PGS Lê Đức Ngọc gợi mở 4 giải pháp cấp bách nâng chất lượng giáo dục đại học

24/05/2021 06:53
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chọn được chính xác người tốt nghiệp trung học phổ thông có chất lượng thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục đại học.

Thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Lê Đức Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu ra 4 vấn đề cấp bách cần triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Một là, cần cải tiến đánh giá chất lượng người tốt nghiệp trung học phổ thông

Theo Phó giáo sư Lê Đức Ngọc, chất lượng người tốt nghiệp trung học phổ thông là đầu vào của giáo dục đại học. Chọn được chính xác người tốt nghiệp trung học phổ thông có chất lượng thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục đại học.

Cách tốt nhất để chọn được người tốt nghiệp trung học phổ thông có chất lượng là cải tiến đánh giá chất lượng người tốt nghiệp trung học phổ thông (tương đương bậc IV trong khung trình độ quốc gia đã ban hành).

Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

"Tôi cho rằng cần đánh giá người tốt nghiệp trung học phổ thông theo 2 mức độ:

Mức độ địa phương-các tỉnh,thành phố trực thuộc: Tự chọn cách đánh giá để cấp chứng chỉ hoàn thành bậc học trung học phổ thông.

Mức độ quốc gia: Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập một đơn vị chuyên trách tổ chức thi nhiều kỳ trong năm để lấy bằng Tú tài cho bất kỳ ai muốn có trong toàn quốc. Tại sao có văn bằng cho trình độ cấp 5, 6, 7 và 8 tương ứng với Cao đẳng, Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ lại không có bằng Tú tài cho người có trình độ cấp 4 trong khung trình độ quốc gia?.

Giải pháp này tạo nên một cuộc đánh giá đảm bảo không phụ thuộc vào bất kỳ một yếu tố tác động nào, để dẫn đến có chính xác và có khách quan là có công bằng.

Nhờ đó không chỉ cho giáo dục đại học tuyển được đầu vào có chất lượng mà còn giúp tạo động lực cho các tỉnh, thành từng bước nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cho công dân của mình để nhiều người đạt được bằng Tú tài", thầy Ngọc nhấn mạnh.

Hai là, nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên đại học

Theo thầy Ngọc, phần lớn giảng viên đại học mới có chuyên môn sâu về ngành nghề mình dạy mà chưa có sư phạm-công nghệ đại học cập nhật thời 4.0.

Bên cạnh liên tục nâng cao trình độ chuyên môn qua bậc thạc sĩ, tiến sĩ còn rất cần phải cập nhật nhanh chóng trình độ nghiệp vụ sư phạm-công nghệ đại học cho các giảng viên đại học.

Bấy lâu nay, chúng ta có tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên nhưng hiệu quả có thể nói là rất thấp. Theo đó, thầy Ngọc chỉ ra hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, tài liệu bồi dưỡng chưa cập nhật, thậm chí có tài liệu chủ yếu giới thiệu các văn bản qui phạm pháp luật của Bộ không phải là nghiệp vụ sư phạm nên giảng viên không hào hứng.

Thứ hai, vì học không đi đôi với hành, có nghĩa là sau bồi dưỡng không có giao đề tài nghiên cứu đổi mới chương trình nội dung, đổi mới hoạt động dạy và học hay đổi mới kiểm tra đánh giá môn học mình đảm nhiệm. Như vậy bồi dưỡng chỉ hướng đến để giảng viên biết mà không phải hướng đến để giảng viên áp dụng.

Ba là, nâng cao năng lực quản lý giáo dục đại học

Quyền tự chủ và trách nhiệm của giáo dục đại học đã được ban hành thành luật. Vì vậy, cần phải nâng cao năng lực tự chủ và trách nhiệm của cán bộ quản lý từ cấp Bộ đến cấp trường, khoa, bộ môn và ngay cả giảng viên chính trở lên, qua việc nâng cao nhận thức về quyền tự chủ và trách nhiệm của mình để hiểu và biết công việc mình đảm nhiệm phải tự chủ và trách nhiệm ở chỗ nào để làm theo và góp ý cho lãnh đạo, đơn vị của mình làm theo.

Nếu không, hiện nay luật nhà nước ban ra vẫn chỉ là của nhà nước, còn cán bộ giảng viên vẫn làm việc theo tư duy bao cấp và ít nghĩ đến trách nhiệm của mình.

Bốn là, cải tiến chất lượng hoạt động kiểm định chất lượng đại học

Cần cải tiến chất lượng hoạt động kiểm định chất lượng theo hướng: Đảm bảo chất lượng thật, kiểm định chất lượng thật và chất lượng kiểm định thật.

Đảm bảo chất lượng thật thể hiện ở hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong phải được thực hiện một cách quyết liệt, có giám sát các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong của trung tâm kiểm định ít nhất là trước 6 tháng được đánh giá ngoài.

Kiểm định chất lượng thật là do đội ngũ kiểm định viên không phải là nghiệp dư, mà là chuyên nghiệp mang lại.

Còn để có chất lượng kiểm định thật thì hoạt động kiểm định phải chính xác và khách quan, không có bất cứ một yếu tố nào tác động làm sai lệch kết quả kiểm định. Các giải pháp để có 3 thật này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhanh chóng thiết lập và ban hành sớm để phát huy được 3 hiệu quả của 3 vấn đề cấp bách trên được đồng bộ thực hiện và được đánh giá (kiểm định).

"Trong một bài viết có tính gợi mở về 4 vấn đề cấp bách cần triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục đại học nước ta, tôi không thể đi vào chi tiết các nội dung, các giải pháp và các giá trị cải tiến của mỗi vấn đề và những tác động đồng bộ của kết quả cải tiến bốn vấn đề nêu trên đến chất lượng giáo dục đại học nước ta.

Ngoài ra, tôi cũng tự nhận rằng bản thân cũng không đủ năng lực để cụ thể hóa đầy đủ các nội dung và các giải pháp cho bốn vấn đề cấp bách cần triển khai này mà nghĩ rằng cần có thêm các ý kiến đóng góp và đề xuất về những nội dung và giải pháp cụ thể từ các nhà giáo dục và bạn đọc khác của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam để tôi lĩnh hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo tham khảo", Phó giáo sư Lê Đức Ngọc nhắn nhủ.

Thùy Linh