Tân Hoa Xã ngày 28/4 đưa tin, hôm nay ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc đã đến phát biểu khai mạc Hội nghị Các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác châu Á lần thứ 5, trong đó ông nhắc lại lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
"Trung Quốc nhất quán nỗ lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền lợi liên quan của mình, kiên trì giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan. Trung Quốc cam kết cùng các nước ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác", ông Tập Cận Bình nói.
Ông Tập Cận Bình, ảnh: SCMP. |
South China Morning Post bình luận, phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra ngay trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp công bố phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)) ở Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình nhắc lại những lời này nhằm tiếp tục bác bỏ vai trò và phán quyết của PCA trước sự có mặt của Ngoại trưởng các nước châu Á và Trung Đông được Bắc Kinh mời dự hội nghị, trong khi hoạt động bồi đắp và quân sự hóa (bất hợp pháp) đảo nhân tạo Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông đang làm căng thẳng khu vực.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc lại quan điểm các vấn đề châu Á cần do người châu Á tự giải quyết, ngụ ý các nước ngoài khu vực như Hoa Kỳ không có vai trò gì trong các tranh chấp ở khu vực, điều ông đã nói tại hội nghị như thế này cách đây 2 năm.
Người viết cho rằng, phát biểu của ông Tập Cận Bình rất chung chung về cái gọi là "tranh chấp Biển Đông" hòng dẫn dắt dư luận đi lạc khỏi trọng tâm vụ kiện của Philippines và vai trò cùa các cơ quan tài phán quốc tế.
Bởi ở Biển Đông không chỉ có tranh chấp chủ quyền với các thực thể ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) hay bãi cạn Scarborough với Philippines do chính Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, gây ra tranh chấp, mà còn tranh chấp trong việc áp dụng và giải thích UNCLOS.
Campuchia bất ngờ bác "đồng thuận 4 điểm" với Vương Nghị về Biển Đông? |
Điển hình là đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 bành trướng gần hết Biển Đông và đang là trọng tâm của vụ Philippines khởi kiện lên PCA.
Trung Quốc đã cố tình duy trì trạng thái pháp lý mơ hồ đối với đường lưỡi bò, đẩy mạnh việc hiện thực hóa nó trên thực địa, hòng biến các vùng biển không tranh chấp thuộc vùng đặc quyền kinh tế các nước ven Biển Đông thành "có tranh chấp".
Do đó, lựa chọn giải pháp pháp lý và thông qua cơ quan tài phán quốc tế phân xử là lựa chọn văn minh, hợp lý, hợp pháp và khả thi nhất. Không một quốc gia nào chấp nhận thủ đoạn giằng bát cơm khỏi tay nước khác rồi đòi "đàm phán trực tiếp" chia phần như thế.
Mặt khác, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc "kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền lợi liên quan của mình" trước khi nói đến giải quyết tranh chấp qua đàm phán trực tiếp là có ý gì? Phải chăng vẫn là chước cũ: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, các bên phải thừa nhận điều này rồi sau đó đàm phán gì thì đàm phán?
Điều đó một lần nữa cho thấy hơi hướng của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, cá lớn nuốt cá bé, bất chấp công luận và luật pháp quốc tế của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện thời trong vấn đề Biển Đông.
Điều này càng làm cho các bên liên quan, khu vực và quốc tế thấy cần thiết phải lên tiếng bảo vệ, ủng hộ và thực thi phán quyết của PCA trong vụ kiện của Philippines.
Còn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, việc Trung Quốc 2 lần thừa cơ xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một sự thật lịch sử rõ ràng năm 1956, 1974, nhưng Bắc Kinh khăng khăng không chịu đàm phán trực tiếp với Việt Nam.
Điều đó càng chứng tỏ những phát biểu này của nhà lãnh đạo Trung Quốc không có giá trị gì với việc duy trì và bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Trung Quốc vẫn miệng nói bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông, tay vẫn kéo tên lửa, máy bay ra bố trí bất hợp pháp ở Hoàng Sa, Trường Sa, đó chính là kiểu hòa bình từ nòng súng, ổn định bằng vũ lực hòng ép khu vực phục tùng, chứ không phải là thượng tôn pháp luật, hành xử theo luật pháp quốc tế.