Trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Philippines tháng 5 năm nay, ông Rodrigo Duterte đã có nhiều phát ngôn gây tranh cãi về Biển Đông khiến dư luận chú ý.
Khi ông trúng cử và chính thức nhậm chức Tổng thống Philippines ngày 30/6 vừa qua, lập trường quan điểm của ông về Biển Đông, cách tiếp cận với Trung Quốc và thái độ đón nhận phán quyết của PCA trở thành tâm điểm theo dõi của dư luận.
Trung Quốc ra sức lôi kéo, tác động ảnh hưởng đến chính quyền mới của Philippines, ông Rodrigo Duterte thay đổi chiến thuật
Cuộc bầu cử Tổng thống Philippines diễn ra hôm 9/5 khá kịch tính với sự thắng lợi áp đảo của ông Rodrigo Duterte. Ngay khi biết tin, ông Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử của nước láng giềng đang khởi kiện Trung Quốc và bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ hai nước.
Ngày 30/6 ông Tập Cận Bình lại gửi điện mừng ông Rodrigo Duterte nhậm chức, đồng thời còn chỉ đạo cho các cơ quan chức năng Trung Quốc xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư với Philippines.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Chỉ hơn 1 tháng ông Tập Cận Bình 2 lần gửi điện mừng ông Duterte đủ thấy, Bắc Kinh muốn tranh thủ, vận động nhà lãnh đạo mới này như thế nào.
Những động thái này càng đáng chú ý khi nó diễn ra ngay trước thềm phán quyết của PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm UNCLOS 1982 ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sự vận động và tranh thủ của Bắc Kinh với Manila không có gì khó hiểu. Cái dư luận đang quan tâm là thái độ và phản ứng của tân Tổng thống Rodrigo Duterte và Nội các của ông với phán quyết của PCA sẽ ra sao trước sức ép, sự lôi kéo của Trung Quốc.
Câu trả lời đã có trong cuộc họp đầu tiên của Nội các mới ngày hôm qua. Ông Rodrigo Duterte tuyên bố muốn có một “hạ cánh mềm” với Trung Quốc ở Biển Đông.
Còn tân Ngoại trưởng Perfecto Yasay khẳng định, ông từ chối ra tuyên bố lên án mạnh mẽ Trung Quốc nếu PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines. Nội các mới sẽ xem xét thấu đáo tình hình, đánh giá các tác động của phán quyết rồi mới ra tuyên bố.
Dư luận khu vực, bao gồm cả Philippines lẫn Việt Nam băn khoăn chính bởi phát biểu này của ông Ngoại trưởng Philippines.
Thậm chí có người lo ngại, phải chăng “gió đông đã thổi bạt gió tây?” Phải chăng Philippines đã “xuống nước, đầu hàng” Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế? Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng ra sao đến PCA trước khi ra phán quyết, cũng như phán quyết của PCA hậu phiên tòa này?
Đặc biệt là với Việt Nam, có những quan điểm lo ngại rằng, Philippines chủ động kiện, thắng kiện mà lại còn “rút lui” sẽ dẫn đến hoài nghi và lật ngược vấn đề, vậy Việt Nam có nên tiếp tục sử dụng kênh pháp lý đấu tranh với Trung Quốc hay không?
Cá nhân tôi thiết nghĩ, trả lời những câu hỏi dư luận đang đặt ra là điều hết sức cấp bách và cần thiết.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Tôi tin rằng, việc Philippines kiện Trung Quốc ra PCA là việc làm cần thiết và có lợi cho ổn định, hòa bình trong khu vực, cũng như việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông.
Trên thế giới chưa từng có quốc gia nào vẽ ra một đường ranh giới vô lý như đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ nên nhiều khả năng PCA sẽ ra phán quyết hủy bỏ. Đây là một cơ sở rất quan trọng trong đàm phán với Trung Quốc sau này.
Philippines vẫn là nước nhỏ, dù họ cũng có những thế mạnh trong đấu tranh trực diện với Trung Quốc so với Việt Nam: Họ ở xa Trung Quốc, có đồng minh hỗ trợ.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố sẽ không ủng hộ phán quyết của PCA chỉ là một tiếng nói lạc lõng. Ảnh: Yahoo. |
Tuy nhiên khi khởi kiện, các nhà lãnh đạo Philippines khi đó cũng xác định trước rằng, phán quyết của PCA hiện không có cơ chế thi hành án buộc Trung Quốc phải tuân thủ, nhưng có ý nghĩa pháp lý, chính trị, ngoại giao và đấu tranh dư luận rất tốt.
Ít nhất khởi kiện Trung Quốc và nếu PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines sẽ giúp họ tạo ra thế thượng phong pháp lý trê bàn đàm phán, đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý sau này. Nói cách khác, Philippines xác định kiện để đàm phán, chứ không ảo tưởng Trung Quốc chấp nhận ngay.
