Phó giáo sư Bùi Hiền xin đừng lấy Truyện Kiều làm thí nghiệm

15/01/2018 06:42
Lê Hoàng Trung
(GDVN) - Việc lấy một tác phẩm văn chương kinh điển của một tác gia lớn, một danh nhân văn hóa thể giới để chuyển thể là điều không thể chấp nhận.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của thầy Lê Hoàng Trung từ Đại học Cửu Long tỉnh Vĩnh Long chia sẻ góc nhìn của mình về việc Phó giáo sư Bùi Hiền chuyển thể “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du sang “tiếng Việt cải cách”.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sau khi Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền tiếp tục cho công bố phần 2 trong toàn bộ công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt thì các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, các chuyên gia đã có những bài viết phân tích về vấn đề này.

Dường như “làn sóng dư luận” đã tạm lắng xuống và có nhiều người cho rằng “sẽ không quan tâm và không bàn luận về vấn đề mà Phó giáo sư Bùi Hiền nêu ra nữa”. 

Tuy nhiên, ngày 13/01/2018 Báo Thanh Niên thông tin Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền đã “chuyển thể” toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều sang “tiếng Việt cải tiến” và đã được cấp giấy đăng ký bản quyền tác giả.

Tiến sĩ Đoàn Hương và Phó giáo sư Bùi Hiền tham gia chương trình Cafe sáng của VTV trao đổi xung quanh những ồn ào về công trình tiếng Việt cải cách của ông. Ảnh: VTV.vn.
Tiến sĩ Đoàn Hương và Phó giáo sư Bùi Hiền tham gia chương trình Cafe sáng của VTV trao đổi xung quanh những ồn ào về công trình tiếng Việt cải cách của ông. Ảnh: VTV.vn.

Tôi chắc rằng sẽ có nhiều nhà nghiên cứu và độc giả sẽ “quay trở lại” và sẽ có những tranh luận khá sôi nổi khi một tác phẩm kinh điển của Việt Nam, đã ăn sâu vào lòng bao thế hệ con người….lại được viết với một “ngôn ngữ cải tiến” chứa nhiều bất hợp lý và chưa được xã hội chấp nhận. 

“Ngôn ngữ cải tiến” thật sự còn nhiều điểm chưa hợp lý

Thật sự, sau khi đọc bài của Báo Thanh Niên, tôi không biết rõ là “cơ quan” nào đã cấp giấy đăng ký bản quyền cho công trình của Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền.

Bởi “tiếng Việt cải tiến” mà thầy Bùi Hiền đưa ra còn nhiều bất hợp lý.

Trên phương diện là một bạn đọc, tôi xin chỉ ra một số bất hợp lý về mặt chữ viết của thầy Bùi Hiền được thể hiện trong Truyện Kiều đã được “chuyển thể”. 

(Tôi chỉ khảo sát trong 22 câu lục bát của Truyện Kiều đã được PGS. Bùi Hiền chuyển thể sang “ngôn ngữ cải tiến” và đã được đăng tải trong bài viết của Báo Thanh Niên).

22 câu lục bát trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và bản "tiếng Việt cải tiến" do Phó giáo sư Bùi Hiền chuyển thể. Ảnh: Báo Thanh Niên.
22 câu lục bát trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và bản "tiếng Việt cải tiến" do Phó giáo sư Bùi Hiền chuyển thể. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Theo tôi, trong 22 câu lục bát được Báo Thanh Niên lấy làm ví dụ cho bài viết thì có nhiều điểm bất hợp lý về chữ viết nếu xét về tính hệ thống và dựa trên thực tiễn của tiếng Việt. Tôi xin chỉ ra một số bất hợp lý đó như sau:

Thứ nhất, việc Phó giáo sư Bùi Hiền gom c, q, k trong tiếng Việt lại để viết thành một chữ duy nhất k là điều không ổn thỏa, thậm chí là bất hợp lý so với thực tiển tiếng Việt. 

Bởi trong tiếng Việt, thực tế ta thấy tồn tại các âm tiết  “qua” (trải qua, bỏ qua, ngang qua,…)  và “cua” (con cua, cua quẹo, cua gái,…). 

