PH băn khoăn về hiệu quả khi trẻ làm quen tiếng Anh, chuyên gia có lời khuyên

20/12/2022 06:49
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT được triển khai 2 năm, nhiều phụ huynh và cả các thầy cô vẫn chưa hiểu đúng về chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cho trẻ được tiếp cận sớm với tiếng Anh, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo. Theo nội dung của thông tư, việc dạy tiếng Anh ở các trường mầm non là không bắt buộc, mà chỉ ở nơi nào phụ huynh có nhu cầu và đảm bảo chất lượng dạy học thì nhà trường mới tổ chức lớp.

Một tiết học làm quen với tiếng Anh của trẻ em mẫu giáo ở Thái Bình. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)

Một tiết học làm quen với tiếng Anh của trẻ em mẫu giáo ở Thái Bình. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)

Băn khoăn về hiệu quả khi triển khai tại trường học

Chị Bùi Thị Ngân (tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Vì tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng trên thế giới, bản thân cũng là người từng học đại học chuyên ngành ngôn ngữ nên tôi hiểu tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Ngay khi nhà trường mở lớp học tiếng Anh với người nước ngoài, tôi lập tức đăng ký cho con ở tuổi mầm non theo học. Nhà trường tổ chức cho các cháu học 2 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài khoảng 30 - 35 phút theo các chủ đề khác nhau. Học phí một tháng là 160.000 đồng, chi phí này không quá cao với gia đình tôi.

Thế nhưng, cháu đi học về có biết một vài từ đơn giản nhưng phát âm hoàn toàn sai. Tôi cũng hiểu, dạy một ngôn ngữ mới ở độ tuổi mầm non là khó và việc trẻ có học tốt được hay không còn phụ thuộc vào một số yếu tố như năng khiếu, phản xạ, thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ của từng trẻ. Vì thế, tôi đang tính đến việc cho con nghỉ học lớp tiếng Anh ở trường mầm non để đợi đến khi con lên cấp 1, bắt đầu học sẽ hiệu quả hơn”.

Nhiều phụ huynh khác cũng đồng tình với quan điểm nêu trên, có trường hợp phụ huynh chọn cho con học tiếng Anh ở trung tâm, thay vì làm quen với tiếng Anh ở trường mần non. Chị Nguyễn Thị Hà (tỉnh Yên Bái) cho biết: “Tôi cho con đi học ở trung tâm tiếng Anh từ khi 4 tuổi, con nói được rất nhiều từ với đa dạng chủ đề như con vật, màu sắc, đồ vật, thậm chí cháu còn nói được một số từ dài và có phát âm khó.

Tôi nghĩ rằng độ tuổi mầm non là độ tuổi phù hợp để cho trẻ làm quen với một ngôn ngữ mới, quan trọng là trẻ được học theo chương trình nào và chương trình ấy có đạt chuẩn chất lượng cũng như có cam kết về đầu ra hay không”.

Trong việc triển khai thực hiện Thông tư 50, ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, khó khăn ở chỗ: thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thu nhập của phụ huynh chưa ở mức "sẵn sàng" để góp thêm cho con làm quen với tiếng Anh ở lứa tuổi mẫu giáo. Còn ở những vùng điều kiện tốt hơn, phụ huynh có nhu cầu cho con học tiếng Anh sớm lại có những băn khoăn riêng về tính hiệu quả của chương trình như trường hợp của chị Ngân, chị Hà như trên.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Giai đoạn từ 2 – 5 tuổi là giai đoạn “cửa sổ” cho việc học nói của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ có thể bắt đầu học nói giọng chuẩn của một thứ tiếng nào đó. Đây là độ tuổi hệ thần kinh của trẻ rất mềm dẻo và xuất hiện nhiều mấu thần kinh mới giúp trẻ nhạy cảm với ngôn ngữ. Chính vì vậy, mọi người thường mặc định rằng, đây là độ tuổi các con nên được học ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh đồng một công thức như vậy được. Vì nếu con đang gặp khó khăn về ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ chưa sõi mà học thêm một ngôn ngữ mới sẽ gây ra sự xáo trộn trong tư duy, khiến con gặp khó khăn khi tập nói và giao tiếp.

Chúng ta nên hiểu rằng, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu hình thành ngôn ngữ mẹ đẻ và cần thành thạo một ngôn ngữ trước khi bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai. Theo quan điểm phát triển, ở giai đoạn này, lời khuyên dành cho phụ huynh là hãy giúp con thành thạo tiếng mẹ đẻ và làm phong phú thêm vốn từ vựng.

Sau đó hãy giúp con có thêm những hệ code, hệ mã hóa khác (ở đây tạm hiểu là những định dạng ngôn ngữ, hiểu biết khác được lập trình trong não bộ trẻ dựa vào thói quen, sự học hỏi, giao tiếp) để cho não bộ của trẻ phát triển và ngoại ngữ có thể là một phần trong đó mà không phải bắt buộc.

