Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Nỗi lòng của góa phụ 7 lần nghe tòa tuyên án con trai

18/09/2012 13:28
Tuệ Minh
(GDVN) - Cho đến ngày Học bị mất chiếc điện thoại và vụ án mạng xảy ra thì niềm hy vọng có phép nhiệm màu biến đứa con trai chơi bời lêu lổng thành một người đàn ông biết gánh vác việc gia đình trong bà Mai thực sự sụp đổ.
20 năm, 7 lần dự tòa xét xử con

Đến từ sớm để dự phiên tòa xét xử đứa con trai mình, bà Đặng Thị Mai (mẹ bị cáo Lê Quang Học) ngồi lặng hướng mắt buồn nhìn con trước vành móng ngựa. Với bà, hội trường xét xử của tòa án có lẽ đã không còn quá xa lạ và phiên tòa thứ 7 này có phần đặc biệt hơn các phiên tòa trước bởi lần này con trai bà phạm tội nghiêm trọng hơn: tội giết người.

37 tuổi, Lê Quang Học đã 7 lần hầu tòa
37 tuổi, Lê Quang Học đã 7 lần hầu tòa

Dù biết con mình ngỗ nghịch nhưng bà Đặng Thị Mai có ngờ đâu rằng đứa con trai duy nhất của mình lại là kẻ giết người. Chồng mất sớm, bà quyết định ở vậy tần tảo nuôi con khôn lớn. Những tưởng cuộc sống của bà sẽ bớt khốn khó khi Học khôn lớn. Nhưng những bù đắp về vật chất với đứa con mồ côi cha từ bé không đủ để Học trở thành một con người biết suy nghĩ chín chắn khi thiếu đi sự quan tâm dạy dỗ của một người vừa làm cha, vừa làm mẹ. 

Năm 17 tuổi (năm 1992 - PV), Học đã đi trộm cắp và bị phạt 6 tháng tù treo. Tưởng rằng bài học đầu đời sẽ làm cho Học khôn ngoan hơn, biết thương mẹ mình hơn, ai ngờ, kể từ lần hầu tòa ấy, Học liên tục gây ra hết vụ án nọ đến vụ án kia và phải ngồi tù liên tục cho đến năm 2005. Ra tù được một thời gian, Học cũng không tu chí làm ăn, giúp đỡ mẹ già mà suốt ngày chỉ lêu lổng chơi bời. Cho đến ngày Học bị mất chiếc điện thoại và vụ án mạng xảy ra thì niềm hy vọng vào phép nhiệm màu biến đứa con trai chơi bời lêu lổng thành một người đàn ông biết gánh vác việc gia đình trong bà Mai thực sự sụp đổ.

Mang súng colt đi tìm điện thoại
Ngày 18/9, TAND TP. Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án giết người cách đây gần 2 năm tại Đường Bưởi. Bị cáo là Lê Quang Học (SN 1975, ở Quan Hoa, Cầu Giấy, HN đã có 6 tiền án). Trước đó, vào khoảng 11h ngày 23/3/2011, Học mang xe máy SH mang BKS 30L6 – 5900 của một người bạn đi sửa hộ rồi đi về.
Đến khoảng 16h cùng ngày, Học đến lấy xe nhưng chưa xong nên Học sang cửa hàng cắt tóc cách đó không xa để cắt tóc giết thời gian. Do quán cắt tóc đông khách nên Học cũng phải chờ, Học đành đi sang quán nước ở phía bên kia đường của chị Phạm Thị Năng (SN 1978, ở Tứ Kỳ, Hải Dương) ngồi uống nước khoảng 5 phút rồi đi về. Khoảng 10 phút sau, Học nhờ một thanh niên (chưa xác định được nhân thân lý lịch) đi xe máy (không xác định được BKS) chở Học quay lại quán nước của chị Năng để hỏi chị Năng có nhặt được điện thoại của Học không. Lúc này tại quán nước có một số người khách ngồi uống nước. Chị Năng trả lời: “Có đứa con gái nhặt được điện thoại nhưng đã đi rồi”. Người thanh niên chở Học đuổi theo hướng chị Năng chỉ. Khoảng 3 phút sau, Học và người thanh niên quay ngược lại quán nước chửi chị Năng và khách ngồi tại quán. Học cầm chai nước ngọt đánh vào người chị Năng, cầm điếu cày ở quán nước vụt vào tay trái chị Năng. Chị Năng và mọi người ở quán nước bỏ chạy…

Tức mình vì bị mất điện thoại, Học quay lại quán cắt tóc nói với anh Trần Ngọc Ánh (chủ tiệm cắt tóc) rằng Học bị mất điện thoại tại đây. Anh Ánh nói anh không biết điện thoại nào cả. Học liền chửi anh Ánh và dùng tay trái rút trong người ra một khẩu súng colt tự chế gí sát vào thái dương bên phải anh Ánh và nói: “Con chó, bố mày giết mày đây” rồi Học bóp cò bắn làm anh Ánh bị thương ngã ra nền nhà. Ngay sau đó, Học bỏ trốn còn anh Ánh được đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết mà chỉ bị tổn thương 56% sức khỏe.

Tại phiên xét xử, Học đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đồng thời anh Ánh cũng có đơn xin giảm nhẹ án cho Học. Nhận định, hành vi của Học là hung hăng cần phải trừng trị nghiêm khắc nên sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt Lê Quang Học tù chung thân về tội giết người (cao hơn so với mức án đại diện phía VKSND TP. Hà Nội đề nghị).

Bà Mai lặng người khi nghe mức án của con mình. Dường như bà đã cạn nước mắt để khóc cho đứa con 37 tuổi nhưng có đến 20 năm trời dính vào vòng lao lý. Bà lặng lẽ đưa bàn tay đã nhăn run run dụi đôi mắt đã nhòe ướt và đứng dậy bước theo đứa con bị dẫn giải ra xe bịt bùng về trại tạm giam. Tiếp xúc với vị luật sư cao tuổi được chỉ định, trong bà vẫn lóe lên 1 tia hy vọng có thể có cơ hội gặp mặt Học hết án lúc cuối đời ở phiên tòa phúc thẩm tới đây.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tuệ Minh