Bây giờ Philippines có Tổng thống mới, ông Rodrigo Duterte có chiến thuật mới, nhưng theo tôi chiến lược của Philippines không thay đổi bởi 3 lý do.
Thứ nhất, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc là tối thượng.
Chẳng có lãnh đạo quốc gia nào có thể thay đổi được quyết tâm chiến lược bảo vệ lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc mình. Dù một tấc đất cũng không được phép tự nguyện dâng cho ngoại bang.
Có chăng một vài trường hợp cá biệt trong lịch sử “rước voi về giày mả tổ” cũng trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt để bảo vệ quyền lợi cá nhân hẹp hòi và sẽ là nỗi nhục muôn đời, tội lỗi với muôn đời sau.
Lịch sử nước ta cũng từng có một vài con sâu như vậy, có thể kể ra như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
Thứ hai, Philippines không yếu đến mức phải chấp nhận những yêu sách vô lý, vô lối của Trung Quốc. Một là về địa lý hai nước cách nhau bởi Biển Đông, Trung Quốc có muốn dùng vũ lực với họ cũng không đơn giản. Hai là họ có hiệp ước đồng minh với Hoa Kỳ, Mỹ sẽ không để yên.
Ông Duterte đã hỏi trực tiếp Đại sứ Mỹ tại Philippines về cam kết này và cũng nhận được câu trả lời khá rõ ràng. Bởi vậy cá nhân tôi cho rằng không đời nào Philippines thay đổi 180 độ chiến lược, coi nhẹ phán quyết của PCA hay chấp nhận thỏa hiệp theo luật chơi bất công, vô lý mà Trung Quốc đặt ra.
Nhưng về chiến thuật, ông Rodrigo Duterte có thể thay đổi mềm dẻo hơn.
Chính phủ tiền nhiệm khởi kiện Trung Quốc cốt là tạo thế thượng phong pháp lý để tiếp tục đàm phán và đấu tranh ngoại giao, nhưng thời ông Aqunio cánh cửa đàm phán với Trung Quốc bị đóng chặt, do một số phát biểu của nhà lãnh đạo này dường như đã làm mất mặt Bắc Kinh.
Bởi vậy khi lên nắm quyền, muốn mở cánh cửa đàm phán với Trung Quốc trên cơ sở lấy phán quyết của PCA làm bàn đạp, đầu tiên Tổng thống Rodrigo Duterte phải tỏ thiện chí để có thể ngồi lại với Trung Quốc đã.
Nói như Cụ Hồ là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt là khi các nước nhỏ phải đương đầu, đấu tranh với các thế lực cường quyền.
Theo tôi đó là lý do tại sao tân Ngoại trưởng Philippines nói rằng, chính phủ phải nghiên cứu kỹ phán quyết của PCA, đánh giá các tác động ảnh hưởng nhiều chiều rồi mới đưa ra phản ứng, không ngay lập tức lên án, chỉ trích làm mất mặt Trung Quốc, để tuột mất cơ hội đối thoại sau này.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Independent. |
Điều đó không có nghĩa là Philippines “thay đổi lập trường”, càng không thể nói là họ rút lui hay đầu hàng Trung Quốc.
Philippines là bên khởi kiện, mà nếu PCA ra phán quyết có lợi cho họ thì Philippines không thể im lặng. Vấn đề là mức độ, lời lẽ ôn hòa hay gay gắt, còn nội dung tuyên bố thì không thay đổi.
Tôi cho rằng sẽ không có gì "bất ngờ 180 độ" xảy ra về mặt lập trường chính thức của Philippines sau phán quyết của PCA như một số quan điểm trong dư luận hiện nay lo ngại.
Thứ ba là Philippines là một đất nước đa đảng, nếu ai đó đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc hợp pháp của họ thì chắc chắn các đảng phái chính trị khác và ngay chính người dân, các lực lượng xã hội khác, đặc biệt là quân đội, cảnh sát biển và ngư dân Philippines sẽ không để yên.
Ngoại trưởng Philippines cũng đã gián tiếp thừa nhận thực tế này với báo giới khi cho biết, quân đội và nhiều bộ ngành yêu cầu chính phủ mới phải có tiếng nói mạnh mẽ lên án Trung Quốc hậu phán quyết của PCA.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Còn về phán quyết của PCA, các nước trên thế giới và trong khu vực có thể có ý kiến này ý kiến khác, ra tuyên bố hay không ra tuyên bố, tán thành hay không tán thành đều không ảnh hưởng gì đến phán quyết của PCA và hiệu lực, giá trị pháp lý của nó.
Nhưng cách đưa tin của truyền thông về những thay đổi trong chiến thuật của tân Tổng thống Philippines hoặc một số phát biểu của quan chức nước này mà thiếu những phân tích khách quan và tỉnh táo, đặt những phát biểu ấy vào bối cảnh cụ thể cũng như chiến lược tổng thể của Philippines khiến một số người dao động.
