Nộp giáo án 5 năm phục vụ kiểm định chất lượng, GV THPT Bưng Riềng hoang mang

28/02/2023 06:33
Nguyễn Nhật Minh - Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu bắt nộp giáo án 5 năm qua, mỗi giáo viên phải in ít nhất 5 ram giấy A4, liệu đoàn kiểm tra có đọc hết toàn bộ giáo án.

Người viết nhận được chia sẻ của một số giáo viên đang công tác tại Trường trung học phổ thông Bưng Riềng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu: “Trường tôi chuẩn bị đón đoàn kiểm định chất lượng của Sở về kiểm tra đánh giá ngoài, công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia.

Lãnh đạo nhà trường đã thông báo, toàn thể giáo viên nộp giáo án từ năm học 2018-2019 đến nay để làm minh chứng cho đoàn đánh giá ngoài kiểm tra, nghe vậy tôi phát hoảng.

Nếu có cần hồ sơ giáo án (kế hoạch bài dạy- người viết) thì chỉ cần năm học 2022-2023 là được, nay bắt toàn bộ giáo viên in, nộp hồ sơ giáo án 4 năm trước nữa, tôi thấy vô lý quá.

Nếu bắt nộp giáo án 5 năm qua, mỗi giáo viên phải in ít nhất 5 ram giấy A4, liệu đoàn kiểm tra có đọc hết toàn bộ giáo án, kiểm định giáo án đã dạy trong 5 năm qua?. Việc này có hình thức và lãng phí?”.

Trước thông tin phản ánh của giáo viên, ngày 27/2, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Hoàng Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bưng Riềng.

Theo Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tháng 3/2023, đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ về trường để thực hiện công tác kiểm định chất lượng từ năm học 2017-2018 đến nay. Giáo án là một trong tiêu chí đánh giá chất lượng.

"Hàng năm, hàng tháng, trường đều yêu cầu giáo viên phải có giáo án để trường kiểm tra nên giờ giáo viên chỉ việc tìm lại, tập hợp về trường phục vụ cho việc kiểm định chất lượng. Việc chuẩn bị này đã được nhà trường thông báo cho giáo viên từ năm học trước.

Hiệu trưởng cho biết, giáo án điện tử (hình ảnh, video, dạy trên phòng có máy chiếu) thì nộp về trường bằng bản mềm. Còn giáo viên không sử dụng giáo án điện tử, soạn giáo án bản word, dạy tại lớp thì phải nộp lại bản cứng giáo án đã phô tô (trường đã kiểm tra và đầy đủ trước đó). Nếu không tìm thấy bản phô tô giáo án của các năm trước, thì phải trình được file mềm giáo án bản word. Trường hợp giáo viên không có bản cứng, không còn bản mềm thì báo cáo với Hiệu trưởng vào đầu tháng 3 để có hướng giải quyết sớm.

Hàng năm, nhà trường đều có khoản chi đối với giáo viên là 30.000 đồng/tháng/giáo viên (trong đó có mục đích sử dụng để in giáo án)", Hiệu trưởng nhà trường cho viết.

Ảnh minh họa phòng học trường đạt chuẩn quốc gia

Ảnh minh họa phòng học trường đạt chuẩn quốc gia

Có quy định giáo viên phải nộp Kế hoạch bài dạy làm minh chứng không

Người viết đã trao đổi với hiệu trưởng một trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu, người đã nhiều lần thầy tham gia đoàn Đánh giá ngoài các trường học trên địa bàn tỉnh.

Vị này cho biết “Trong các minh chứng của Báo cáo tự đánh giá mà tôi từng tham gia đoàn Đánh giá ngoài, chưa thấy trường hợp nào yêu cầu giáo án hay còn gọi là Kế hoạch bài dạy 5 năm của giáo viên.

Một số đơn vị cũng có nộp giáo án để làm minh chứng cho đoàn kiểm tra, họ cũng chỉ nộp giáo án từ đầu năm học đến thời điểm kiểm tra đánh giá.