Bên cạnh ngoại ngữ, còn rất nhiều hệ code khác kích thích sự phát triển tư duy của trẻ như màu sắc, tức là cho trẻ tiếp cận với hội họa, không gian hay hệ code về âm nhạc giúp trẻ tiếp cận với âm thanh, nhịp điệu. Vậy thì, để con phát triển trí tuệ, không nhất thiết cứ phải chọn, hay ép cho con học ngoại ngữ trước tiên, và đòi hỏi con phải giỏi ngay.

Tôi nghĩ giai đoạn thích hợp nhất để trẻ học ngoại ngữ là giai đoạn từ 5 tuổi trở lên. Giai đoạn 2 – 5 tuổi, cha mẹ nên tạo ra một môi trường giàu tiếng Việt để làm phong phú vốn từ, giúp con thành thạo tiếng mẹ đẻ. Từ đó con sẽ hình thành kỹ năng giao tiếp. Ở độ tuổi này quan trọng nhất là hình thành kỹ năng sống, kỹ năng cảm xúc xã hội.

Trẻ cần phải cảm thấy bản thân mình thích ở trong nhóm xã hội, thích tham gia các hoạt động chung, cảm thấy vui vẻ và an toàn khi tham gia các hoạt động giúp phát triển về mặt vận động và về mặt tương tác với mọi người, cho trẻ biết tuân thủ một số quy tắc, ví dụ như nhường đồ chơi, biết xếp hàng chờ đến lượt. Những điều này quan trọng hơn nhiều so với chỉ chăm chăm dạy trẻ ngoại ngữ và đặt yêu cầu quá cao về ngoại ngữ cho con".

Hãy hiểu đúng về từ “làm quen” để triển khai thực hiện Thông tư 50

Từ những phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng, cần hiểu đúng về khái niệm "làm quen" theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các phụ huynh có sự ủng hộ đúng mực cho việc triển khai chương trình.

“Các bậc phụ huynh thường nghĩ rằng, tiếng Anh là một ngôn ngữ phổ biến và vô cùng quan trọng. Nhưng dù vậy cũng không nhất thiết phải nhồi nhét ngoại ngữ cho con ngay từ khi còn nhỏ. Một đứa trẻ thành công đầu tiên là cần hạnh phúc mà không phải là thực hiện ước mơ của bố mẹ. Bố mẹ không nói được tiếng Anh, giờ lại bắt con nói sõi tiếng Anh ngay từ mẫu giáo là không được.

Chỉ có những trẻ vô cùng xuất sắc và có một đam mê, có năng khiếu tự nhiên về ngoại ngữ thì chúng ta tạo điều kiện cho con phát triển khả năng của mình. Nhưng chắc chắn phải tuân thủ theo nguyên tắc, thành thạo tiếng mẹ đẻ trước khi bắt đầu học một ngôn ngữ thứ hai.

Tôi nghĩ rằng, cần có một nghiên cứu diện rộng về tính hiệu quả của chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cũng nên hiểu đúng về từ “làm quen”.

Với mức độ làm quen, các con chỉ nên dừng lại ở mức tiếp xúc với ngôn ngữ mới thông qua các trò chơi, chỉ cần nhớ một vài từ gọi tên sự vật. Giai đoạn mầm non, các con chỉ bắt đầu tiếp xúc với các khái niệm tiếng Anh, làm quen với đồ vật. Phụ huynh không nên đặt mục tiêu quá cao cho con, rằng con có thể giao tiếp với người khác bằng ngoại ngữ. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đặt ra yêu cầu phải có thêm giờ học tiếng Anh trên lớp, mời giáo viên nước ngoài về dạy cho các con... phải có hiệu quả ngay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng cần hiểu đúng về khái niệm "làm quen" trong việc triển khai dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo. Ảnh: VNU

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng cần hiểu đúng về khái niệm "làm quen" trong việc triển khai dạy tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo. Ảnh: VNU

Không phải trẻ nào cũng có mức độ ngôn ngữ như nhau, tùy thuộc vào khả năng cũng như niềm yêu thích của mỗi trẻ mà phải linh hoạt trong việc cho trẻ làm quen, không thể áp dụng một chương trình, một phương pháp học tiếng Anh cho tất cả các con.

Với giai đoạn mầm non, chúng ta nên xem học tiếng Anh là một cuộc dạo chơi. Đây là độ tuổi chúng ta chỉ có thể nhìn thấy, đánh giá tố chất của một đứa trẻ. Bé rất thích ngôn ngữ thì chúng ta tạo ra một môi trường giàu ngôn ngữ mà không ép, không đặt ra kỳ vọng, không đưa vào một chương trình cụ thể nào cả.

Vì vậy, cần hiểu đúng về từ “làm quen” trong Thông tư số 50 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi triển khai, tổ chức thực hiện để có hiệu quả cao hơn, phù hợp với điều kiện của từng vùng".

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu học tiếng Anh ngày một trở nên phổ biến, trang bị tiếng Anh cho trẻ là thiết yếu nhưng cũng cần phải có những đánh giá, giám sát chặt chẽ khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, để chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự nghiên cứu kỹ càng về nội dung, áp dụng những phương pháp phù hợp với tâm lý của trẻ. Chỉ có như vậy, chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo mới đạt được kết quả như kỳ vọng.

Hoài Linh