Phát triển Trường ĐH Thủ đô Hà Nội thành trung tâm đào tạo, NCKH của Thủ đô

21/06/2023 06:40
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần được tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư để phát triển thành một trung tâm đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Sáng 20/6, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng chiến lược Trường Đại Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Giáo sư Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, nhà giáo của các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp cả nước và các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau.

Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Nhà trường; Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân -Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ cùng cán bộ, giảng viên trong trường.

Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, quá trình triển khai xây dựng chiến lược phát triển Nhà trường được chia thành 3 giai đoạn chính từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023.

Năm 2021, Nhà trường xây dựng và phê duyệt dự thảo chiến lược. Năm 2022, thành lập Ban chỉ đạo, ban hành Quy chế hoạt động, thực hiện phân công nhiệm vụ và xây dựng báo cáo chiến lược. Nửa đầu năm 2023, kiện toàn Ban chỉ đạo, tiếp tục hoàn thiện báo cáo chiến lược.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở đào tạo công lập, được nâng cấp trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (thành lập năm 1959). Trường được thành lập theo Quyết định số 2402/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện trường có tổng 426 biên chế, trong đó có 8 phó giáo sư, 82 Tiến sĩ, 257 Thạc sĩ... Về bộ máy, ngoài Hội đồng trường và Ban giám hiệu, Trường có 4 cơ sở với 8 khoa, 6 phòng ban, 6 trung tâm, 1 đơn vị chức năng; 29 chương trình đào tạo đại học, 2 chương trình đào tạo Thạc sĩ, 1 chương trình đào tạo Tiến sĩ; tổng sinh viên theo học tại trường là hơn8.100 sinh viên (Cao học, đại học, cao đẳng, liên thông…).

Thực hiện chiến lược xây dựng trường thành trung tâm nghiên cứu, tư vấn uy tín, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tập trung triển khai các hướng nghiên cứu trọng điểm về khoa học giáo dục, khoa học xã hội, Hà Nội học, thành phố sáng tạo… Các đề án, công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng, giữa đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong quá trình phát triển, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã bộc lộ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, tác động trực tiếp đến sự phát triển của nhà trường hiện nay và những năm tiếp theo.

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Là cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của thành phố, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần được tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến của Hà Nội, vùng Thủ đô và cả nước, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu về giáo dục và đào tạo được xác định trong các Nghị quyết, Quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ; của Thành uỷ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội; đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngày 7/10/2022 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3624-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo “Xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm mục đích xin ý kiến của các nhà quản lí, nhà khoa học, chuyên gia và các thầy cô nhằm xây dựng khung khổ, định hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2030 định hướng đến 2045; đồng thời là cơ hội để chia sẻ thực trạng phát triển trường và lắng nghe ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng, các chuyên gia và nhà khoa học trong các lĩnh vực, cùng toàn thể các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tham góp vào chiến lược phát triển trường đến năm 2030 định hướng 2045.

Hội thảo cũng cơ hội để Ban Chỉ đạo xây dựng chiến lược, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội lắng nghe những góp ý quý báu của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, các nhà khoa học và các thầy cô giáo trong và ngoài trường trao đổi, góp ý về của giáo dục hiện nay, của quá trình tái cơ cấu giáo dục đại học trong nước cũng như sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục đại học trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Cần có quyết tâm thay đổi đề phát triển

Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ tại Hội thảo.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ tại Hội thảo.

Trao đổi tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nên quan tâm hơn đến chính sách đãi ngộ, thu hút giảng viên giỏi; tiếp tục duy trì những hình thức bồi dưỡng bắt buộc, chuyển đổi từ bồi dưỡng bắt buộc sang bồi dưỡng theo nhu cầu, từ bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chìa khóa để phát triển trường đại học nói chung và Đại học Thủ đô Hà Nội nói riêng là xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu; gắn chặt mối quan hệ giữa chức năng nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng nên tiếp tục phát huy truyền thống trong công tác đào tạo giáo viên, tự xây dựng đội ngũ bền vững bằng cách đưa giảng viên giỏi đi đào tạo nước ngoài.

Giáo sư Phùng Hữu Phú góp ý cho chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Giáo sư Phùng Hữu Phú góp ý cho chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Giáo sư Phùng Hữu Phú có những góp ý chi tiết về tiến trình xây dựng và phát triển Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2024. Cụ thể, nhà trường nên lấy căn cứ tiếp cận là Quy hoạch phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn 2045.

Việc tiếp cận này sẽ giúp trường trả lời 3 câu hỏi: Hà Nội cần gì? Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô? Và sẽ đáp ứng như thế nào?

Trường cần phân tích sâu hơn, dự báo kỹ lưỡng hơn xu hướng phát triển đại học trong kỷ nguyên số, phải đón đầu xu thế để thiết kế mô hình đại học phù hợp; đánh giá về thực trạng nhà trường phải đặt trong tương quan với các trường đại học khác, trực tiếp là các đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội; phải xác định cái gì là lợi thế, cái gì là phi lợi thế; từ đó chuyển hóa cái phi lợi thế và tận dụng lợi thế; luôn gắn bó mật thiết với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; cần làm rõ hơn bản sắc, đặc sắc của Đại học Thủ đô Hà Nội để tạo ra con đường mới; trong chiến lược cần nêu rõ lộ trình, bước đi; tính đến nguồn lực, điều kiện thực tế phù hợp với từng bước đi...

Giáo sư Phùng Hữu Phú đề nghị Thành phố Hà Nội cần đưa việc phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vào quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo chung của Thủ đô; Hà Nội phải ưu tiên đầu tư, có cơ chế đặc thù với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thông qua cơ chế đặt hàng đào tạo.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao đổi tại Hội thảo.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao đổi tại Hội thảo.

Thay mặt Ban Chỉ đạo xây dựng chiến lược Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định: Sau hơn 8 năm xây dựng, kiện toàn, dù đã rất nỗ lực nhưng vì nhiều lí do (cả chủ quan và khách quan), Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vẫn chưa thực sự phát triển như mong muốn, vì vậy phải có đánh giá căn cơ để xác định đúng các giải pháp.

Việc xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần căn cứ, dựa vào việc Thành phố Hà Nội thực hiện 3 nội dung quan trọng là: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển Thủ đô và nghiên cứu tổng kết Luật Thủ đô.

Với tư cách là trường đại học duy nhất của Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phải có tầm nhìn dài, có khát vọng vươn ra bên ngoài, có lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể với sự tham gia của Thành phố Hà Nội. Trường cần xác định công tác đào tạo giáo viên là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời hướng đến xây dựng các trường thực hành sư phạm bởi Hà Nội là thành phố có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư rất lớn cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong sửa chữa, hoàn thiện, mở rộng cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực. Do vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là lãnh đạo, cán bộ nhà trường phải quyết tâm thay đổi; hoàn chỉnh chiến lược để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Kết thúc Hội thảo, bà Vũ Thu Hà cảm ơn các ý kiến đóng góp sâu sắc, ý nghĩa của các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý và cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến để tập trung hoàn thiện, cụ thể hóa chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới.

Linh Trang