Vậy nếu chuyển thể theo Phó giáo sư Bùi Hiền thì làm sao ta phân biệt được các âm tiết “qua”“cua”? Bởi cả “qua”“cua” đều sẽ được viết là “kua”:

“Qua” được viết là “kua”.
“Cua” vẫn được viết là “kua”.

Nếu viết theo cách viết “chưa cải tiến” thì một người biết chữ dù không biết Truyện Kiều vẫn có thể đọc đúng là “qua” và có thể phân biệt được “qua” với “cua”. 

Nhưng nếu được viết theo “ngôn ngữ cải tiến” của Phó giáo sư Bùi Hiền thì họ có thể hiểu “kua” với ý nghĩa là chỉ con “cua”. 

Và còn các trường hợp khác như “quả”, “của” đều được viết là “kủa” thì làm sao đọc và phân biệt được?

Như vậy, nếu xét theo sự tồn tại thực tế của các từ, các âm tiết trong tiếng Việt như đã nêu trên thì việc Phó giáo sư Bùi Hiền gom 3 âm c-q-k lại viết thành k là không ổn thỏa. 

Thứ hai, người đọc sẽ không phân biệt được chtr. Ta xét hai câu lục bát đầu tiên trong Truyện Kiều:

“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.”

“ Căm năm cow kõi wười ta,
Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau.”

(Phó giáo sư Bùi Hiền cải tiến)

Ta thấy trong trường hợp này, Phó giáo sư Bùi Hiền đã lấy phát âm của người Hà Nội làm chuẩn và ông đã gom chtr lại thành một và viết thành c

Tuy nhiên, việc đó không hợp lý vì người miền Trung và người miền Nam phát âm phân và biệt rất rõ chtr

"Truyện Kiều" cải tiến, ảnh: Báo Thanh Niên.
"Truyện Kiều" cải tiến, ảnh: Báo Thanh Niên.

Chẳng hạn, người miền Nam phân biệt rõ giữa CHO (tặng cho, mua cho,…) và TRO (tàn tro, tro trấu), CHA (cha mẹ, ông cha) và TRA (tra cứu, cá tra), CHÂU (châu báu, châu chấu) và TRÂU (con trâu, trâu bò),…

Như vậy, việc gom chtr lại thành một sẽ không thỏa đáng.

Thứ ba, nếu cải tiến và viết theo Phó giáo sư Bùi Hiền thì sẽ không phân biệt được R và Gi với D bởi cả hai đều được ông viết là Z. Ta xét câu thơ sau:

“Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh.”
“Zằw năm Za Tĩnh ciều Minh.”
(Phó giáo sư Bùi Hiền cải tiến)

Cũng tương tự trường hợp vừa nêu ở trên, người miền Bắc không phân biệt được r với d và gi. Tuy nhiên, người miền Nam lại phân biệt rõ các âm này. 

Chẳng hạn, người miền Nam phân biệt được GIA (gia đình, gia giáo) và DA (da thịt) và RA (đi ra, ra vào). 

Thứ tư, ta không phân biệt được trường hợp nào “UA” sẽ được viết thành “UÔ” và trường hợp nào “UA” sẽ được giữ nguyên. 

Trong câu lục thứ 3 của Truyện Kiều, chữ “qua” đã được Phó giáo sư Bùi Hiền viết thành “kua”. Nghĩa là chỉ biến đổi q thành  k, còn ua được giữ nguyên. 

Nhưng trong câu 22, chữ “thua” đã được Phó giáo sư Bùi Hiền viết là “quô”, nghĩa là th chuyển thành qa được chuyển thành . Như thế là không nhất quán và thiếu tính hệ thống.

Sai lầm khi viết Truyện Kiều bằng “tiếng Việt cải tiến” 

Đối với người Việt Nam, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một tác phẩm kinh điển, một tuyệt tác văn chương. 

Những câu lục bát trong Truyện Kiều đã ăn sâu vào tâm trí của người dân Việt Nam bao đời. Nói đến Nguyễn Du, người ta nghĩ ngay đến Truyện Kiều. 

