Ngày 11/4/2019, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Văn Hiếu đã ký văn bản 1154/GDĐT-VP về phản hồi một số thông tin của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải.
Trong văn bản này, đối với trường hợp chuyển trường của con gái ông Nguyễn Vân Yên – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hùng Vương, căn cứ vào điều 5, quyết định 51/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 25/12/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành “Quy định chuyển trường, tiếp nhận học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông”; hồ sơ chuyển trường của học sinh đã có đủ xác nhận của nơi đi, nơi đến.
Ông Nguyễn Văn Hiếu trực tiếp can thiệp chuyển trường cho một học trò |
Tuy nhiên, theo mục 3 điều 5, đây là “Trường hợp ngoại lệ về thời gian” (chuyển trường không phải khi kết thúc học kỳ 1 của năm học, hoặc trong thời gian hè) do Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.
Văn bản 1154 khẳng định, hồ sơ chuyển trường này là đúng quy định.
Theo xác minh của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, con gái của ông Nguyễn Vân Yên – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hùng Vương, quận 5 năm học trước học lớp 9 của Trường trung học cơ sở Hồng Bàng, quận 5.
Năm học 2018 – 2019, con gái ông Yên thi tuyển sinh vào lớp 10, đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Hùng Vương, nguyện vọng 2 vào Trường trung học phổ thông Nguyễn An Ninh (quận 10) và nguyện vọng 3 vào Trường trung học phổ thông Trần Hữu Trang (quận 5).
Tại thời điểm đó, Trường trung học phổ thông Hùng Vương lấy điểm chuẩn vào lớp 10 là 30 (nguyện vọng 1), Trường Nguyễn An Ninh lấy 25 điểm cho nguyện 2.
Trường trung học phổ thông Hùng Vương, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Trong khi đó, con gái ông Nguyễn Vân Yên chỉ được 27,5 điểm, nghĩa là thiếu đến 2,5 điểm để trúng tuyển vào nguyện vọng 1 của Trường Hùng Vương.
Theo thông tin do ông Nguyễn Vân Yên cung cấp cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (cuộc làm việc ngày 2/4), và nhiều phóng viên khác (ngày 3/4), con gái của ông Yên chỉ học ở Trường Nguyễn An Ninh trong một thời gian rất ngắn đầu tháng 9/2018, rồi ông Yên làm đơn xin chuyển trường về Trường Hùng Vương.
Nữ sinh thiếu điểm vẫn được vào trường Hùng Vương vì ...bố là Hiệu trưởng |
Đơn xin chuyển trường này có sự đồng ý của Hiệu trưởng nơi chuyển đi, đồng ý bằng bút phê của Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu.
Tại cuộc tiếp xúc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cũng như với nhiều cơ quan báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh khác trong sáng ngày 3/4, chính ông Yên cũng thừa nhận việc chuyển trường này của mình là do quá nóng ruột về con, nên đã làm sai so với quy định.
Ông Yên cũng đã nói với nhiều phóng viên, trong sáng hôm đó, ông đã nhận khuyết điểm, trách nhiệm trong cấp ủy nhà trường, do đã chuyển trường cho con gái mình sớm hơn về mặt thời gian, chưa gương mẫu.
Còn ông Tống Phước Lộc – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn An Ninh, quận 10 trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/4 cũng đã nói, việc chuyển trường sớm này nếu xét về mặt lý là sai về mặt thời gian, còn xét về mặt tình thương của cha con thì chấp nhận được
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Website Sở) |
Ngay cả đối với ông Nguyễn Văn Hiếu trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/4 cũng đã thừa nhận rằng: Việc chuyển trường của con ông Yên là vận dụng linh hoạt, do là anh em cán bộ trong ngành, lại làm lãnh đạo, gia đình đơn chiếc. (Bài: Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị thông cảm vụ nữ sinh trượt nhưng vẫn được học xuất bản ngày 4/4)
Theo ông Nguyễn Văn Ngai – Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cách nói của ông Hiếu trong vụ việc chuyển trường này là rất chống chế, ngụy biện.
“Tôi hoàn toàn không nhất trí với cách nhận định của ông Hiếu. Việc chỉ cần học trong tháng 9, rồi chuyển trường cho con về chỗ làm cho gần là sai hoàn toàn về mặt lí.
Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị "thông cảm" vụ nữ sinh trượt nhưng vẫn được học |
Sở phải thừa nhận rằng cho chuyển trường vụ này là không đúng.
Tất nhiên, con người không phải lúc nào cũng căn cứ lý lẽ đúng, sai, vì cũng cần lưu ý phần tình anh em đồng nghiệp” – ông Nguyễn Văn Ngai nhận xét.
Khoảng cách giữa Trường Hùng Vương và Trường Nguyễn An Ninh thực ra là không xa bao nhiêu, nên cũng không thể lấy lý do đưa đón được.
“Thực ra, nếu điểm của em học sinh này nếu cao hoặc ngang bằng với điểm chuẩn nơi trường chuyển đến, thì thực ra cũng có thể xem xét được, nhưng đây là thiếu đến 2,5 điểm” – ông Ngai nói tiếp.
Nếu ai cũng đăng ký xét tuyển vào trường có điểm chuẩn thấp, rồi chỉ cần học trong tháng 9, xin chuyển trường về trường gần, có điểm chuẩn cao hơn thì xã hội chắc sẽ loạn mất.
Một Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo ở nội thành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Đúng lý ra là phải học hết học kỳ 1 mới được chuyển trường, còn mới học vài tuần trong tháng 9 là không đúng quy định.
Trường hợp ngoại lệ để chuyển trường sớm, thông thường chỉ giải quyết đối với việc chuyển từ tỉnh, thành phố khác lên Thành phố Hồ Chí Minh học hoặc ngược lại, còn trường hợp của Trường Hùng Vương chỉ đúng nếu xét về mặt tình.
Nhiều Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 11/4, đều nói rằng: Việc chuyển trường đã có quy định rõ ràng về thời điểm theo quyết định 51/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, tại điều 4 của quyết định này có ghi rõ, học sinh được chuyển trường phải là chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ. Những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình, hoặc có lý do thật sự chính đáng để phải chuyển trường.
Điều 5 quy định về thời gian chuyển trường: Khi kết thúc học kỳ 1 của năm học, hoặc thời gian trong hè trước khi khai giảng năm học mới.
Trường hợp ngoại lệ về mặt thời gian do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến xem xét, quyết định.
Một Hiệu trưởng bức xúc: Nếu xét về khoảng cách, thì từ trường Hùng Vương đến trường Nguyễn An Ninh chỉ là 1,4km (tính theo Google Map), nên nói lý do để tiện đưa đón nữ Hiệu trưởng này nói là không hợp lý.
Hơn nữa, ông Nguyễn Vân Yên trong trường hợp này cũng không phải có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, và cũng chả có lý do để gọi là thực sự chính đáng.
Nếu xét theo điều 5: Trường hợp ngoại lệ về thời gian, chuyển trường ngay sau khi nhập học lớp 10 thời gian ngắn ở trường có điểm chuẩn thấp, rồi làm đơn xin chuyển trường sang nơi có điểm chuẩn cao hơn (dù trước đó là đã trượt, thiếu 2,5 điểm) có nghĩa là đã biến trượt thành đậu, và hồ sơ chuyển trường này lại được đúng quy định để nhập học.