Chồng hoang tưởng giết vợ con rồi tuyệt thực đến chết

18/02/2012 10:38
Phúc Thu/Đời Sống&Pháp luật
Sau khi giết vợ và hai con trai, người chồng đã tuyệt thực và chết đúng 100 ngày của vợ và hai con.
Nửa đêm thức giấc, thấy rắn vào nhà, anh con trai thương bố mắt mờ chân chậm đã xung phong cầm gậy đánh chết rắn. Tưởng rắn chết rồi, giấc ngủ cả nhà sẽ được bình yên. Không ngờ, anh ta lại tiếp tục giết chết chính vợ và hai cậu con trai kháu khỉnh của mình vì hoang tưởng họ cũng giống rắn, muốn đến phá hoại hạnh phúc gia đình! Thảm kịch chưa dừng lại ở đó khi chính anh chồng tuyệt thực và chết đúng 100 ngày của vợ và hai con.

Ký ức đêm kinh hoàng

Vừa đặt chân vào địa phận xã Hòa Sơn - Ứng Hòa – Hà Nội, chúng tôi đã nghe người dân nơi đây thở dài cảm thương cho một gia đình vừa bị xóa hộ khấu. Đó chính là gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1978) và chị Đặng Thị Ngát (SN 1983) cùng hai con trai là Nguyễn Mạnh Dũng (SN 2007) và Nguyễn Phú Minh (SN 2009). Như đã đưa tin, ngày 21/9/2011, do tiền sử bệnh tâm thần, anh Mạnh đã lầm tưởng có người vào sát hại gia đình mình nên dùng khăn ướt bịt miệng, mũi vợ con cho đến chết. Sau khi giết chết vợ và hai con trai, Mạnh được đưa đến bệnh viện tâm thần để điều trị. Một ngày cuối tháng 12/2011, trong khi làm lễ 100 ngày cho chị Ngát cùng hai con trai ở nhà thì gia đình ông Kim lại nghe hung tin: Anh Mạnh đã qua đời do tuyệt thực. Vậy là chỉ trong 3 tháng, nghĩa địa thôn Miêng Hạ đã xuất hiện bốn ngôi mộ nằm cạnh nhau. Đau xót hơn, bốn ngôi mộ ấy là trọn vẹn là một gia đình.

Sự kiện chồng tâm thần giết chết vợ và hai con rồi tuyệt thực đến chết trở thành câu chuyện tang thương hiếm thấy và là ký ức khó phai mờ với người dân ở chốn làng quê yên bình này. Không mấy khó khăn để chúng tôi tìm đến gia đình gặp tai họa chồng chất trong một thời gian rất ngắn vừa qua để thắp nén hương, cầu mong cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát.

Ngôi nhà nhỏ nằm khép mình ngay trước đình làng Miêng Hạ. Bước vào ngôi nhà, không khí lạnh lẽo tang thương bao trùm lên tất cả. Hai mái đầu bạc lò dò bước xuống thềm nhà đón tiếp chúng tôi. Dường như vừa có một cơn bão đi qua quét sạch sự ấm cúng, yên bình của ngôi nhà này.

Ông Kim đã dành một gian bên cạnh làm nơi đặt bàn thờ chung cho gia đình người con trai thứ 6. Trên ban thờ ấy, khói hương vẫn nghi ngút. Nỗi đau vì có một người con bệnh tật không kiểm soát được hành vi của mình đã nhẫn tâm giết chết vợ và hai con trai chưa qua thì ông bà lại thêm một lần chết lặng khi nghe tin cậu con trai bệnh tật vừa mới chuyển biến đã dằn vặt mà tuyệt thực cho đến chết.

Thêm một sự trùng hợp đau lòng là, khi cả gia đình ông Kim vừa làm lễ trăm ngày cho con dâu và hai cháu nội thì lại phải tất tưởi sắm sửa quan tài để an táng cho con trai. Tuy rằng, khi sống, bản thân anh Mạnh không phải là người có sức khỏe hoàn hảo, tinh nhanh như những người con khác trong gia đình, nhưng cái chết của anh cùng vợ và hai con nhỏ đã để lại một vết thương quá lớn trong lòng người còn sống.

Đối với những người sinh ra anh, đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời đáng lẽ ra, họ đã được sống thanh nhàn bên con cháu đủ đầy nếp tẻ. Nhưng thật trớ trêu khi họ phải chứng kiến cảnh éo le đến với gia đình, với chính đứa con ruột thịt. Hai thân già gắng gượng cùng nhau đi qua cơn bão cuộc đời, nhưng sức yếu lại vì cú sốc quá lớn đã khiến họ thêm héo hon.

Hình ảnh minh họa.
Hình ảnh minh họa.

Ông Kim hồi tưởng lại trong đau đớn: Một buổi tối mùa đông, ông vui mừng được đón gia đình người con trai về thăm nhà. Sau bữa cơm tối ấm cúng, mọi người cùng đi ngủ sớm. Giữa đêm, nghe tiếng chó sủa ầm ĩ, vợ chồng ông Kim thức dậy.

Trước mắt họ là hình ảnh hai con chó đang vây lấy con rắn cạp nong (rắn khoang đen, khoang trắng). Nghe tiếng động, anh Nguyễn Văn Mạnh thức dậy đi ra. Vì sợ người bố già mắt mờ chân chậm nên anh đã lấy gậy đánh chết con rắn rồi vứt xuống ao cạnh nhà. Sau đó, anh Mạnh và ông bà Kim vào nhà tiếp tục đi ngủ.

