Ở hang đá cũng đưa con đi học

11/11/2011 15:06
Lý Phi Chờ
(GDVN) - Các em không giàu về vật chất nhưng giàu về nỗ lực và sự cố gắng, khát vọng đưa gia đình các em thực hiện khát vong lên bờ bằng con đường học hành.
Lũ thượng nguồn đang về, Quảng Nam vùi dập trong lũ. Như mọi năm, nếu nước lũ lên quá cao, hơn 10 nghìn người dân Quảng Nam sẽ chạy lũ lên hang đá. Trong số đó có cả người dân làng vạn đò nơi thượng nguồn sông Thu Bồn, thế nhưng, làng vạn đò đó tuyên bố: Ở hang đá cũng cho con đi học.

“Ngày xưa, xóm vạn đò thượng nguồn sông Thu Bồn chúng tôi đông đúc lắm, lên đến hơn 60 hộ cơ, nhưng bây giờ chỉ còn gần 30 hộ. Chúng tôi không thể lên bờ được vì mắc cái tội… nghèo truyền kiếp”. Ông Hồ Xá, cư dân cao tuổi nhất bến Sé (xã Quế Lâm – Nông Sơn – Quảng Nam) mào đầu câu chuyện về xóm vạn đò của mình.

Kể cũng lạ, những gia đình ở xóm vạn đò này có nguồn gốc… tận đáy xã hội mà có đến hơn 30 hộ gia đình bỏ thuyền lên bờ được cũng là một điều hi hữu.

Thương gia …học sinh


Bây giờ xóm vạn đò bến Sé còn 11 đứa trẻ đang cắp sách tới trường. Và câu chuyện đi học của các em học sinh vạn đò bến Sé cũng thương đến… trào nước mắt.

Trường cấp I, II Quế Lâm cách xóm đến 7km. Dĩ nhiên, nếu đi học buổi sáng thì những đứa trẻ này phải dậy từ 4h sáng, băng qua rừng, rồi đến cánh đồng ngút ngát ngô mới đến trung tâm xã. Nhưng đâu chỉ có chuyện đi học, mà những trẻ em vạn đò bến Sé còn kiêm luôn nhiệm vụ “thương gia học sinh”.

Có nghĩa là đều tăm tắp, 4h sáng dậy đi học mang theo cá, tôm và rau rừng bố mẹ đánh bắt lúc đêm mang đi để bán rồi đi học. Em Hồ Sĩ Trung, học lớp 6, ngày nào cũng địu sách vở kèm theo 2 – 3 kg cá ra trung tâm xã để bán rồi đi học.

Cũng may, Trung học buổi chiều, thành thử nhiều hôm ế hàng em phải đi bộ thêm 3km ra tít đường Quốc lộ Nông Sơn để bán hết cá. Cũng may, những hôm mưa gió, các thầy cô trường Quế Lâm thương tình gọi Trung đến mỗi người một ít mua hết cá.
Bữa ăn dù chỉ là bát mỳ nhưng cũng đủ để Trung theo đuổi nghiệp đèn sách và ước vọng lên bờ bằng con chữ
Bữa ăn dù chỉ là bát mỳ nhưng cũng đủ để Trung theo đuổi nghiệp đèn sách và ước vọng lên bờ bằng con chữ
Trung bảo: “Nhà em phân công công việc rất rõ ràng, bố đi chài lưới bắt cá, mẹ lên rừng hái măng, hái rau. Em và cu Tùng, em trai em học lớp 3 sẽ mang cá, rau ra trung tâm xã để bán. Chúng em vừa đi học vừa tìm đầu ra cho các “mặt hàng” của bố mẹ em. Ngoài ra, chúng em đi học cũng là tìm “đầu ra” cho con đường lên bờ của gia đình. Bố mẹ em bảo thế”.

Như chuyện của em Nguyễn Thị Hiền còn thương hơn nữa. Hiền học lớp 8 và cũng học buổi chiều nhưng bao giờ em cũng đi học từ 4h sáng. Nhà Hiền neo người, bố đã mất do bệnh tật, mẹ Hiền thì ngày ngày lên bờ làm thuê cho dân bãi ngô nên riêng chi phí học hành Hiền phải tự đảm đang.
Hiền vượt thuyền vừa mưu sinh vừa đến lớp
Hiền vượt thuyền vừa mưu sinh vừa đến lớp

Hiền tự đi lên rừng hái rau tùy theo mùa. Đến khoảng 1h chiều lại chạy ù về lớp cho kịp giờ học. Thương Hiền, các thầy cô trường Quế Lâm đã “đặt hàng” dài hạn các loại rau của Hiền. Thành thử ra Hiền là “thương gia học sinh” có “đầu ra” ổn định nhất.

Ngày nào tìm được nhiều rau củ, em còn gửi các bạn (đi học buổi sáng), đi bán cá buổi chiều bán giùm. Cứ đều như thế, ngày nào em cũng kiếm được khoảng 20 – 30 nghìn từ tiền bán rau và đủ trang trải chuyện sách vở, học hành.

Nhưng khốn khổ nhất với các gia đình và các em học sinh xóm vạn đò bến Sé là vào lũ lụt tháng 10 – 11 khi mùa lũ về thì cả xóm phải lên hang đá để ở.

