LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về những phát biểu gây sốc gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, liên quan tới Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Hiện nay trong dư luận Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, có không ít quan điểm cho rằng những phát biểu của ông Rodrigo Duterte là một sự xuống thang, thậm chí là "đầu hàng Trung Quốc", gây khó khăn cho Việt Nam và thậm chí là sẽ gây chia rẽ sâu sắc ASEAN.
Tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể hiểu tại sao dư luận có những mối lo ngại hoặc nhìn nhận vấn đề như vậy. Tuy nhiên tôi cho rằng, tạm gạt những phát biểu "phản ngoại giao" từ ông Rodirgo Duterte qua một bên, chúng ta mới có thể thấy được những bước đi của Philippines.
Không để các nước lớn biến mình thành quân cờ chiến lược trên bàn cờ Biển Đông
Quan sát những động thái và phát biểu của các nhà lãnh đạo Philippines khóa mới, tôi có cảm giác họ đang tính đến giải pháp làm sao để đất nước mình thoát khỏi hoạt động tranh giành quyền lợi địa chiến lược giữa các siêu cường, vốn ảnh hưởng rất lớn đến các nước nhỏ như Philippines.
Tiến sĩ Trần Công Trục ký tặng sách cho bạn đọc trong Tọa đàm về Biển Đông dưới anh sáng của luật pháp quốc tế. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Là nước nhỏ, yếu hơn nhiều về mọi mặt so với Trung Quốc, và trên thực tế Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục làm mạnh, bất chấp Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 hay những cảnh báo, đe dọa từ Hoa Kỳ, Philippines chọn giải pháp thay đối đầu bằng đối thoại.
Họ đang rất chủ động tiếp cận, hiệu chỉnh chính sách, bắc cầu đàm phán, nói chuyện để giữ cho được hòa bình và ổn định.
Phán quyết Trọng tài thì không thể thay đổi. Nhưng nếu Philippines ngả hẳn theo Mỹ ép Trung Quốc, họ sẽ chỉ tạo cớ cho Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở Scarborough hoặc có các hành động phiêu lưu khác ở Biển Đông.
Lạt mềm buộc chặt. Để yên hạ nhiệt căng thẳng Biển Đông, tìm cách tiếp xúc, nói chuyện với Trung Quốc thì hiện trạng còn có thể duy trì trong một thời gian để Philippines có thể củng cố nội lực, phát triển kinh tế, đồng thời triển khai các hoạt động hợp tác ở Biển Đông để giữ lấy hòa bình, ổn định và ràng buộc các bên.
Còn khi đã không có gì để ràng buộc nhau ngoài những hành động và lời nói kích động thù hận, đối đầu thì Philippines sẽ thiệt hại trước tiên và nặng nhất.
Dân chúng Philippines bây giờ cần cơm ăn, áo mặc, học hành, xã hội bình yên, cơ hội việc làm và phát triển...chứ không phải đi với nước này, chống nước kia.
Phải chăng đây là tính toán của Manila, không để mâu thuẫn các nước lớn đẩy mình vào thế kẹt, nói như dân gian Việt Nam là không để mình rơi vào tình thế "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết"?
Tất cả các điểm nóng trên thế giới lâu nay xảy ra đều là do cạnh tranh của các siêu cường.
Tuyên bố của ông Rodrigo Duterte có lẽ là một tính toán chiến lược, không có nghĩa là đầu hàng Trung Quốc, không có nghĩa là cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ và càng không có nghĩa là Philippines sẽ từ bỏ Phán quyết Trọng tài.
Cá nhân tôi nhận thấy, nếu đúng như thế thì đó là một tính toán khôn ngoan, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.
Bởi Philippines không phải nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông, và cũng không nên để các siêu cường biến mình thành con cờ, và rồi là nạn nhân ở Biển Đông.
Gốc rễ vấn đề luôn nằm ở cạnh tranh địa chiến lược giữa các siêu cường, và động cơ thúc đẩy chúng chính là nhu cầu bán vũ khí của các tập đoàn vũ khí toàn cầu.
Lịch sử các cuộc chiến tranh cận hiện đại cũng đều xuất phát từ tranh giành quyền lợi giữa các nước lớn.
Thậm chí các tổ chức khủng bố, loại hình khủng bố hiện nay chính là con đẻ của chính sách "xuất khẩu cách mạng", xuất khẩu hệ giá trị và vũ khí của các siêu cường toàn cầu.
Hiệu chỉnh cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc
Sau những phát biểu gây sốc của ông Rodrigo Duterte, Bộ Ngoại giao Philippines thường lên tiếng ngay để có những điều chỉnh cần thiết.
Điều này nhằm đảm bảo những phát ngôn "giàu cảm xúc" ấy không đi quá xa, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc muốn tồn tại bình đẳng với các quốc gia, dân tộc khác.
Vấn đề pháp lý và chính trị trong phát biểu của Tổng thống Putin về Biển Đông |
Reuters ngày 15/9 đưa tin, phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã phải thốt lên rằng:
Philippines đang giữ vững cam kết liên minh với Hoa Kỳ, nhưng sẽ không chấp nhận nghe người Mỹ rao rảng về nhân quyền và đối xử với Philippines như một "đứa em trai nhỏ da nâu".
Đây là khái niệm mang tính miệt thị của những kẻ thực dân Mỹ nói về người bản xử khi đô hộ Philippines hơn 50 năm trước. [1]
Có lẽ phát biểu này cho thấy một sự bất mãn của Manila trước cách hành xử lâu nay của nước đồng minh hiệp ước duy nhất, cho dù Hoa Kỳ là nước viện trợ rất lớn cho Philippines.
Nhưng viện trợ của Mỹ cho Philippines những năm qua chủ yếu thuộc lĩnh vực quân sự, an ninh, cứu trợ thiên tai chứ không phải phát triển kinh tế.
Đi kèm các gói viện trợ thường là những yêu cầu Philippines phải thế này, thế khác.
Bản thân ông Rodirgo Duterte khi sang Lào dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, thấy có biểu hiện Trung Quốc làm căng ở Scarborough thì ông ta cũng lên tiếng ngay, khá mạnh mẽ, thậm chí gay gắt.
Hôm 24/8, ông Rodrigo Duterte tuyên bố, sẽ có một cuộc chiến đẫm máu nếu Trung Quốc chà đạp các quyền chủ quyền của Philippines trên Biển Đông. [2]
Ông sẽ không nhấn mạnh vào Phán quyết Trọng tài để tìm đường đối thoại với Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là ông bỏ lơ nó.
Tổng thống Philippines cũng lưu ý, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Brunei có thể sử dụng Phán quyết Trọng tài này để khẳng định quyền và lợi ích của mình mà Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp. [2]
Kết thúc bài viết này, xin mượn câu nói của ông Duterte được Philstar dẫn ngày 24/8 rằng: "Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ nước nào lừa phỉnh chúng tôi. Chúng tôi không cho phép điều đó."
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.reuters.com/article/us-usa-philippines-idUSKCN11L2EE