Đam mê nghiên cứu khoa học, thông minh, ham học hỏi, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy – giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã được trao tặng giải thưởng Quả Cầu Vàng 2018, một trong những giải thưởng uy tín, danh giá của Trung ương Đoàn, tôn vinh các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong công tác, học tập.
Giảng viên đam mê nghiên cứu khoa học
Sinh năm 1983, là một trong những nữ giảng viên trẻ, có trình độ cao của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi còn học phổ thông, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy lại chọn ban D (Văn, Toán, Ngoại ngữ) là xuất phát điểm của mình.
Tuy nhiên, khi bước vào giảng đường đại học, Thùy lại chọn khoa Công nghiệp thực phẩm – Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi đầu cho niềm đam mê nghiên cứu của mình.
Nhờ có khả năng ngoại ngữ tốt, nên ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Phương Thùy đã có được học bổng Thạc sĩ ngành Kỹ thuật Môi trường tại Trường Đại học Quốc gia Chonbuk Hàn Quốc.
Có được bằng Thạc sĩ, cô Thùy tiếp tục chọn ở lại trường để làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Bảo vệ thành công xong luận án của mình, với bản tính thích học hỏi, Thùy nhanh chóng kiếm được cho mình một công việc rất tốt, mức lương hàng trăm triệu đồng tại Đại học Quốc gia Singapore.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: HUFI) |
Trong những năm sống, làm việc ở nước ngoài, nữ Tiến sĩ trẻ tuổi đã có một thành tích ai ai cũng phải khâm phục, như: Hàng chục bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế, là tác giả chính của một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí trong nước, một báo cáo poster xuất sắc tại Hội nghị công nghệ Hóa học được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2007…
Hiện Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy đang cùng với người bạn đời của mình theo đuổi một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Đó là: Hiện trạng kháng kháng sinh trong nước.
Đề tài này sẽ tìm hiểu về thực trạng dùng kháng sinh không hợp lý ở nước ta, dẫn tới việc dư thừa kháng sinh được phát tán trong môi trường, khiến vi khuẩn kháng với kháng sinh được phát hiện trong tự nhiên với tần suất ngày càng cao.
Từ kết quả của nghiên cứu này, các cơ quan ban ngành sẽ đưa ra những giải pháp kịp thời, để giảm thiểu, kiểm soát được vấn đề kháng kháng sinh trong môi trường.
Về nước làm giảng viên đại học
Sau một thời gian dài sinh sống tại Hàn Quốc và Singapore, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy đã từ bỏ mức lương cao chót vót như vậy, để quay trở về Thành phố Hồ Chí Minh, làm giảng viên khoa Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, một trường đại học công lập thuộc Bộ Công thương.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do quay trở lại quê hương, Tiến sĩ Phương Thùy nói rằng, sau một thời gian rất dài nghiên cứu, học tập ở nước ngoài, đây chính là lúc Thùy cần quay về để cống hiến, truyền lửa lại cho các thế hệ sinh viên của thành phố mang tên Bác.
Phương Thùy hướng dẫn các sinh viên nghiên cứu khoa học (ảnh: HUFI) |
Khi trở về nước, nữ giảng viên vẫn còn rất bỡ ngỡ với công việc giảng dạy của mình.
Cô còn phải bắt đầu từ những buổi học về nghiệp vụ sư phạm. Ngoài thời gian lên lớp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cô còn phải tự tay soạn cho mình chương trình giảng dạy riêng, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, coi phòng thí nghiệm, phụ trách nhiều hoạt động ngoại khóa của khoa.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy nhớ lại: Nhớ thời gian đang làm việc ở Singapore, tôi mang bầu bé thứ hai, nhưng do đặc thù của công việc nghiên cứu, nên mình vẫn đi làm tới sát ngày sinh, chỉ nghỉ sinh có đúng một tháng, còn lại là nhờ chồng, người giúp việc lo giúp.
Gần 2 năm trở thành một giảng viên của đại học trong nước, cô Thùy nói rằng, dù rằng mức lương rất chênh lệch, nhưng cô vẫn luôn yêu thích công việc hiện tại.
Tiến sĩ Thùy giải thích: Chính nhờ nó mà những giá trị mà tôi nghiên cứu sẽ lan tỏa nhiều hơn tới các em sinh viên, còn nếu chỉ nghiên cứu và viết các bài báo khoa học, đối tượng tiếp cận sẽ bị giới hạn, phạm vi lan tỏa cũng chẳng thể nhiều được.
Làm việc với các sinh viên, chị Phương Thùy luôn lưu ý, các em cần trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình, rèn luyện bản lĩnh để vượt qua khó khăn.
Tính đến thời điểm hiện nay, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy đã có 12 năm gắn bó với công việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Và với cá nhân chị, chưa bao giờ chị hết đam mê và hứng thú với công việc này.