Giữa bốn bề mênh mông lũ ấy, kiếm đâu ra tôm, cá và rau rừng. Ấy thế nhưng lũ chưa ngập lớp, ngập trường, 11 em học sinh này vẫn được bố mẹ chèo đò đưa đến lớp. Bố của em Trung là anh Hồ Sĩ Kiên bảo: “Chúng tôi tránh lũ trong hang đá, nhưng chuyện học hành của lũ trẻ nếu bị đứt đoạn còn nguy hiểm hơn lũ gấp vạn lần. Lũ mỗi năm chỉ đến một lần, còn chuyện thất học của lũ trẻ thì cả thế hệ chúng tôi và các em vĩnh viễn không còn đường lên bờ được nữa”.

Vừa lo mưu sinh và học hành như thế nhưng đến bất kỳ thuyền nào của xóm vạn đò bến Sé cũng dán đầy giấy khen, bằng khen của các em. Cái tên “Thương gia học sinh” là do các thầy cô ở trường Quế Lâm đặt cho các em học sinh vạn đò xóm Sé.

Các thầy cô cho rằng: Các “thương gia hoc sinh” vạn đò bến Sé là người giàu đấy, các em không giàu về vật chất nhưng giàu về nỗ lực và sự cố gắng, chăm chỉ. Vượt trên hết là các em giàu về khát vọng đưa gia đình các em thực hiện khát vong lên bờ bằng con đường học hành.
Cu Dũng là công dân nhỏ tuổi nhất của đội “thương gia học sinh”. Dũng mới vào lớp 1 và đang làm quen với công việc vừa học vừa mưu sinh
Cu Dũng là công dân nhỏ tuổi nhất của đội “thương gia học sinh”. Dũng mới vào lớp 1 và đang làm quen với công việc vừa học vừa mưu sinh
Lên được bờ nhờ…đưa con đi học

“ Lên bờ được là nhờ con cái đấy, chúng nó học hành tử tế đi làm cán bộ rồi đưa bố mẹ, anh em lên bờ định cư theo”. Bà Hồ Thị Thái người đã trọn 82 năm làm dân vạn đò hồ hởi kể.

Theo bà Thái cho biết: Trước đây xóm vạn đò bến Sé chúng tôi có gia đình Ông Hồ Sĩ Trung quê ở Nghệ An. Ông ấy từng là thầy giáo từ thời kháng chiến chống Mỹ đấy nhưng chẳng biết cơ sự thế nào lại dắt díu vợ con lưu lạc đến xóm vạn đò chúng tôi. Ông ấy là người đầu tiên của xóm chúng tôi quyết tâm đưa hai đứa con đến trường.
Đã bao đời nay nhặt nhạnh nhưng con cá, tôm để nuôi con ăn hoc là chuyện thường nhật với người dân vạn đò bến Sé để nuôi ước vọng lên bờ
Đã bao đời nay nhặt nhạnh nhưng con cá, tôm để nuôi con ăn hoc là chuyện thường nhật với người dân vạn đò bến Sé để nuôi ước vọng lên bờ
Con cá, con tôm sông Thu cũng nuôi nấng được hai đứa học hành tử tế rồi công tác ngoài Thị trấn huyện. Thế là chúng nó đón ông bà ra huyện an nhàn tuổi già. Từ đó xóm chúng tôi theo gương, dù đói đến đâu cũng phải cho con đi học. Đó là con đường duy nhất để thực hiện mơ ước truyền kiếp là… lên bờ.

Có rất nhiều hộ gia đình như gia đình ông Thành, gia đình bà Quý, gia đình ông Minh, ông Bản, ông Tâm… cũng đã giã từ kiếp ở thuyền lên bờ nhờ con cái học hành tử tế. Người dân ở xóm vạn đò bến Sé còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động về con đường lên bờ gian nan của gia đình bà Quý.

Gia đình bà Quý gia nhập xóm vạn đò cách đây 20 năm. Khi bà Quý mang thai được 6 tháng thì ông Tiến bị lũ cuốn mất tích. Sinh nở xong xuôi, bà Quý làm ngày làm đêm, buổi thì chài lưới bắt tôm cá, buổi thì lên rừng hái rau, tìm củ ra chợ bán nuôi con là Đinh Mạnh Hùng ăn học. Đinh Mạnh Hùng chăm chỉ học hành thi đỗ Đại học Huế rồi cùng bạn bè mở công ty kinh doanh du lịch.
Một góc xóm vạn đò bến Sé
Một góc xóm vạn đò bến Sé
Cách đây 5 năm, Hùng về đón bà Quý ra Huế để dưỡng già nhưng bà Quý nhất quyết không đi. Bà Quý cho rằng, chống bà đã nằm lại bến Sé này rồi, mặc dù không tìm thấy thi thể nhưng vẫn phải ở lại để có người nhang khói.

Thương mẹ, Hùng đã mua cho mẹ chiếc thuyền to nhất, chiếc thuyền có 3 gian liền, rộng chừng 30m vuông để mẹ sinh sống cùng bà con vạn đò chòm xóm.

Bà Quý mất cách đây 2 năm. Theo ước nguyện của bà là được thủy táng ở thượng nguồn sông Thu Bồn để bên cạnh chồng. Hùng đã về tổ chức đám tang cho mẹ to chưa từng thấy. Bà con xóm vạn đò cứ lấy gương “anh Hùng” để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay.

Lý Phi Chờ