Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Abigail Valte |
Inquirer ngày 13/4 đưa tin, sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả cái gọi là "hành động khiêu khích" trên Biển Đông, hôm qua Phủ Tổng thống Philippines tuyên bố nước này đã luôn giữ quan điểm không hành động khiêu khích.
Cho đến nay, Lý Khắc Cường là quan chức Trung Quốc cao cấp nhất nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh, bất kỳ bất đồng nào đối với đường lưỡi bò mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông là một sự "khiêu khích".
Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Abigail Valte cho biết Manila luôn tìm cách tiếp cận vấn đề Biển Đông không hề khiêu khích. Ngược lại, Philippines luôn tìm kiếm một giải pháp hòa bình để xử lý tranh chấp.
Trong quá khứ, mọi nỗ lực của Philippines đều tập trung vào việc tránh những tình huống có thể leo thang căng thẳng ở Biển Đông, và bây giờ việc đưa đường lưỡi bò Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển cũng là một giải pháp phù hợp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định rằng, Philippines không phải nước gia tăng rất nhiều sự hiện diện hải quân và hàng hải trên Biển Đông, cũng không tìm cách phong tỏa hay đe dọa một cách mạnh mẽ bất kỳ quốc gia nào trên Biển Đông.
Trong ngày hôm qua, Lưu Tích Quý, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cũng tuyên bố rằng nước này đang phải đối mặt với những "thách thức nghiêm trọng về quyền hàng hải của mình" ở Biển Đông và Hoa Đông.
Ông Quý viện dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cho rằng Trung Quốc có lợi ích chiến lược và các quyền hợp pháp trong các vùng biển mở, các đại dương, vùng đáy biển quốc tế cũng như Nam Cực và Bắc Cực.
Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. |
Xung quanh cảnh báo của Trung Quốc rằng việc Philippines khởi kiện đường lưỡi bò ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển "làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ song phương", Đai sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr khẳng định rằng Manila có quyền tìm kiếm giải pháp trọng tài quốc tế khi đối mặt với sự xâm nhập của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Vụ kiện này sẽ là một mô hình hoặc một ví dụ cho các quốc gia nhỏ khác trong một tình huống tương tự xem xét các cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS như một biện pháp hòa bình", Cuisia cho biết.
Theo ông vụ kiện của Philippines đã tăng cường hơn nữa vai trò của UNCLOS, các thủ tục tố tụng và kết quả tiếp theo của nó sẽ làm giàu thêm cho luật pháp hàng hải quốc tế, đặc biệt là tranh chấp xung quanh việc áp dụng, giải thích các quy định của UNCLOS.
Philippines mong muốn thông qua vụ kiện để vô hiệu hóa tuyên bố yêu sách "lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 30/3 vừa qua Manila đã nộp bản thuyết trình quan điểm của mình cho Hội đồng Trọng tài, động thái khiến Bắc Kinh giận dữ.
Đại sứ Cuisia khẳng định, Philippines đã thiết lập một tiền lệ quốc tế, theo đó các quốc gia có lựa chọn khả thi khác để giải quyết tranh chấp hàng hải trong bối cảnh thương lượng bất đối xứng, nơi các quốc gia lớn với tiềm lực quân sự mạnh sẽ thống trị các quốc gia nhỏ hơn trên bàn đàm phán.