thắng trao giải nhất cho thí sinh

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Thanh và Nhà thiết kế Lưu Việt Thắng trao giải nhất cho thí sinh

Trưởng Ban tổ chức, ông Lưu Việt Thắng, người sáng lập “Diễn đàn sinh viên nội thất” cho biết: “Sứ mệnh của Diễn đàn là tạo ra một cộng đồng kết nối bền chặt giữa sinh viên, các nhà thiết kế trẻ với chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành. Từ đó, tạo nên sân chơi bổ ích, chuyên nghiệp, giúp các bạn sinh viên tự tin hơn với ngành nghề, với công việc và lĩnh vực mà mình lựa chọn.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm và Gala trao giải, Ban tổ chức cũng thiết kế nên một khu vực triển lãm riêng biệt gồm không gian trưng bày top 10 bài thi xuất sắc nhất, đây cũng là cơ hội để khách tham dự có thể chiêm ngưỡng sức sáng tạo vô tận mà các nhà thiết kế trẻ có thể thực hiện.

Văn Đình Ưng