Phòng, chống tham nhũng góp phần giữ vững ổn định chính trị, PT KT-XH

09/12/2013 10:05
Huỳnh Phong Tranh
(GDVN) - Năm 2013 là năm đầu thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong năm tiếp tục được tăng cường thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực với sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trên các mặt của công tác PCTN đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Chính phủ tập trung chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực quản lý và tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, hướng tới loại bỏ những điều kiện, cơ hội nảy sinh tham nhũng, trong đó chú trọng đến những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như quản lý đất đai, tín dụng ngân hàng, đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, chế độ công chức, công vụ; chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo chú trọng khâu đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.



Quy định của pháp luật về các biện pháp PCTN tiếp tục được cụ thể hóa, rà soát, điều chỉnh, bổ sung để nâng cao hiệu quả PCTN. Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành bốn Nghị định, Thanh tra Chính phủ ban hành bốn Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tập trung vào những khâu yếu, những biện pháp còn hạn chế trong công tác PCTN như kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN, chế độ thông tin, báo cáo...

Nhìn chung, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN đã được quan tâm thực hiện, tiến độ xây dựng và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ yêu cầu công tác PCTN có tiến bộ rõ rệt. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh. Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, cơ quan báo chí, truyền thông nhằm phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị trong công tác PCTN.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động; tổ chức các phiên họp thường kỳ; chỉ đạo, đôn đốc sát sao đối với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp; đã và sẽ khẩn trương đưa ra xét xử tám vụ án trọng điểm. Mới đây, kết quả xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II với những bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và quyết liệt trong công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế...

Ban Chỉ đạo đã thành lập bảy đoàn công tác liên ngành để tiến hành kiểm tra, giám sát tại bốn bộ, ngành và 11 địa phương trong việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chỉ đạo các cơ quan nhà nước tập trung hoàn thiện thể chế; chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Phát hiện và chấn chỉnh nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Các chế độ, định mức, tiêu chuẩn tiếp tục được rà soát, hoàn thiện; việc đổi mới phương thức thanh toán, kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng được tăng cường; kê khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ cao với hơn 113 nghìn người kê khai lần đầu (đạt 97,9%); gần 520 nghìn người kê khai bổ sung (đạt 98,6%); việc công khai bản kê khai tài sản được triển khai thực hiện rộng rãi với hơn 376 nghìn người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập được đẩy mạnh, đã phát hiện, xử lý kỷ luật 61 trường hợp vi phạm, tăng 200% so với kết quả phát hiện, xử lý vi phạm trong 5 năm từ năm 2008 đến năm 2012.

Công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, có hiệu lực, hiệu quả hơn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những khâu của quản lý có nguy cơ tham nhũng cao, đã phát hiện, kiến nghị khắc phục nhiều sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách; phát hiện xử lý nhiều sai phạm; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, cho tập thể cao hơn nhiều so với những năm trước.

Năm 2013, hoạt động hợp tác quốc tế trong PCTN tiếp tục được mở rộng theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế.

Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã đánh giá cao đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện và tham gia cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước. Chính phủ tiếp tục tổ chức thành công đối thoại về PCTN với các đối tác phát triển quốc tế, tham gia tích cực trong các diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương, song phương về PCTN. Các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động phối hợp trong điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm về PCTN.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác PCTN năm 2013 vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, đầu tư công, thực hiện chế độ công vụ, công chức, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội.

Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến rõ nét, căn bản trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong năm 2014 và thời gian tiếp theo, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Trọng tâm là chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: đẩy mạnh Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, triển khai việc xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức tốt việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường ứng dụng, đổi mới công nghệ trong quản lý; nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo vệ người tố cáo...

Tích cực phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và giám sát; tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những khâu của quản lý có nguy cơ xảy ra tham nhũng lớn; khẩn trương điều tra, khám phá, đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, nhất là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm; thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát do tham nhũng.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng. Ðẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ; xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực; chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, nhất là các vụ án trọng điểm; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; khuyến khích sự tham gia của nhân dân đối với công tác PCTN bằng cách tăng cường hiệu quả của các cơ chế khiếu nại, tố cáo, giám sát của cộng đồng, bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng...

Tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về PCTN nhằm thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết quốc tế của Việt Nam, nhất là vai trò, trách nhiệm của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, qua đó tiếp thu những kinh nghiệm tốt và phù hợp của thế giới nâng cao hiệu quả công tác PCTN, góp phần tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Huỳnh Phong Tranh