Thực tế, các hồ sơ minh chứng chủ yếu của tổ văn phòng, tổ chuyên môn, với giáo viên chỉ có Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

Thời gian làm việc của đoàn Đánh giá ngoài 5 ngày là cùng, các hoạt động dạy học, kết quả hoạt động giáo dục hằng năm đã được phản ánh trong Báo cáo tự đánh giá của nhà trường rồi, bắt buộc giáo viên nộp giáo án 5 năm là không cần thiết”

Theo tìm hiểu, hiện nay, các cơ sở giáo dục đang thực hiện theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT để Đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng trường Chuẩn Quốc gia.

Theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, các mức độ đạt chuẩn Quốc gia được quy định đối với giáo viên như sau:

Điều 8. Tiêu chuẩn 2 Mục 1: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh

2.Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên

a) Số lượng, cơ cấu giáo viên đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục;

b) 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định

c) Có ít nhất 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên.

Điều 13. Tiêu chuẩn 2 Mục 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh

2. Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên

a) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn trình độ đào tạo được duy trì ổn định và tăng dần theo lộ trình phù hợp;

b) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên, trong đó có ít nhất 60% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên và có ít nhất 50% ở mức khá trở lên đối với trường thuộc vùng khó khăn;

c) Có khả năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh; có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học; trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá không có giáo viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Điều 18. Tiêu chuẩn 2 Mục 3: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh

2. Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên

a) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có ít nhất 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 30% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt; đối với trường thuộc vùng khó khăn có ít nhất 70% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 20% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt;

b) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, giáo viên có báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học.

Điều 22. Tiêu chuẩn đánh giá trường trung học đạt Mức 4

Trường trung học đạt Mức 4 khi đảm bảo các quy định tại Mục 3 Chương này và các quy định sau:

1. Kế hoạch giáo dục của nhà trường có những nội dung được tham khảo chương trình giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới theo quy định, phù hợp và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

2. Đảm bảo 100% cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có năng khiếu hoàn thành mục tiêu giáo dục dành cho từng cá nhân với sự tham gia của nhà trường, các tổ chức, cá nhân liên quan.

3. Nhà trường tại địa bàn vùng khó khăn có học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nhà trường các vùng còn lại có học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn được cấp thẩm quyền ghi nhận.

4. Thư viện có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn trong khu vực và quốc tế. Thư viện có kết nối Internet băng thông rộng, có mạng không dây, đáp ứng yêu cầu các hoạt động của nhà trường; có nguồn tài liệu truyền thống và tài liệu số phong phú đáp ứng yêu cầu các hoạt động nhà trường.

5. Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, nhà trường hoàn thành tất cả các mục tiêu theo phương hướng, chiến lược phát triển nhà trường.

6. Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, nhà trường có ít nhất 02 năm có kết quả giáo dục, các hoạt động khác của nhà trường vượt trội so với các trường có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, được các cấp thẩm quyền và cộng đồng ghi nhận.[1]

Như vậy, trong 4 mức đạt chuẩn Quốc gia của trường trung học, không hề có quy định về Kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên phải như thế nào.

Hay nói cách khác Kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên không phải là hồ sơ minh chứng để đoàn kiểm định kiểm tra, đánh giá, tức là, giáo viên không phải nộp Kế hoạch bài dạy (giáo án) khi kiểm định chất lượng.

Thực tế, đơn vị người viết công tác đã đạt chuẩn quốc gia mức 2, qua các lần kiểm định chất lượng đều không phải nộp giáo án 5 năm gần nhất.

Điều này dễ gây băn khoăn cho các giáo viên về việc yêu cầu nộp giáo án 5 năm có thực sự cần thiết và bắt buộc?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-18-2018-tt-bgddt-cong-nhan-dat-chuan-quoc-gia-voi-truong-thcs-thpt-167160-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh - Ngọc Mai