Giáo sư Phong Lê đã khẳng định rằng: 

Phó giáo sư Bùi Hiền xin đừng lấy Truyện Kiều làm thí nghiệm ảnh 4

Phó giáo sư Bùi Hiền nên dừng lại

“Nói Truyện Kiều là nói tới Nguyễn Du, người sáng danh nhất không chỉ trong nền văn chương Việt trung đại mà cả lịch sử văn chương Việt. 

Ông cũng chính là người đầu tiên của văn chương Việt được nhân loại tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1965 - nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh, do Hội đồng Hòa bình thế giới trao tặng. 

Cũng chính ông, lần thứ hai được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới, vào năm 2015 - nhân 250 năm ngày sinh. Vậy là Nguyễn Du hai lần đi ra đại lộ văn chương thế giới trong tư cách một tác gia văn chương Việt.

Truyện Kiều khiến Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao của văn chương Việt, với tầm vóc đó, không chỉ công chúng Việt mà về sau là cả nhân loại nhận ra ngay sự tương đồng giữa Nguyễn Du và nhiều danh nhân khác trên thế giới như Dante với Thần Khúc của Ý, như Goethe với Faust của Đức, như Puskin của Nga.” (Báo Nhân Dân – ngày 25/11/2015).

Như vậy, trong mắt người Việt, Truyện Kiều là một tác phẩm hoàn hảo và “bất khả xâm phạm”. 

Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền đã chọn Truyện Kiều để “thử nghiệm” và đã chuyển thể toàn bộ 3.254 câu lục bát Kiều sang “tiếng Việt cải tiến” của ông. 

Tuy nhiên, như đã phân tích trên, chỉ xét về mặt chữ viết thì “ngôn ngữ cải tiến” của Phó giáo sư Bùi Hiền còn nhiều bất ổn và chưa được xã hội chấp nhận. 

Như thế, việc thầy Bùi Hiền lấy Truyện Kiều để chuyển thể là một sai lầm, đặc biệt là đối với một kiệt tác của một danh nhân văn hóa thế giới.

Thay lời kết

Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ của Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền trong thời gian qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. 

Và thực tế, ông đã dùng bộ chữ tiếng Việt cải tiến của mình để chuyển thể toàn bộ 3.254 câu Kiều trong khi bộ chữ mà ông đề xuất còn chứa nhiều khuyết điểm, chưa được xã hội chấp nhận. 

Việc lấy một tác phẩm văn chương kinh điển của một tác gia lớn, một danh nhân văn hóa thể giới để chuyển thể là điều không thể chấp nhận, và càng không thể chấp nhận hơn khi “công trình chuyển thể” này được cấp giấy đăng ký bản quyền tác giả. 

Với tư cách là một bạn đọc, tôi thành tâm khuyên Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền nên nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về vấn đề “cải tiến tiếng Việt” mà ông đã và đang thực hiện. 

Bản thân tôi rất trân trọng ý tưởng và những cố gắng của ông trong việc mong muốn cải tiến tiếng Việt ngày càng hoàn thiện hơn. 

Tuy nhiên, tôi cũng mong ông nên bình tâm lại để có hướng đi phù hợp hơn. 

Tài liệu tham khảo

1. Đề xuất của Phó giáo sư Bùi Hiền không đúng với bản chất nguyên âm”. Xem tại:

https://thanhnien.vn/giao-duc/de-xuat-cua-pgsts-bui-hien-khong-dung-voi-ban-chat-nguyen-am-917714.html

2. “Giáo sư Ngôn ngữ học phản biện đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền”. Xem tại:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nha-ngon-ngu-hoc-phan-bien-de-xuat-cai-tien-chu-viet-tieng-viet-cua-pgs-bui-hien-413852.html

3 Nguyễn Trọng Bình, “Phó giáo sư Bùi Hiền nên dừng lại”. Xem tại:

http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Pho-giao-su-Bui-Hien-nen-dung-lai-post182688.gd

4. Hoàng Dũng, “Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” – về một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Xem tại: 

https://www.facebook.com/dzung.hoang.501

5. Hiền Hòa, “Tiếng Việt mà thành Tiếq Việt sẽ đứt gãy văn hóa dần dần”. Xem tại:

https://tuoitre.vn/tieng-viet-ma-thanh-tieq-viet-se-dut-gay-van-hoa-dan-dan-20171127112804828.htm

Lê Hoàng Trung