Philippines lên kế hoạch phòng thủ Trung Quốc đánh úp Bãi Cỏ Mây

15/07/2013 07:51
Hồng Thủy (Nguồn: Kyodo/ABS CBN)
(GDVN) - Manila phải xây dựng một kế hoạch phòng thủ vì sợ rằng Trung Quốc có thể phong tỏa thậm chí đánh úp Bãi Cỏ Mây bằng vũ lực.
Lính Trung Quốc đồn trú và hoạt động trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam
Lính Trung Quốc đồn trú và hoạt động trái phép tại Đá Vành Khăn, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam
Philippines đang cảnh giác cao độ với sự hiện diện và hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam). Ít nhất 2 đến 3 tàu Hải giám và 1 tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc đã xâm nhập và tuần tra trái phép trong vùng biển này.
Chính phủ Philippines đã duy trì hoạt động theo dõi sát hoạt động phi pháp của các tàu Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp mà Manila cũng tuyên bố chủ quyền từ tháng Hai trở lại đây. Hải quân Trung Quốc đã hiện diện và hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển tranh chấp 24 lần trong khoảng thời gian 2010 đến 2012, nhiều gấp 3 lần khoảng thời gian 1995 - 2009. Chính điều này đã khiến Manila phải xây dựng một kế hoạch phòng thủ vì sợ rằng Trung Quốc có thể phong tỏa thậm chí đánh úp Bãi Cỏ Mây bằng vũ lực.
Sự hiện diện và hoạt động bất hợp pháp của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông - Trường Sa khiến các nước trong khu vực quan ngại
Sự hiện diện và hoạt động bất hợp pháp của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông - Trường Sa khiến các nước trong khu vực quan ngại
Một phần của kế hoạch phòng thủ của Philippines bao gồm nâng cấp khẩn cấp các trang bị vũ khí cho quân đội, đặc biệt là các đơn vị hải quân, không quân hoạt động ở khu vực tranh chấp (quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough).
Philippines không muốn lặp lại bi kịch bãi cạn Scarborough (tại Bãi Cỏ Mây, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền, cửa ngõ vào Bãi Cỏ Rong nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam được cho là có trữ lượng khí đốt lớn). Trung tướng Rustico Guerrero, Tư lệnh Bộ tư lệnh Miền Tây Philippines  nói rằng đơn vị này đang giám sát chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc duy trì lực lượng chốt giữ trên xác chiếc tàu cũ Philippines đánh chìm tại Bãi Cỏ Mây năm 1999. Ông cũng cho biết quân đội Phillippines "sẽ có biện pháp thích hợp" nếu Trung Quốc công khai ngăn chặn ngư dân Philippines vào đánh bắt trong khu vực Bãi Cỏ Mây.
Xác chiếc tàu cũ Philippines cố tình đánh chìm năm 1999 tại Bãi Cỏ Mây làm nơi đồn trú cho khoảng 1 tiểu đội thủy quân lục chiến chốt giữ, canh chừng Trung Quốc có thể xâm nhập và chiếm Bãi Cỏ Rong từ Đá Vành Khăn.
Xác chiếc tàu cũ Philippines cố tình đánh chìm năm 1999 tại Bãi Cỏ Mây làm nơi đồn trú cho khoảng 1 tiểu đội thủy quân lục chiến chốt giữ, canh chừng Trung Quốc có thể xâm nhập và chiếm Bãi Cỏ Rong từ Đá Vành Khăn.
Bãi Cỏ Mây nằm ngay cạnh khu vực Đá Vành Khăn cũng thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm và chiếm đóng trái phép từ năm 1995 và hiện là căn cứ quân sự (phi pháp) hoạt động mạnh nhất của Trung Quốc ở Trường Sa.
Philippines cũng đặc biệt chú ý canh chừng Trung Quốc có thể có hoạt động bất hợp pháp tại Bãi Sa Bin (nằm trong cụm Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện là trung tâm tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố "chủ quyền" với toàn bộ hoặc một phần quần đảo. Chính phủ Philippines cho rằng trong các bên tranh chấp hiện nay, Trung Quốc là nước hung hăng nhất. Tài liệu của Manila cho thấy hải quân Trung Quốc duy trì các tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu Hải giám, Ngư chính hoạt động liên tục ở Biển Đông, trong đó có ít nhất 2 tàu khu trục, 1 tàu đổ bộ, 4 tàu Hải giám và Ngư chính hoạt động (trái phép) thường xuyên ở khu vực tranh chấp.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy (Nguồn: Kyodo/ABS CBN)