Theo Luật tiếp công dân, chủ tịch tỉnh một tháng phải dành ít nhất một ngày tiếp dân. Nhưng trên thực tế, theo báo cáo của Ban Dân nguyện (trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chỉ có 3 tỉnh chủ tịch tỉnh tiếp dân theo đúng quy định.
Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Phan Xuân Xiểm cho rằng: “Nếu chủ tịch tỉnh không chịu tiếp dân thì phải xem xét trách nhiệm Đảng viên của những đồng chí đó.
Xem họ đã thực hiện như thế nào về những quy định của pháp luật. Những chủ tịch tỉnh nào không thực hiện thì phải giải trình tại sao không thực hiện nhiệm vụ ấy”.
Ông Phan Xuân Xiểm nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Trinh Phúc). |
Ông Phan Xuân Xiểm còn cho rằng: “Quy định của Đảng là đảng viên phải chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước, các quy định của tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.
Nếu không thực hiện thì phải xem xét trách nhiệm đến nơi đến chốn. Không tiếp dân sẽ để hậu quả dân khiếu kiện không được giải quyết hay chuyện nọ chuyện kia không nắm được tình hình. Nếu như vậy thì làm sao chủ tịch tỉnh xử lý giải quyết được”.
Không chịu tiếp dân thì có còn xứng đáng là Chủ tịch tỉnh nữa không? |
Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Các Chủ tịch tỉnh phải báo cáo tổ chức Đảng nêu lý do tại sao không tiếp dân theo đúng quy định.
Quy định của Đảng rất chặt chẽ, đảng viên không hoàn thành công việc được giao phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Nếu để lại hậu quả nữa thì càng phải xử lý nghiêm”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Chủ tịch tỉnh do nhân dân bầu ra thông qua Hội đồng nhân dân, là người trực tiếp giải quyết mọi nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Nếu như các nước khác, chủ tịch tỉnh phải do nhân dân bầu ra. Cơ chế chính trị mình do hội đồng nhân dân mà Hội đồng nhân dân thay mặt nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương bầu ra.
Chủ tịch tỉnh là cơ quan hành pháp ở tại địa phương vì vậy chủ tịch tỉnh phải tiếp dân, phải đối thoại với người dân để xem chính sách của mình có đúng không. Tâm tư nguyện vọng của người dân thế nào”.
Ông Lê Như Tiến còn cho biết: “Trong thời gian vừa qua tôi thấy nhiều chủ tịch tỉnh đã ủy quyền cho thanh tra tỉnh hoặc chánh văn phòng tỉnh tiếp dân.
Làm như vậy là chủ tịch tỉnh đã tự khước từ vai trò mà người dân đã bầu ra và ủy quyền cho họ” và ông Tiến đặt câu hỏi nhấn mạnh: “Việc khước từ vai trò đó thì những vị này còn xứng đáng với chủ tịch tỉnh nữa hay không?”.
Tiếp dân là trách nhiệm, là cái tâm của lãnh đạo, không tiếp cũng đâu có được |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: “Chủ tịch tỉnh phải tiếp dân theo đúng quy định của pháp luật.
Đó là quy định về giải quyết những kiến nghị của nhân dân, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Điều này thể hiện trong hai luật là Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo và các quy định khác của pháp luật về việc phải tiếp dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và các quy định của Đảng.
Người đứng đầu chính quyền địa phương phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Không tiếp dân là không lắng nghe ý kiến của nhân dân, khước từ vai trò do dân bầu ra, do dân ủy quyền”.
Do đó, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Nếu tỉnh nào, địa phương nào chủ tịch tỉnh, chủ tịch thành phố không tiếp dân thì tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội phải có chế tài.
Đã có quy định hàng tháng phải tiếp dân ít nhất một ngày nhưng không thực hiện điều đó mà trong suốt nhiệm kỳ có chủ tịch tỉnh ủy quyền cho thanh tra của tỉnh, cho chánh văn phòng của tỉnh đi tiếp dân hoặc cho Giám đốc các sở … thì đó là sự né tránh của những người đứng đầu cấp tỉnh.
Nếu như lãnh đạo cấp tỉnh, đặc biệt Chủ tịch tỉnh không tiếp dân thì còn xứng đáng là Chủ tịch tỉnh nữa hay không? Đó là cái mà người dân và cử tri rất quan tâm”.