Ông Phan Văn Anh Vũ (biệt danh Vũ “nhôm”) được biết đến là "ông trùm" bất động sản ở Đà Nẵng.
Hiện Bộ Công an đang điều tra, làm rõ những vi phạm của ông Vũ trong việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
Cơ quan này cũng vừa ra quyết định truy nã đối với ông Vũ về hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".
Vậy, ai giúp sức, "chống lưng" cho ông Phan Văn Anh Vũ trước những vi phạm nói trên?
Bộ Công an khám xét nhà Vũ nhôm tại số 82 Trần Quốc Toản (Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: An Nguyên /giaoduc.net.vn |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 25/11, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I (Ủy ban kiểm tra Trung ương) cho rằng cần làm sáng tỏ người "chống lưng" cho ông Vũ trong việc thao túng nhiều bất động sản tại những vị trí đắc địa ở thành phố Đà Nẵng, thu lợi lớn.
“Nhiều năm liền, những vi phạm của ông Vũ "nhôm" vẫn tồn tại cho đến nay, thì nó phải cần một thế lực rất mạnh “chống lưng”.
Người ta hay gọi là nhóm lợi ích, tác động vào việc điều hành và quản lý nhà nước.
Đó là những dấu hiệu cho thấy sự cấu kết giữa doanh nghiệp và một số cán bộ lãnh đạo để làm lợi không trong sáng.
Và nếu không có "chống lưng" thì làm sao trong một thời gian ngắn ông Vũ có thể thâu tóm được nhiều dự án bất động sản có dấu hiệu mập mờ như vậy?”, ông Sửu đặt nghi vấn.
"Doanh nghiệp và người có quyền lực kết hợp với nhau, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận các dự án của nhà nước đồng thời có thể tác động đến quá trình ban hành chính sách, quyết định. Những quyết định dựa trên mối quan hệ thân hữu, không có sự cạnh tranh, không công khai, minh bạch trong làm ăn kinh tế đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn không chân chính có đất sống, thao túng nên kinh tế, thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ thì chịu nhiều thiệt thòi", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phát biểu trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 9/1/2017... |
Ông Sửu đồng tình quan điểm cho rằng, những vi phạm của ông Vũ “nhôm” có liên quan và trách nhiệm của lãnh đạo Đà Nẵng thời kỳ trước cũng như đương nhiệm.
“Không thể nói chính quyền không biết những việc ông Vũ “nhôm” đã làm.
Có thể họ đã "lờ" đi những vi phạm của ông Vũ vì bị chi phối bởi lợi ích kinh tế.
Tôi nghĩ trong những vi phạm về kinh tế của ông Vũ có khi còn liên quan tới cả lãnh đạo cấp cao chứ chả phải riêng Đà Nẵng đâu”, ông Sửu nhận định.
Từ những phân tích trên, ông Sửu đưa ra cảnh báo hiện tượng nhóm lợi ích (sự cấu kết của một số cán bộ có chức quyền và doanh nghiệp) thao túng nền kinh tế.
“Nếu doanh nghiệp có tham vọng về kinh tế, thì họ sẽ tìm cách thao túng, lôi kéo, thậm chí chỉ huy một số cán bộ có quyền, tham gia vào những thương vụ làm ăn mập mờ.
Họ dùng cách biếu xén, quà cáp, làm một số cán bộ bị cám dỗ về mặt vật chất, để rồi “há miệng mắc quai".
Còn nếu là lãnh đạo liêm chính, thì người ta sẽ không nhận quà biếu của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm những chuyện mập mờ như thế”, ông Sửu nêu quan điểm.
Ông Ngô Văn Sửu cũng cho rằng, bắt được ông Vũ "nhôm" là mắt xích rất quan trọng trong việc tìm ra người “chống lưng” cho những vi phạm của đối tượng đang bị truy nã.
"Ông Vũ khó có thể thoát nếu không có sự “giúp sức” của người khác.
Hay nói cách khác, nếu không có tin báo thì làm sao ông ta có thể bỏ trốn nhanh như vậy được? Việc này cần phải làm rõ", ông Sửu đặt nghi vấn.
Từ những phân tích trên, ông Sửu đánh giá: “Vụ việc liên quan tới ông Phan Văn Anh Vũ là vụ án lớn, có yếu tố kinh tế xen lẫn chính trị, xã hội”.