Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã chia sẻ như trên tại buổi nói chuyện với các cán bộ trung và cao cấp đã nghỉ hưu của câu lạc bộ Thái Phiên ngày 3/1.
Giành lại đất công
Tại buổi làm việc, Bí thư Đà Nẵng đã nói về một thực tế buồn của Đà Nẵng hiện nay là diện tích đất công cộng, phục vụ các thiết chế văn hóa ngày càng bó hẹp.
Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết, thành phố Đà Nẵng sẽ giành lại đất công để phục vụ các thiết chế văn hóa. Ảnh: TT |
"Tất cả các đất công hiện nay của thành phố, các trụ sở (nơi làm việc của các sở, ban ngành) của chúng ta khi di chuyển, sắp xếp lại thì quan điểm của Ban thường vụ là tất cả đất đó đều chuyển sang là đất công cộng và đất phục vụ các thiết chế văn hóa, không được phép bán.
Tôi nghĩ đấy là của để dành. Bao nhiêu đời, tích tụ bao nhiêu mà vèo cái bán hết.
Tôi bảo may quá, trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố (trụ sở cũ tại số 42 Bạch Đằng) mà không bán, chứ bán rồi thì ra làm sao?
Làm được cái trụ sở Trung tâm hành chính rồi nhăm nhăm bán nốt cái trụ sở Ủy ban cũ thì không ra gì cả. Đấy là một kỷ niệm vô cùng ấn tượng của Đà Nẵng.
Từ cái cầu tàu, đó là hình ảnh của Đà Nẵng xưa. Nếu chỗ đấy mà dựng lên một tòa nhà to đùng nữa thì không hiểu sẽ ra làm sao?", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, đối với đất công, tới đây, thành phố sẽ giành trở lại.
"Chúng tôi muốn nghe các quy hoạch, ví dụ như: chợ Hàn, đường đi bộ, vệt đất dọc sông Hàn... phải nghe lại hết.
Công tác quản lý, hành lang pháp lý của chúng ta phải làm sao giành giật cho lại được đất cho công cộng được nhiều nhất.
Việc phát triển của thành phố phải giành lại thiết chế văn hóa tương xứng cho người dân.
Cứ thử hình dung 110.000 hộ dân ở Đà Nẵng đã phải di chuyển để sắp xếp lại thì người dân phải có quyền được hưởng chuyện đó", ông Nghĩa nói thêm.
Thời gian qua, vấn đề chuyển nhượng nhà, đất công sản ở Đà Nẵng thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi nó nằm ở những vị trí vàng, đắc địa nhưng bị sang nhượng trái phép.
Liên quan đến vấn đề này, Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ về việc mua/thuê 31 nhà công sản trên địa bàn thành phố.
Hầu hết các đất và nhà công sản này đều có sự liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi là Vũ Nhôm) đang bị truy nã về tội: "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".
Ông Nghĩa cũng thừa nhận, trãi qua một quá trình phát triển nóng, Đà Nẵng bắt đầu phát sinh nhiều bất cập.
"Qua các tiếp xúc cử tri, ý kiến người dân, doanh nghiệp xung quanh thực hiện kết luận của thành tra chính phủ về việc thu lại 10% thuế đất, giá trị thời gian sử dụng đất.
Cái này thì chúng ta đang giải quyết hậu quả. Lúc đó, chúng ta vì nhu cầu thu hút đầu tư mà đề ra một số chính sách thu hút nhưng nó không phù hợp với quy định của Luật.
Thậm chí, cấp trên đã có ý kiến như thế nào hay chưa thì chúng ta chưa rõ. Giải quyết cái này rất khó. Rồi một lô một lóc các vấn đề đất cát khác", ông Nghĩa nhìn nhận.
Quy hoạch phê duyệt rồi không ai được phép can thiệp
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, xây dựng, ông Nghĩa cho rằng, trong quá trình làm việc thì chúng ta đã đưa ra các quy hoạch thì phải nghiêm túc thực hiện.
Và nguyên tắc là quy hoạch đã được phê duyệt thì không ai được phép can thiệp.
Bởi có thực trạng là khi quy hoạch thì đẹp nhưng sau một hồi thì nát bét. Cái đấy là cái vô cùng nguy hiểm.
"Nhiệm vụ của năm 2018, Thường vụ cũng như Ban chấp hành đưa ra mục tiêu, khẩn trương rà soát lại quy hoạch chung.
Từ nay, đến kỳ họp đầu tiên, Ban chấp hành phải nghe các góp ý về quy hoạch.
Mời các chuyên gia nước ngoài đến đánh giá quy hoạch bởi có những quy hoạch cũ không còn phù hợp và bắt kịp với sự phát triển của thành phố", ông Nghĩa thông tin.