Do tuổi già, ông bà Kim thiếp đi lúc nào không hay. Khoảng 3h sáng, ông thấy tiếng động, trở dậy thấy con trai đang đêm đi ra khỏi nhà. Ông Kim sợ hãi, vào nhà gọi vợ của anh Mạnh là chị Đặng Thị Ngát đi tìm chồng. Gọi mãi không thấy con dâu thưa, ông vào buồng ngủ của hai vợ chồng thì thật kinh hoàng khi phát hiện ba mẹ con chị Ngát đã tắt thở.

Ông Kim đau đớn giãi bày, thời gian trước khi diễn ra vụ án mạng, anh Mạnh đã có triệu chứng bị tâm thần nặng. Anh đã được điều trị tại gia đình. Hôm đó, anh Mạnh về là theo sự xắp xếp của ông bởi anh chỉ chịu uống thuốc khi bố mang cho... Ai ngờ đêm đầu tiên về nhà, anh Mạnh đã phát bệnh nặng và gây ra hậu quả khủng khiếp như thế.

Ông Kim kể, sau khi nó giết chết vợ và con, nó sang nhà hàng xóm gọi anh Chuyên (làm xã đội ở xã Hoa Sơn) nói rằng: Nhờ anh sang nhà với bố mẹ tôi, tôi vừa giết vợ và con tôi”. Nói xong, Mạnh đi thẳng. Anh Chuyên cũng không tin được anh Mạnh đã làm điều đó, đã quát và đuổi Mạnh về nhà.

Khi nhìn thấy cảnh con dâu và hai cháu nội như vậy, ông bà Kim đã hô hoán, hàng xóm lúc đó chạy sang rất đông và sự việc được thông báo tới cơ quan pháp luật. Mạnh bị giam giữ để phục vụ điều tra. Ông Kim nhớ lại: “Khi vào phòng vợ chồng Mạnh, tôi quan sát được Mạnh đã dứt dây điện sau tủ lạnh, tôi đoán rằng sau khi giết vợ và hai con, Mạnh đã có dấu hiệu muốn thắt cổ tự vẫn”.

Nỗi ân hận của người cha già khốn khổ

Ông Kim gạt những giọt nước mắt hiếm hoi của tuổi 70 ngậm ngùi nhớ đến cậu con trai xấu số. “Gia đình tôi có phúc được 8 người con, đến tuổi xế chiều vợ chồng bảo nhau vậy là cũng yên lòng. Con cái không giàu những mỗi đứa đều có phận, đủ ăn đủ tiêu. Nào ngờ đâu cơ sự lại ra nông nỗi này”.

Nhìn mặt khắc khổ của ông Kim cùng vẻ nhân hậu của người vợ già, không ai dám nghĩ đến mối quan hệ nhân quả đối với cái chết thương tâm của gia đình cậu con trai thứ 6 của ông. “Không biết vì sao tai họa lại kéo đến gia đình tôi như thế. Ngẫm đi, ngẫm lại từ đời ông cha tôi ăn ở đâu đến nỗi nào. Các cụ tuy nghèo nhưng sống có tâm có đức. Chuyện xảy ra thật không thể tưởng tượng nổi”, ông Kim buồn rầu nói.

Tiếp lời ông Kim, bà Chuy (vợ ông) nức nở: “Không có ai như gia đình nhà tôi, con gái, con dâu, con trai đều rất hòa thuận, trên bảo dưới nghe và đều nghĩ đến bố mẹ. Tuổi cao sức yếu, và thấy các cháu có ý thức như vậy chúng tôi mừng thầm. Chuyện xảy ra quá bất ngờ, đau đớn quá…”.

Một gia đình đã bị xóa hộ khẩu chỉ trong vòng 3 tháng. Câu chuyện ấy rúng động đến khắp người dân trong thôn ngoài xã, ai nghe nói đến đều không khỏi chạnh lòng. Trong những câu chuyện đầu năm, người ta nói nhiều đến những kế hoạch, những dự định. Còn đối với ông bà Kim, Chuy, căn nhà đau khổ hình như không còn không gian cho tết đến, xuân về. Tuổi già lại thêm những nỗi đau oan nghiệt.

Kể từ khi thảm cảnh xảy ra đối với gia đình người con trai, ông bà Kim như thấy mình chết đi một nửa. Ông tâm sự: “Bệnh của cháu đã được biết trước, từ nhỏ Mạnh đã có biểu hiện trầm cảm, nó không thích nơi đông người, sống khép kín. Đặc biệt sau lần đi xuất khẩu lao động ở Malaysia về, bệnh tình của Mạnh thêm nặng. Nhưng vì gia đình thiếu quyết đoán trong việc chữa trị cho Mạnh nên mới dẫn đến hậu quả thảm khốc’. Rồi ông bà tự nhận mình có lỗi lớn trong chuyện này.

Chúng tôi rời làng Miêng Hạ khi cơn mưa phùn vẫn giăng mùng con ngõ nhỏ. Trước mắt chúng tôi, đường về như dài hơn bởi ái ngại trước mất mát quá lớn mà ông bà Kim phải gánh chịu lúc cuối đời. Trong thâm tâm, chúng tôi cầu mong hai ông bà sớm lấy lại được thăng bằng, sống an bình trong quãng đời còn lại.

Phúc Thu/Đời Sống&Pháp luật