Phải chấp nhận cho học sinh yếu lưu ban, mới mong có giáo dục thực chất

17/07/2021 06:36
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục cần có sự thanh kiểm tra, tiếp nhận phản ánh của giáo viên ở các địa phương thông qua đường dây nóng và sẽ xử lý mạnh tay làm gương cho các trường.

Nhiều năm trở lại đây, cứ vào mỗi mùa thi câu chuyện điểm thi quá thấp vẫn đỗ lớp 10 công lập luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Không chỉ riêng những tỉnh thành miền núi, những trường học ở xa trung tâm mà ngay thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh kỳ thi vào lớp 10 (năm 2019) cũng có gần 50% điểm thi dưới trung bình và hàng trăm điểm 0 môn Toán.

Giải pháp nào để nâng chất lượng thi vào 10? (Ảnh Lã Tiến)

Giải pháp nào để nâng chất lượng thi vào 10? (Ảnh Lã Tiến)

Tỉnh Khánh Hòa cũng có tới gần 700 học sinh bị điểm 0 môn Toán. Một số trường công lập ở huyện ngoại thành Hà Nội, mỗi môn thi vào 10 học sinh chỉ cần 2,75 là đỗ...

Dư luận băn khoăn nhiều về chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Nhưng lý giải nguyên nhân điểm thi vào lớp 10 thấp lại có nhiều ý kiến trái chiều.

Các nhà quản lý đánh giá như thế nào?

Hơn 50% điểm dưới trung bình và gần 700 điểm 0 môn Toán ở Khánh Hòa, lãnh đạo một trường trung học phổ thông nơi này trả lời phỏng vấn Báo điện tử Gia đình và Xã hội cho biết:

“Ở các vùng này chỉ có vài trường cấp ba công lập, học sinh mặc định được xét vào nên những năm trung học cơ sở các em học xao nhãng. Giáo viên thì nhẹ tay, thường nâng điểm với tâm lý cho học sinh lên lớp.

Đến lúc ngành giáo dục tổ chức thi tuyển đầu vào cấp 3, cũng là thời gian năm cuối trung học cơ sở, các em vốn mất kiến thức căn bản, khi học lại thì không kịp khiến bài làm trong kỳ thi điểm thấp.

Điều này một phần lỗi thuộc về các giáo viên đứng lớp", thầy giáo này nói. [1]

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh trả lời phóng viên Báo Tuổi trẻ về việc điểm thi của học sinh quá thấp là:

Nhiều giáo viên vẫn chưa chịu đổi mới, vẫn dạy theo cách cũ, rập khuôn và máy móc nên khi học sinh gặp bài toán thực tế thì lúng túng, không làm được. [2]

Còn giáo viên – người trực tiếp giảng dạy nói gì?

Trước thực trạng điểm thi vào 10 của học sinh thấp như thế, nhiều giáo viên cho rằng đây chính là nguyên nhân của việc học sinh ngồi nhầm lớp.

Tại thành phố Sóc Trăng, vào đầu năm học 2016 - 2017, qua phản ánh của một số giáo viên, phụ huynh có con em học tại các trường tiểu học, đã có phóng viên khảo sát và phát hiện khá nhiều học sinh từ lớp 2 đến lớp 6 ở các trường chuẩn quốc gia nhưng chưa biết đọc, viết chưa rành, làm các phép tính đơn giản không thành thạo. Vậy mà các em vẫn được lên lớp, có em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. [3]

Học sinh S đã lên lớp 6 (Trường Trung học cơ sở Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) nhưng khả năng đọc viết còn rất chậm. Theo giáo viên giải thích vì tình thương, sợ em bỏ học nên “tạo điều kiện” để cho học sinh này lên lớp. [4]

Thầy giáo H. giáo viên một trường trung học cơ sở tại Kiên Giang (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Học sinh lớp 9 mà có em 4 phép tính cơ bản còn làm sai thì học thế nào? Học trò yếu, thầy cô lại không được phép cho điểm yếu, không có quyền nhắc nhở, không có biện pháp răn đe nên chúng muốn học sao thì học, không học yếu mới lạ”.

Thầy giáo D. giáo viên trường trung học cơ sở ở Bình Thuận cũng nói: “Đầu năm học, nhà trường ký cam kết chỉ tiêu với phòng giáo dục, tổ trưởng ký cam kết với trường, giáo viên ký cam kết với tổ về chỉ tiêu chất lượng môn học nên cuối năm dù học sinh học yếu cũng không thể cho lưu ban (trừ trường hợp thật đặc biệt).

Năm nào cũng lên một lớp nên có em ngồi học lớp 9 nhưng thực chất trình độ của những học sinh này chỉ ở bậc tiểu học hoặc hơn thế một chút.

Nhiều thầy cô đi chấm thi về cho biết, hạn chế cho học sinh điểm 0, cố gắng tìm xem các em đúng được một cái gì đó để cho khoảng 0.5 điểm nhưng đành chịu. Bài làm chỉ đạt điểm 0, nghĩa là không biết gì để làm, giáo viên không có gì để chấm.

