LTS: Vừa qua, Trường Đại học Y Hà Nội - đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y lần thứ XXI năm 2022. Đáng chú ý, trong quy chế Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XXI nêu rõ: “Mỗi đề tài tham gia báo cáo sẽ đóng 10.000.000 VNĐ. Đối với đơn vị chỉ tham gia 1 báo cáo hoặc chỉ tham gia với tư cách là quan sát viên thì mức đóng góp là 15.000.000 VNĐ”.
Điều này dấy lên nhiều băn khoăn về việc nộp một số tiền lớn khi tham gia Hội nghị trong nước.
Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Giáo sư y khoa (kiêm nhiệm) của Đại học New South Wales, và Giáo sư kiêm nhiệm dịch tễ học và thống kê học thuộc Đại học Notre Dame Australia.
Phóng viên: Thưa ông, ở Úc, các báo cáo viên, quan sát viên có phải đóng phí khi tham dự hội nghị không? Nếu có thì mức thu sẽ như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Đa số các hội nghị khoa học do các hiệp hội khoa học tổ chức thì người tham dự đều đóng phí đăng kí (registration fee), nhưng phí rất khác nhau giữa các “giai cấp” khoa học. Nếu là nghiên cứu sinh thì phí đăng kí dao động từ 100 đến 300 USD.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ảnh: NVCC) |
Nếu là cấp giáo sư hay trưởng nhóm nghiên cứu thì phí đăng kí dao động từ 300 đến 700 USD, tuỳ năm và tuỳ vào hiệp hội “giàu” hay “nghèo”. Hiệp hội giàu thì thường lấy phí đăng kí thấp hơn hiệp hội nghèo (ít hội viên).
Nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Y, ông có thể cho biết, những hội nghị ngành dạng như vậy có quy định nào đóng tiền không? Nếu có thì mức chung là bao nhiêu?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Ở Úc, đối với hiệp hội nghiên cứu loãng xương (chừng 500 hội viên), năm nay chúng tôi lấy phí 500 USD cho cấp giáo sư và 250 USD cho nghiên cứu sinh. Còn hội nghị khoa học cấp đại học thì thường không lấy phí từ nghiên cứu sinh.
Số tiền thu được sẽ được chi tiêu như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Chúng tôi (ban tổ chức và hội đồng quản trị hiệp hội) dùng số tiền thu được từ các đại biểu và nhà tài trợ để (a) mướn hội trường; (b) trả cho các khách mời giảng; (c) cấp tài trợ cho các nghiên cứu sinh vùng xa mua vé máy bay đi dự hội nghị; (d) cấp giải thưởng cho các báo cáo xuất sắc. Chúng tôi có gần 10 giải thưởng cho các thể loại khác nhau. Số tiền còn dư chúng tôi tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Tất cả đều phải minh bạch để các hội viên biết chúng tôi chi tiền như thế nào.
Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, ông đánh giá như thế nào về việc tham gia hội nghị ngành mà phải nộp số tiền lớn như vậy?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không thể bình luận được vì không rõ cơ chế của hội nghị ra sao. Tuy nhiên, nếu là nghiên cứu sinh mà phải đóng đến 10 hay 15 triệu đồng (tức 450 đến 680 USD) thì tôi thấy cao so với mặt bằng thu nhập ở Việt Nam.
Kinh nghiệm của tôi về tổ chức hội nghị y khoa thì phí đăng kí được bàn luận rất cẩn thận, cân bằng lợi ích giữa người tham dự, khách mời giảng (invited speaker), và tài trợ từ các công ty dược. Những hiệp hội có nhiều hội viên, có nhiều nhà tài trợ, thì lấy phí thấp. Nhưng có 1 năm duy nhất vì nhà tài trợ ít quá và số người tham dự ít nên họ phải nâng phí đăng kí lên 900 USD cho cấp giáo sư và 300 USD cho nghiên cứu sinh.
Tôi xin nhấn mạnh rằng số tiền thu được từ nhà tài trợ và người tham dự còn được dùng để lập ra các giải thưởng và tài trợ cho những nghiên cứu sinh "nghèo" đủ để họ mua vé máy bay đi dự hội nghị, chứ hoàn toàn không làm lời.
Các giải thưởng có giá trị bao nhiêu, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Chúng tôi nhiều giải thưởng khác nhau cho mọi thành phần khoa học. Đa số các giải thưởng có giá trị tượng trưng là chính. Chẳng hạn như giải thưởng cho nhà nghiên cứu trẻ có giá trị chừng 250 USD; giải thưởng cho nhà khoa học sau 10 năm tiến sĩ là 500 USD; giải thưởng công bố khoa học xuất sắc là 500 USD; ngay cả giải thưởng cho 1 hậu tiến sĩ đi học thêm ở nước ngoài hay một labo khác cũng chỉ 5000 USD.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.