Đào tạo từ xa ở bậc đại học theo phương thức đào tạo trực tuyến tại Việt Nam không phải là mới mẻ. Thực tế, nhiều cơ sở đào tạo đã quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng và phần mềm, đào tạo nhân sự, chuẩn bị giáo trình, học liệu điện tử bài bản.
Với mục tiêu hỗ trợ việc đào tạo theo phương thức truyền thống trong việc quản lý việc tự học của sinh viên không chỉ đa dạng hóa các phương thức, đối tượng đào tạo, xóa khoảng cách địa lý, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của nhà trường, đẩy nhanh quá trình hội nhập với giáo dục đại học thế giới.
Để không bị gián đoạn công tác đào tạo trong mùa dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã chủ động triển khai công tác đào tạo trực tuyến.
Theo đó, nhà trường đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến, mua bản quyền/chuyển giao công nghệ phần mềm quản lý học tập LMS, quản lý nội dung học tập LCMS, tập huấn giảng viên, số hoá học liệu…
Cơ hội và thách thức đối với khối giáo dục đại học khi dạy trực tuyến |
Theo số liệu báo cáo nhanh về tình hình các cơ sở đào tạo triển khai đào tạo từ xa về Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hết tháng 3/2020, cả hệ thống giáo dục đại học có 98/116 cơ sở đào tạo (không tính khối an ninh quốc phòng) tổ chức giảng dạy trực tuyến.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), khó khăn chung mà các cơ sở đào tạo đang phải đối mặt hiện nay là: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đầy đủ và đồng bộ;
Hiệu quả chưa cao đối với những nội dung/học phần cần sự tương tác giữa giảng viên và người học;...
Kiểm tra, thi kết thúc học phần còn gặp khó khăn; giá phần mềm bản quyền cao nên nhiều cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở đào tạo khó tuyển sinh, quy mô nhỏ, kinh phí hạn hẹp không thể sử dụng…
Từ thực tế là cơ sở giáo dục đại học áp dụng phương pháp đào tạo trực tuyến, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Thị Nguyệt Sương – Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, điều kiện cần để dạy và học trực tuyến hiệu quả bao gồm 2 yếu tố.
Thứ nhất là cơ sở vật chất và hạ tầng thông tin bao gồm hạ tầng mạng, phần mềm quản lý học tập, phần mềm quản lý tài liệu học tập phải được trang bị bài bản, hệ thống server của trường đủ đáp ứng cho nhu cầu dạy và học.
Thứ hai là đội ngũ giảng viên và bộ phận quản lý hệ thống dạy và học: giảng viên phải được chuẩn bị tốt về tư duy và kỹ năng dạy học trực tuyến.
Đòi hỏi giảng viên có năng lực tổ chức giảng dạy và theo dõi người học tham gia các hoạt động của lớp học, những sáng tạo của giảng viên trong giảng dạy là cần thiết đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động trực tuyến để thu hút người học tích cực tham gia vào quá trình học.
Thạc sĩ Trần Thị Nguyệt Sương – Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, Đại học Tôn Đức Thắng (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Tại Việt Nam, theo Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, Đại học Tôn Đức Thắng, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức dạy học trực tuyến một cách hiệu quả.
Không có sự khác biệt quá lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Quan trọng là chúng ta có đầu tư tổ chức cho nó hiệu quả không, còn lại công cụ, hạ tầng thì không phải không có giải pháp.
“Nếu các trường đại học ở Việt Nam với cơ sở hạ tầng mạng và công nghệ phần mềm quản lý giảng dạy đang có thì có thể phát triển giảng dạy trực tuyến dễ dàng. Nếu các đơn vị chưa đầu tư, có thể tranh thủ các dịch vụ hỗ trợ giáo dục của các tập đoàn, tổ chức trên thế giới.
