Nữ thủ khoa toàn quốc khối D chia sẻ bí quyết ôn thi đạt điểm cao

09/06/2021 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với giai đoạn ôn thi nước rút, điều quan trọng là cần hệ thống lại kiến thức đã học và luyện tập đề thi, phân tích đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với 10 điểm Toán, 10 điểm tiếng Anh và 9 điểm Ngữ văn, Nguyễn Ngọc Khanh đã trở thành thủ khoa khối D toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020.

Hiện tại Ngọc Khanh đang theo học chương trình đào tạo chuyên ngành Kế toán kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA tại Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội).

Nguyễn Ngọc Khanh hiện là sinh viên năm nhất ngành Kế toán kiểm toán của Đại học Ngoại thương. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Ngọc Khanh hiện là sinh viên năm nhất ngành Kế toán kiểm toán của Đại học Ngoại thương. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Ngọc Khanh cho biết, đối với giai đoạn ôn thi nước rút, điều quan trọng là cần hệ thống lại kiến thức đã học. Bên cạnh đó, cần phải luyện đề thi càng nhiều càng tốt, phải tự làm bài và bấm giờ đúng thời gian thi để làm quen với các dạng đề khác nhau.

Một lưu ý quan trọng trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là phải phân tích kỹ cấu trúc đề minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp. Bởi lẽ, đề thi chính thức sẽ có cấu trúc tương đồng với đề minh họa, có nhiều dạng bài cũng sẽ giống nhau, chỉ thay đổi chủ đề trong đề bài hoặc thay đổi những con số.

Ngọc Khanh chia sẻ: "Ở thời điểm này, các bạn đều đã được trang bị đầy đủ kiến thức, chính vì vậy, việc hệ thống lại kiến thức là vô cùng quan trọng.

Ví dụ đối với môn toán, có những dạng bài nào, công thức nào. Với môn Ngữ văn thì cần phải nắm rõ nội dung của những tác phẩm trong chương trình đã học.

Riêng em, mỗi tuần em sẽ chia từng ngày để ôn tập một môn, ví dụ như trong một tuần em ôn Ngữ văn trong 3 ngày, ôn tập Toán trong 2 ngày và ôn tiếng Anh trong 2 ngày.

Về phần luyện đề, em sẽ chọn làm thử đề thi đúng với khung thời gian thi mà Bộ Giáo dục đã công bố. Ví dụ, theo lịch thi, môn tiếng Anh sẽ được tổ chức thi vào 13 giờ, đúng 13 giờ em sẽ bắt đầu bấm giờ làm bài thi. Việc này cũng giống như cách em tự tổ chức một cuộc thi thử cho chính mình, để mình làm quen với áp lực thời gian, lại vừa giúp bản thân nhớ lại được kiến thức đã học".

Cô nàng thủ khoa cũng cho rằng, phương pháp ôn tập hiệu quả là sử dụng sơ đồ tư duy. Cách hệ thống lại kiến thức theo sơ đồ tư duy khiến việc ghi nhớ kiến thức trở nên dễ dàng hơn.

Tùy vào mỗi môn thi với những tính đặc thù riêng để áp dụng cách ôn luyện phù hợp. Quá trình làm bài thi ở mỗi môn cũng cần phải có những bí quyết riêng.

Theo Ngọc Khanh, trong thời gian ôn tập cho môn Toán, các sĩ tử cần ghi lại những công thức quan trọng, khi nhắc đến nguyên hàm, đạo hàm thì phải nhớ ngay được công thức tính để vận dụng.

Trong cấu trúc đề thi Toán, thí sinh cần nhận diện rõ 3 phần được phân hóa mức độ từ dễ đến khó. Đối với phần "Nhận biết thông hiểu" và phần "Vận dụng", chủ yếu thường là những kiến thức cơ bản, chỉ cần nắm chắc kiến thức và công thức thì việc làm bài không quá khó khăn. Phần "Vận dụng nâng cao" với mức độ khó hơn và đòi hỏi tư duy nhiều hơn.

Đặc biệt thí sinh cần chú ý đến những dạng bài mà mình hay bị đánh lừa, cần ôn luyện nhiều vì đây là dạng bài chiếm tỷ lệ điểm không hề nhỏ và rất dễ để "ăn điểm".

"Em thường dành 5 phút để hoàn thành những câu hỏi nhận biết, 10 phút cho phần câu hỏi thông hiểu và 25 phút cho phần bài vận dụng nâng cao. Thời gian còn lại em dành để kiểm tra lại đáp án, tránh để những sai sót đáng tiếc xảy ra", Khanh cho biết.