Trong khi, chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản của lớp học sẽ làm được một số bài đơn giản nhất. Có thể khẳng định chắc chắn, điểm học sinh thấp như thế, nguyên nhân cơ bản nhất là học sinh mất quyền ở lại lớp vì căn bệnh chỉ tiêu và thành tích.

Giáo viên mất quyền cho học sinh yếu lưu ban, khi nhà trường thì luôn dùng mọi biện pháp lùa học sinh lên lớp để cho đạt chỉ tiêu.

Có khá nhiều cách giúp học sinh hoàn thành chương trình giáo dục một cách đúng quy định, và học sinh được lên lớp hợp pháp, đúng quy trình.

Thế nhưng chưa bao giờ, chưa khi nào, chúng tôi nghe được một lời phát biểu của một nhà quản lý nào đó về nguyên nhân căn bản này.

Họ chỉ luôn đổ lỗi cho giáo viên chưa đổi mới phương pháp dạy học, chưa chăm lo việc học cho các em và đổ lỗi cho học sinh sao nhãng, ham chơi…

Họ đâu chịu hiểu rằng, trong thực tế giáo viên đã khá vất vả khi dạy học sinh ngồi nhầm lớp. Đã có nhiều biện pháp dạy học phân hóa được áp dụng như việc tập trung dạy Toán, tiếng Việt cho học sinh.

Dạy kèm vào nhiều giờ rảnh trong tuần, giảng bài thật kĩ, giảng đi giảng lại thật nhiều lần. Nhưng nhiều em vốn mất căn bản nên cũng chẳng tiến bộ nhiều.

Nhiều nhà quản lý chắc chắn cũng hiểu rõ nguyên nhân, thế nhưng họ cứ lờ đi và dồn mọi tội lỗi lên đầu những thầy cô giáo. Cũng vì sự đổ lỗi này mà tình trạng học sinh thi điểm thấp bao năm qua không được khắc phục triệt để.

Bởi, không bắt đúng bệnh, sao có thể chữa khỏi bệnh? Căn bệnh được gọi là trầm kha nhất của giáo dục hiện nay là bệnh áp đặt chỉ tiêu thành tích cao ngất ngưởng, phi thực tế.

Vì áp lực chỉ tiêu thành tích quá cao, nên nhiều trường học áp dụng chiêu thức lùa học sinh lên lớp mà bất chấp các em học yếu kém cỡ nào. Thế nên, hàng trăm điểm 0, khá hơn chút là điểm 1, 2, 3, 4 chủ yếu là sản phẩm của những em ngồi nhầm lớp.

Vậy cách nào để chữa bệnh học sinh ngồi nhầm lớp?

Không còn cách nào khác ngoài việc học yếu kém phải được ở lại lớp. Nhà trường tuyệt đối không thể đưa chỉ tiêu cao ngất ngưỡng để cột vào giáo viên.

Không thể lấy các danh hiệu để khống chế thầy cô, buộc họ phải tìm cách lách, hợp thức hóa kết quả học tập bết bát của học sinh.

Không đưa chỉ tiêu lên lớp thẳng vào xét khen thưởng và xem đó là thành tích của giáo viên, của nhà trường. Tổ chức những buổi học miễn phí cho học sinh chậm tiến của lớp, của trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Công văn 3415/BGDĐT-GDTrH ngày 04/9/2020 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2020-2021.

Thực hiện bàn giao kết quả giáo dục cuối năm học một cách nghiêm túc, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Thực hiện khen thưởng học sinh thực chất, đúng quy định, tránh tùy tiện, máy móc, khen tràn lan gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Tuy thế, mới chỉ đưa công văn thôi thì chưa đủ, Bộ Giáo dục cần có sự thanh kiểm tra, tiếp nhận phản ánh của giáo viên ở các địa phương thông qua đường dây nóng. Từ đó, Bộ Giáo dục sẽ xử lý mạnh tay làm gương cho nhiều địa phương khác.

Làm thế, chắc chắn chất lượng học tập sẽ được nâng lên một cách thực chất và tình trạng kết quả thi bết bát như thế cũng sẽ được cải thiện triệt để.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giadinh.net.vn/giao-duc/vi-sao-diem-vao-lop-10-nhieu-truong-o-khanh-hoa-thap-2019063016084674.htm

[2]https://tuoitre.vn/khi-126-hoc-sinh-tp-hcm-diem-0-mon-toan-day-hoc-chua-theo-kip-thi-cu-20190704090517506.htm

[3]https://vnexpress.net/chua-du-3-diem-moi-mon-van-do-lop-10-truong-cong-ha-noi-3773417.html

[4]https://baotintuc.vn/giao-duc/soc-trang-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-dieu-chuyen-giao-vien-kho-hieu-20160921081411795.htm

Phan Tuyết