Phải phát triển đa dạng hệ thống trường lớp, thay vì chỉ tập trung GD công

28/07/2023 08:45
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐB Đinh Công Sỹ, ưu tiên giao đất, miễn giảm thuế là cơ sở để trường tư thục giảm học phí, phụ huynh sẽ dễ dàng tiếp cận hơn.

Tình trạng quá tải ở các trường công lập vẫn đang là một thách thức của các thành phố lớn, đô thị đông dân với tỉ lệ người dân nhập cư cao.

Phải phát triển đa dạng hệ thống trường lớp

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thẳng thắn chia sẻ: “Việc các đô thị lớn như Hà Nội thiếu trường công lập so với nhu cầu của phụ huynh và học sinh đã được đề cập đến từ nhiều năm nay.

Không chỉ ở bậc trung học phổ thông, mà bất cập thiếu chỗ học còn xuất hiện ở hầu hết tất cả các bậc học, kể cả mầm non, tiểu học hay trung học cơ sở. Mỗi năm “bài toán” này lại “nóng” lên một lần, đặc biệt vào mùa tuyển sinh, cho thấy, hệ thống trường công lập hiện nay còn quá ít so với nhu cầu thực tế và số lượng học sinh. Bởi thế, nên năm này qua năm khác, đặc biệt ở Hà Nội mới tái diễn cảnh phụ huynh trắng đêm nộp hồ sơ cho con hay chen nhau giành suất học.

Điều này cho thấy, hệ thống trường công hiện đang quá ít so với nhu cầu. Vậy, tại sao phụ huynh học sinh lại có nhu cầu vào trường công nhiều đến thế? Một phần lý do là bởi, giữa các trường công lập và ngoài công lập có điểm khác nhau đáng kể.

Khác nhau thứ nhất ở mức thu học phí: Học sinh ở trường ngoài công lập mức thu học phí cao hơn, thậm chí có trường cao hơn gấp nhiều lần so với trường ngoài công lập. Với mức thu như vậy, gia đình nào có từ hai con đi học là một “gánh nặng” rất lớn, trong khi, không phải ai ở đô thị lớn cũng là tầng lớp có thu nhập cao, thậm chí gia đình có thu nhập cao, cũng phải tính toán chi phí.

Điểm khác nhau thứ hai, nhiều trường ngoài công lập có chất lượng giáo dục đào tạo không bằng trường công lập, mặc dù, có thể vẫn là đội ngũ giáo viên từ trường công lập chuyển sang.

Chính hai lý do này khiến phụ huynh không “mặn mà” lắm với các trường ngoài công lập”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng chỉ ra: “Với nguồn lực của hiện nay, nếu muốn phát triển hệ thống giáo dục công lập, không thể dồn hoàn toàn trách nhiệm cho ngành giáo dục. Chẳng hạn, muốn xây trường, chắc chắn phải có đất, phải có kinh phí... nếu không dành nguồn lực xứng đáng thì không thể mở rộng hệ thống trường lớp.

Bên cạnh đó, có trường thì phải có giáo viên. Đây cũng là một “bài toán” khá nan giải, khi tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang tiếp diễn, tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc vẫn đang ở mức đáng báo động. Theo thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ, số lượng công chức, viên chức nghỉ việc từ năm 2020 đến tháng 6/2023, số lượng chiếm nhiều nhất là ở ngành giáo dục. Đây là một vấn đề rất đáng suy nghĩ, trong khi hệ thống các trường sư phạm chưa thực sự thu hút được người học. Trong khi đó, ngành giáo dục vẫn đang phải tinh giản biên chế hằng năm theo chỉ tiêu...

Như vậy, kể cả bây giờ, chúng ta có phát triển thêm nhiều hệ thống trường công lập, nguồn lực của chúng ta cũng rất khó đáp ứng”.

“Tôi cho rằng, giải pháp ngay trước mắt để phát triển hệ thống trường công lập là không hề dễ dàng và không thể thực hiện ngày một ngày hai.

Chính vì vậy, chúng ta phải phát triển đa dạng hệ thống trường lớp, thay vì chỉ tập trung cho hệ thống giáo dục công lập.

Trên thực tế, hệ thống trường ngoài công lập đã và đang san sẻ “gánh nặng” rất lớn cho hệ thống trường công lập. Số lượng học sinh theo học ở các trường ngoài công lập là rất nhiều, cứ nhìn vào con số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vừa qua tại Hà Nội và số lượng chỗ học cho học sinh vào lớp 10 công lập là thấy.

Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta chưa có những ưu đãi thực sự hấp dẫn cho việc đầu tư vào hệ thống trường ngoài công lập. Nếu muốn phát triển hệ thống trường ngoài công lập đảm bảo chất lượng tương xứng, để phụ huynh học sinh không phải băn khoăn khi chọn trường công hay tư, phải có sự quan tâm mạnh mẽ hơn.

Bởi vì hiện nay, tất cả mọi chi phí của hệ thống trường ngoài công lập đều tính vào học phí của học sinh là chủ yếu, nên học phí tại các trường ngoài công lập mới cao hơn nhiều so với trường công lập.

Chúng ta cần có những hỗ trợ cần thiết và xứng đáng cho các trường thuộc hệ thống ngoài công lập để có sự phát triển hài hòa và đáp ứng được nhu cầu của người học, đặc biệt, cải thiện chất lượng phải đặt lên hàng đầu” - nữ đại biểu phân tích.

Giao đất, miễn giảm thuế là cơ sở để trường tư giảm học phí

Một trong những giải pháp căn cơ được đề cập đến nhiều nhất chính là thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình giáo dục, phát triển giáo dục tư thục, nhằm góp phần giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá: “Quả thực, hiện nay, các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, chưa thu hút được các nhà đầu tư quan tâm. Trong khi đó, nhiều địa phương cũng chưa thực sự quan tâm thích đáng đối với vấn đề này.