Những quan điểm này cho rằng, nước kiên quyết nhất, dám công khai đệ đơn khởi kiện Trung Quốc ra PCA giờ lại "thay đổi thái độ với Trung Quốc" và cho đó là một sự rút lui hay đầu hàng. Tôi cho rằng đó là một sự nhầm lẫn nguy hại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 1/7 cũng vừa có tuyên bố chính thức kêu gọi PCA ra phán quyết công bằng, khách quan. Việt Nam ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của UNCLOS 1982.
Đây là một nội dung quan trọng để sau này mình mới có căn cứ pháp lý tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc bằng luật pháp quốc tế, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Còn tất nhiên một số nước im lặng, hoặc thậm chí đồng tình và hùa theo Trung Quốc thì điều đó chẳng thay đổi được giá trị và hiệu lực phán quyết của PCA.
Phán quyết của PCA là cơ hội để Trung Quốc rút lui trong danh dự |
Đó là quyền lựa chọn của họ. Thực tế trong hàng ngũ các nước ủng hộ Trung Quốc chống lại phán quyết của PCA chỉ có vài nước ở tít châu Phi, Trung Á, là những nước nhỏ và nghèo, không có quyền lợi gì ở Biển Đông, cần tiền Trung Quốc.
Trong khu vực thì có Campuchia, nhưng chính ông Hun Sen cũng thổ lộ lý do của quyết định ấy, nước ông nhỏ và nghèo, ông phải lo cho nước mình trước.
Mặt khác, những nước hùa theo Trung Quốc cũng nên nhớ, các tranh chấp ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông được PCA xét xử và ra phán quyết hoàn toàn đúng luật pháp quốc tế, phù hợp UNCLOS 1982 mà họ lại ra tuyên bố phản đối, thì sau này nếu bản thân các nước đó có tranh chấp với nước khác mà cần tới cơ quan tài phán quốc tế phân xử thì hãy coi chừng. Họ không thể hành động tiền hậu bất nhất.
Để tránh dao động trước những thông tin dồn dập từ truyền thông quốc tế trước thời điểm PCA ra phán quyết, theo tôi người Việt Nam chúng ta cần nắm chắc hai điều. Một là bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam là nguyên tắc bất di bất dịch.
Những phương tiện đấu tranh có thể thay đổi tùy thời điểm, hoàn cảnh và tính chất sao cho thiết thực, hiệu quả, nhưng mục tiêu này là bất biến. Nó sẽ giúp chúng ta đứng vững trong mọi tình huống, đồng thời cũng có phản ứng chính xác trước mọi diễn biến thuận hay không thuận.
Thứ hai là cần tìm hiểu và nắm chắc hệ thống luật pháp quốc tế trong xử lý các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông, trong đó nổi lên 2 loại tranh chấp cơ bản và khác nhau: Đó là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp về giải thích và vận dụng UNCLOS 1982.
Mỗi loại tranh chấp này có một cơ chế pháp lý riêng, chúng ta cần bám vào từng loại, từng cơ chế để đấu tranh và nhận diện, xử lý các vấn đề phát sinh sau phán quyết của PCA với điều kiện mục tiêu trong phần thứ nhất không thay đổi.
Nắm được 2 điều này, Trung Quốc có nói gì, hoặc chính phủ mới ở Philippines có thay đổi chiến thuật nào trong cách tiếp cận với Trung Quốc cũng không làm ảnh hưởng đến quyết tâm và mục đích đó của Việt Nam.
Philippines là nước đi đầu đấu tranh chống đường lưỡi bò, bác bỏ đường lưỡi bò phi lý, phi pháp của Trung Quốc là điều rất đáng ca ngợi, chúng ta cũng được hưởng lợi rất lớn nếu Philippines thành công. Đó là lý do chúng ta nên ủng hộ nhiệt tình và phối hợp với bạn.
Còn những thay đổi về chiến thuật tiếp cận của bạn với Trung Quốc hậu phán quyết của PCA, thiết nghĩ chúng ta có thể chủ động tiếp cận, tìm hiểu vấn đề với Philippines một cách đàng hoàng qua đường ngoại giao, có lẽ họ sẽ sẵn sàng chia sẻ.
Trung Quốc là nước gây chuyện, là nguyên nhân của mọi rắc rối ở Biển Đông hiện nay mà còn đang vận động hành lang ầm ầm, tuyên truyền chống phá PCA, áp đặt đường lưỡi bò, chúng ta là nước trong cuộc càng cần có tiếng nói mạnh mẽ, tuyên truyền giải thích và vận động cả dư luận trong nước lẫn khu vực, quốc tế để tạo thêm sức mạnh bảo vệ mình, đấu tranh với Trung Quốc.