Những lo lắng cho việc tổ chức giảng dạy trực tuyến khó áp dụng ở Việt Nam là không có cơ sở, chẳng qua đó là việc thiếu thông tin về cách thức tổ chức dạy và học trực tuyến cũng như tư duy ngại thay đổi trong giáo dục mà thôi”, cô Trần Thị Nguyệt Sương đánh giá.
Sắp tới, quy chế đào tạo đại học sẽ có một tỷ lệ nhất định về đào tạo trực tuyến |
Từ thực tế nơi đang công tác, cô Nguyệt Sương cho biết, tại Đại học Tôn Đức Thắng, hệ thống E-learning đưa vào sử dụng từ năm 2012 đến nay, giảng viên và sinh viên sử dụng hệ thống này để rèn luyện tinh thần tự học cho sinh viên vì vậy việc tổ chức giảng dạy trên nền tảng số (giảng dạy trực tuyến) không quá khó khăn.
Cô Sương cho biết, hệ thống này do tổ phần mềm của trường tự xây dựng, không đi mua mà tự gia công, vì thế nó đáp ứng đúng các nhu cầu mong đợi của người dùng.
“Khi bắt đầu chúng tôi cũng gặp phải vấn đề một bộ phận giảng viên cho rằng "môn tôi dạy không thể dạy học trực tuyến", đồng thời không phải bản thân thầy cô giáo nào cũng đã từng có trải nghiệm học trực tuyến, vì thế việc phản ứng của giảng viên là điều không thể tránh khỏi.
Để có thể triển khai hiệu quả và đồng bộ, chúng tôi chọn cách làm "vết dầu loang", bắt đầu bằng các giảng viên tích cực, họ tham gia giảng dạy thực tế, và họ là người chia sẻ về cách thức tổ chức dạy, các kỹ thuật sử dụng cho toàn bộ giảng viên.
Đồng thời chúng tôi mở ra các lớp hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" và các workshop với đội ngũ chuyên gia trong trường và chuyên gia quốc tế, từ đó giúp giảng viên có niềm tin "mình tổ chức giảng dạy trực tuyến được".
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tổ chức 1 lực lượng hỗ trợ hệ thống, trực chiến 24/24 sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho giảng viên”, Thạc sĩ Trần Thị Nguyệt Sương chia sẻ kinh nghiệm để dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả.
Hiệp hội sắp tổ chức tập huấn các chuyên đề dạy học trực tuyến ở bậc đại học |
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra bản dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học để lấy ý kiến dư luận.
Đối với quy định về dạy học theo hình thức trực tuyến, dự thảo thông tư nêu rõ trên cơ sở bảo đảm các điều kiện để tổ chức giảng dạy trực tuyến theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo.
Nhìn nhận về tiêu chí “việc tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến không được vượt quá 20% số tín chỉ của chương trình đào tạo”, Thạc sĩ Trần Thị Nguyệt Sương cho rằng, con số này hoàn toàn có khả năng thực hiện được, nhiều chương trình tỷ lệ này có thể cao hơn.
Theo cô Sương, đào tạo trực tuyến phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng thiết kế và triển khai của từng trường, nếu trường đã có nền tảng giảng dạy và học trên nền tảng số thì hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên đối với các khu vực mà có khó khăn về công nghệ và tư duy thì có thể có khó khăn.
Ngoài ra, vị này cũng khẳng định: “Chất lượng đào tạo không nằm ở việc dạy theo hình thức truyền thống hay dạy theo hình thức trực tuyến. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào quá trình thiết kế, tổ chức triển khai giảng dạy, giám sát giảng dạy và học tập, đo lường đánh giá chuẩn đầu ra.
Giảng dạy trực tuyến nếu đầu tư tốt thì hoàn toàn có thể đảm bảo chất lượng tốt như giảng dạy truyền thống, thậm chí còn có ưu điểm kích thích năng lực tự học của người học và phù hợp với thời đại mà việc sử dụng công nghệ thông tin, internet trở nên phổ biến trên toàn thế giới”.