Ngày 8/1, phần xét hỏi trong vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam nhiều bị cáo thừa nhận đã chịu sức ép lớn từ ông Đinh La Thăng và dẫn đến sai phạm.
Cụ thể, trong phần trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - người được phân công theo dõi dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, thừa nhận bản hợp đồng EPC số 33 rất sơ sài. Hợp đồng không đủ cơ sở để thực hiện cũng như tạm ứng được tiền.
Giải thích câu hỏi của hội đồng xét xử, “tại sao biết sai nhưng bị cáo vẫn ký kết hợp đồng”, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh cho rằng: “Mình là Phó Tổng giám đốc, chỉ là người giúp việc cho tổng giám đốc và thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực”.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và bị cáo Vũ Hồng Chương. Ảnh TTXVN |
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai việc chỉ đạo tạm ứng cho Thái Bình 2 và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam là thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng.
Bị cáo này cũng cho rằng: “Trong các đơn vị kinh doanh, người đứng đầu bao giờ cũng có vai trò quyết định. Đã quyết rồi là làm chứ không có chuyện tính đi, tính lại”.
Bị cáo Sơn nói và giải thích thêm: “Quyết liệt là tính cách của anh Thăng, nếu bị cáo nhận thấy hợp đồng có vấn đề thì chắc chắn không thực hiện”.
Tương tự, khi khai trước tòa bị cáo Vũ Hồng Chương- nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, cho biết đã phát hiện ra hợp đồng EPC số 33 là sai và báo cáo ông Thực nhưng không được ghi nhận.
Khi Hội đồng xét xử đặt câu hỏi: “Vì sao biết hợp đồng chưa đầy đủ mà vẫn ký công văn đề nghị tạm ứng?”, bị cáo Chương cho biết phải chịu sức ép từ lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, không thể làm trái được lãnh đạo tập đoàn - “cụ thể là anh Đinh La Thăng” bị cáo này nói.
Ông Chương đáp và cho biết thêm: “Tôi phải chịu sức ép ghê gớm quá, ai lại yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày. Tôi là đơn vị cấp dưới, hạch toán phụ thuộc nên phải nghe lệnh của cấp trên”.
Qua theo dõi phiên tòa có nhiều ý kiến bình luận cho rằng, mỗi khi lãnh đạo tập đoàn được trao quyền- mà cụ thể trong vụ việc này là ông Đinh La Thăng nhưng lại thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực thì dễ dẫn đến sai phạm.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ảnh nguồn Báo Công an nhân dân. |
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm- nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước.
Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Để kiểm soát được quyền lực, tránh sai phạm, trước hết công tác tổ chức cán bộ phải chọn những người có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật cao. Trong bất kỳ trường hợp nào dù nhỏ, dù to cũng phải có phẩm chất ấy.
Đặc biệt, những người ở cương vị đứng đầu các tập đoàn kinh tế, hành động chỉ đạo của họ sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều địa phương hoặc nhiều tổ chức. Khi người này sai sẽ dẫn đến hàng loạt người khác sai theo.
Người lãnh đạo tính lan tỏa rất lớn, tác động rất rộng cho nên chọn được lãnh đạo tốt là điều cốt yếu nhất”.
Ngoài ra, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước còn cho rằng: “Khi đã là lãnh đạo, người cán bộ đó làm gì cũng phải dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện rất nghiêm túc kỷ cương. Tuân thủ nguyên tắc công khai dân chủ sẽ tránh được sai lầm.
Không công khai dân chủ, không bàn bạc tập thể, không có đưa ra để người ta bàn, người ta tham gia ý kiến thì nhất định sẽ sai.
Trong tập thể, nhiều người hiểu pháp luật, nhiều người nắm được vấn đề, nhiều người quan sát thực tiễn nên sẽ đóng góp cho thủ trưởng cơ quan bớt sai”.
Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh thêm: “Đã là thủ trưởng thì phải thực hiện dân chủ công khai, gương mẫu nghiêm túc hơn tất cả.
Đã là kinh tế thị trường, là dân chủ thì vấn đề công khai minh bạch là vấn đề số một.
Người lãnh đạo càng dân chủ, công khai, càng nắm được tâm tư nguyện vọng, nắm được tình hình, hiểu biết toàn diện hơn về tập thể.
Trong tập thể có người tốt, người xấu nhưng nhiều người tốt thì người ta bàn cho nên lãnh đạo đỡ sai hơn”.
Trong phiên toàn xét xử ông Đinh La Thăng và các bị can, một vấn đề đặt ra là cấp dưới biết cấp trên làm sai cần phải ứng xử như thế nào? Việc biện minh vì sức ép từ cấp trên liệu có thuyết phục?
Bình luận về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm phân tích: “Trong trường hợp cán bộ cấp dưới khi nhận lệnh cấp trên sai vẫn làm, dẫn tới sai lầm có hệ thống đó cũng là bài học nữa được rút ra trong việc xét xử ông Đinh La Thăng và các bị can.
Theo tôi đã là cấp dưới, là cán bộ lúc nào cũng phải có lòng trung thực, phải biết đấu tranh kiên quyết những cái sai, không được xu nịnh vì quyền lợi của mình, vì chỗ đứng chỗ ngồi của mình mà vào hùa, bỏ qua tất cả những cái sai dù sai nhỏ nhất của lãnh đạo cấp trên”.
Theo nguyên đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm: “Lòng trung thực sẽ giúp cho cơ quan đơn vị, giúp cho người thủ trưởng bớt được cái sai.
Trong khi, cán bộ nhân viên, những người dưới quyền biết sai mà không dám đấu tranh, biết sai mà vì quyền lợi của mình vẫn im lặng rồi để tập thể đó sai và dẫn đến người thủ trưởng của mình sai là không được.
Vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là bài học rằng trong tập thể phải có ý thức đấu tranh, ý thức nói lên sự thật, ý thức phát hiện sai lầm”.
Cuối cùng ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định: “Để hạn chế những sai phạm xảy ra như ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì biện pháp tổng thể lớn nhất vẫn là công tác cán bộ”.