Ngọc Khanh cho biết, mỗi môn học sẽ có một phương pháp ôn tập và "chiến thuật" làm bài riêng. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Khanh cho biết, mỗi môn học sẽ có một phương pháp ôn tập và "chiến thuật" làm bài riêng. (Ảnh: NVCC)

Theo kinh nghiệm của nữ thủ khoa khối D, để giành được điểm cao cho môn Ngữ văn thì thí sinh phải chú ý phần liên hệ. Việc liên hệ với những kiến thức hiểu biết của mình, liên hệ với các tác phẩm văn học khác là bí quyết để được cộng điểm cho môn thi này.

Đối với phần Nghị luận xã hội, các sĩ tử nên nắm bắt tốt những vấn đề nóng trong đời sống hằng ngày, những câu chuyện, những vấn đề nóng được lan truyền trên mạng xã hội, từ những câu chuyện đó để định hướng các nội dung về đạo đức xã hội.

Việc có kiến thức phong phú về cuộc sống đời thực chính là nguồn tài liệu quý giá để liên hệ, phân tích, bình luận cho những bài văn nghị luận xã hội.

"Khi làm bài nghị luận văn học, kinh nghiệm của em là chúng ta phải hiểu rõ về chủ đề, tinh thần của tác phẩm. Cần hiểu được chủ đề của tác phẩm trước sau đó mới phân tích và bình luận.

Bên cạnh đó, cần nêu rõ từng luận điểm để làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Triển khai theo từng luận điểm sẽ giúp bài viết có sự logic rõ ràng và chặt chẽ, thuyết phục nhất.

Ngoài ra, cần phải mở rộng đánh giá bình luận của mình bằng những hiểu biết bên ngoài tác phẩm. Ví dụ như năm 2020, em thi vào bài "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, em vận dụng kiến thức lịch sử để nói về công lao của những người xây dựng đất nước.

Để làm rõ lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, em liên hệ những tác phẩm như Thánh Gióng để làm rõ hình ảnh đất nước và tinh thần chống giặc ngoại xâm từ ngàn xưa của dân tộc ta.

Phần bình luận và liên hệ sẽ giúp bài văn trở nên sâu sắc sơn, tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải liên hệ cho trúng và đúng với nội dung, tinh thần của tác phẩm", Ngọc Khanh chia sẻ.

Từng là học sinh chuyên Anh, Nguyễn Ngọc Khanh không cảm thấy quá khó khăn thi ôn tập và làm bài thi môn này. Tuy nhiên, Ngọc Khanh cho rằng, bất cứ môn học nào cũng phải có những phương pháp ôn tập và làm bài hiệu quả.

Điều cơ bản nhất đối với ôn thi môn tiếng Anh theo Ngọc Khanh là phải nắm chắc kiến thức và từ vựng cơ bản trong sách. Tuy nhiên, với môn học này thì bấy nhiêu đó chưa thể đủ, càng mở rộng vốn từ, càng nắm chắc ngữ pháp thì cơ hội đạt điểm cao sẽ càng nhiều.

Luyện đề là một trong những phương pháp ôn tập tiếng Anh hiệu quả, vừa rèn luyện kỹ năng làm bài, vừa hệ thống lại kiến thức và có thêm từ mới, kiến thức mới.

Quá trình làm bài thi tiếng Anh cần chú ý đến các dạng bài khác nhau. Đối với phần đọc hiểu, thí sinh có thể đọc những câu hỏi trước, tìm từ khóa trong bài để xác định được đáp án. Tuy nhiên, trong một bài văn sẽ xuất hiện nhiều câu đánh lừa, đòi hỏi thí sinh phải đọc hiểu và nắm được đúng nội dung bài viết thì mới đưa ra được câu trả lời chính xác.

Đề thi cũng có thể xuất hiện những câu thành ngữ. Với dạng câu hỏi này, cần phải có hiểu biết về những thành ngữ trong tiếng Anh mới có thể trả lời chính xác. Ngoài ra, dạng bài tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, thí sinh phải biết sử dụng phương pháp loại trừ, đây là một cách làm bài hiệu quả trong trường hợp thí sinh không biết hết nghĩa của cả 4 đáp án được nêu ra.

Vấn đề về tâm lý trong thi cử cũng là điều được cô nàng thủ khoa gửi gắm đến các sĩ tử trong mùa thi năm nay.

"Kỳ thi năm ngoái, chúng em cũng gặp nhiều áp lực vì diễn biến dịch bệnh phức tạp. Điều này một lần nữa lặp lại trong kỳ thi năm nay. Mặc dù vậy, thí sinh cần giữ tâm lý ổn định, thoải mái trước và trong quá trình thi.

Đặc biệt những ngày sát kỳ thi, các bạn nên tránh việc học tập quá sức và tránh để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình làm bài thi", Ngọc Khanh chia sẻ.

Phạm Minh