Có thể nói, ở nước ta hiện nay, quy hoạch đất cho giáo dục còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, nên rất khó để bố trí quỹ đất kể cả đối với trường công lập. Chính vì vậy, chính sách xã hội hóa giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC.

Từ những phân tích trên, Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ cho rằng: “Giải pháp lớn nhất hiện nay là hoàn thiện chính sách pháp luật, để các nhà đầu tư thấy hấp dẫn hơn, tăng cường đầu tư, xây dựng trường tư thục, để giảm tải cho khối công lập.

Trong đó, vấn đề lớn nhất là ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư và tính đến ưu đãi, miễn,giảm các loại thuế. Đặc biệt, trong những thời điểm, giai đoạn khó khăn, chẳng hạn như dịch bệnh, Nhà nước cũng cần có sự ưu tiên hơn, có thể giãn thời gian nộp thuế để giảm áp lực cho các trường tư thục.

Trong mấy năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp áp lực khi tính đến giảm học phí cho học sinh để san sẻ với phụ huynh và người học, mà vẫn phải duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng, trả lương, nộp bảo hiểm cho giáo viên, thuế... Như vậy, rất cần chính sách ưu đãi trong những thời điểm tương tự.

Đó là những cơ sở để trường tư thục tính toán, cân đối giảm học phí cùng các khoản thu khác, phụ huynh sẽ tiếp cận được nhiều hơn, sẽ góp phần giảm “gánh nặng” đối với trường công lập”.

Vị đại biểu nhấn mạnh: “Giải pháp quan trọng là ưu tiên dành quỹ đất cho các nhà đầu tư, bảo đảm sự công bằng giữa khối công và khối tư. Đây là tiền đề quan trọng để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, góp phần giảm tải cho hệ thống công lập.

Cùng với đó, là việc thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính: Thủ tục cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng...cần được giảm thiểu, minh bạch, thời gian cần nhanh chóng hơn. Thực tế, có nhiều đơn vị phản ánh, đã triển khai dự án nhưng thủ tục quá rườm rà, mất nhiều thời gian nên rất chậm đi vào hoạt động, gây tâm lý e dè cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, về chất lượng, ngành giáo dục và đào tạo phải tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường tư thục. Ngược lại, bản thân các trường tư thục cũng phải nâng cao “thương hiệu” của mình về chất lượng giáo dục, khẳng định niềm tin với phụ huynh và học sinh để có nhiều người học đăng ký hơn vào các mùa tuyển sinh sau”.

Xây dựng các trường tư thục cần có nhiều mức độ chi phí học tập

Ngoài ra, Đại biểu Đinh Công Sỹ cũng cho rằng, cần phải tăng cường các hoạt động truyền thông về công tác phân luồng sau trung học cơ sở đến phụ huynh, học sinh để có đầy đủ thông tin cần thiết cho việc quyết định lựa chọn có thể để con em theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mỗi em cũng là phương án giảm tải cho các trường trung học phổ thông.

“Không phải theo học các trường trung học phổ thông công lập mới là con đường duy nhất để thành công, minh chứng là vẫn có nhiều học sinh lựa chọn học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường tư thục, nhưng sau đó vẫn học rất tốt và vẫn có cơ hội và điều kiện để tiếp tục học lên các cấp học cao hơn. Đó cũng là một trong những cách san sẻ áp lực với trường công.

Tuy nhiên, việc xây dựng các trường tư thục cần có nhiều mức độ chi phí học tập để phù hợp với đa số khả năng tài chính của phụ huynh” - vị đại biểu lý giải.

Theo Đại biểu Đinh Công Sỹ, việc xây dựng các trường tư thục cũng cần có nhiều mức độ chi phí học tập để phù hợp với đa số khả năng tài chính của phụ huynh. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Theo Đại biểu Đinh Công Sỹ, việc xây dựng các trường tư thục cũng cần có nhiều mức độ chi phí học tập để phù hợp với đa số khả năng tài chính của phụ huynh. Ảnh minh họa: Ngân Chi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: “Đây không phải vấn đề mới, áp lực học sinh mong muốn được theo học ở khối công lập là mong muốn chính đáng và đang dần trở thành bài toán nan giải ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đòi hỏi các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương phải có các giải pháp đồng bộ, có tính dài hạn hơn mới mong muốn giải quyết dứt điểm thực trạng quá tải học sinh hiện nay”.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thời gian qua, có một số dự án có tình trạng chủ đầu tư chậm trễ trong thi công các hạng mục liên quan đến giáo dục.

“Các chủ đầu tư dành đất cho giáo dục nhưng chưa triển khai, điều này cũng rất khó để kiểm soát và xử lý, bởi vì, họ có quyền đầu tư hạng mục nào trước hạng mục nào sau. Chủ đầu tư thường có tâm lý ưu tiên những hạng mục có tính thương mại cao vì lợi nhuận lớn, thu hồi vốn nhanh.

Vậy, mấu chốt là phải làm sao, hỗ trợ và khuyến khích phát triển để chủ đầu tư thấy được hạng mục này đủ sức hấp dẫn đối với họ. Để giải được “bài toán” này, phải rà soát rất kỹ lưỡng, sau đó đối chiếu thực tế xem vướng mắc ở đâu để điều chỉnh.

Tất nhiên, nếu qua rà soát, thanh tra, kiểm tra, phát hiện ra đất quy hoạch dành cho giáo dục mà không sử dụng đúng mục đích, thì phải xử phạt một cách nghiêm minh” - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Ngân Chi