Phát hiện loài bò sát mới ở Việt Nam

13/12/2011 11:15
Theo BBC
Thạch sùng ngũ sắc và thằn lằn toàn giống cái là hai chủng loại động vật mới được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phát hiện tại Việt Nam.
Các nhà khoa học của WWF vừa ra báo cáo nêu chi tiết những phát hiện mới trong năm 2010, cho biết trung bình cứ mỗi hai ngày họ lại tìm ra một chủng loại mới tại lưu vực sông Mekong.

Trong báo cáo được công bố vào hôm thứ Hai 12/12, WWF cho biết họ đã phát hiện những giống loài kỳ lạ chẳng hạn như thằn lằn tự nhân bản.

Tuy nhiên WWF cảnh báo rằng một số loài có thể biến mất trước khi chúng được khoa học ghi nhận trước những sức ép do con người tạo ra ở khu vực Đông Nam Á, mà bản báo cáo mô tả ‘một trong những giới tuyến cuối cùng’ cho các phát hiện sinh vật mới.
Lưu vực sông Mekong được cho là rất đa dạng về mặt sinh học
Lưu vực sông Mekong được cho là rất đa dạng về mặt sinh học
Chỉ tính riêng trong năm ngoái ở lưu vực sông Mekong, các nước Thái Lan, Campuchia, Miến Điện, Lào, Việt Nam và tỉnh Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc, các nhà khoa học đã phát hiện trên 200 loài mới.
Khủng hoảng tuyệt chủng

Một số loài mới được tìm thấy này, chẳng hạn như loài khỉ mũi hếch tóc dài được phát hiện ở tỉnh Kachin của Miến Điện đã được người dân địa phương biết đến từ trước nhưng lại chưa bao giờ cộng đồng khoa học ghi nhận.

Một loài thằn lằn chỉ toàn cá thể giống cái có khả năng sinh sản bằng cách tự nhân bản mà không cần đến cá thể đực đã được một nhà khoa học tình cờ phát hiện trên thực đơn của một nhà hàng ở Việt Nam.

Sarah Bladen, nữ phát ngôn viên của WWF lưu vực sông Mekong có trụ sở ở Hà Nội, nói rằng mặc dù một số giống loài mới được phát hiện, khu vực này vẫn đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng tuyệt chủng.

“Nếu các quốc gia này không bắt đầu xem đa dạng sinh học là điều mà họ cần trân trọng và quan tâm, chúng ta có nguy cơ mất đi các giống loài cũng như các môi trường hoang dã với tốc độ chóng mặt,” bà nói với hãng tin AFP.

Danh sách các giống loài mới do WWF đưa ra chủ yếu là các loài thực vật. Trong đó có 28 loài bò sát và bảy loài lưỡng cư.

Loài chim duy nhất được phát hiện trong năm 2010 là một loài chim nhỏ xíu được tìm thấy trong các hang núi đá vôi của Lào. Loài chim này có giọng hót rất to và đặc trưng –dấu hiệu đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học vì họ tin rằng đây có thể là một giống loài mới.

“Trong khi những phát hiện này cho thấy sự đa dạng sinh học độc đáo của lưu vực sông Mekong, chúng đồng thời cũng thể hiện tính dễ bị tổn thương của các sinh vật và môi trường sống của chúng ở khu vực này,” báo cáo của WWF viết.

WWF cũng lưu ý ‘các cảnh báo khẩn cấp’, chẳng hạn như tình trạng sụt giảm đến 70% số lượng hổ hoang dã chỉ trong hơn một thập kỷ và sự tuyệt chủng của loài tê giác Java ở Việt Nam được ghi nhận trong năm 2010.

“Sự phát triển nhanh chóng, không bền vững và biến đổi khí hậu đang tác động một cách sâu sắc đến đa dạng sinh học và các hệ sinh thái và hệ lụy là ảnh hưởng ̣đến hàng triệu người có cuộc sống dựa vào chúng,” bản báo cáo viết.

Báo cáo của WWF được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Lào quyết định hoãn xây dựng công trình thủy điện ở tỉnh Xayaburi trên sông Mekong đoạn chảy qua Lào, mà các nhà hoạt động môi trường cảnh báo sẽ đe dọa nghiêm trọng một số giống loài đặc trưng trong lòng sông.

WWF đã kêu gọi sáu lãnh đạo các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong trong cuộc họp vào cuối tháng này ở Miến Điện hãy xem đa dạng sinh học là ưu tiên hàng đầu, nếu không thì ‘kho tàng da dạng sinh học của khu vực sẽ biến mất’.
Theo BBC