Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục VN trưởng thành dưới sự dìu dắt của Hiệp hội

21/06/2022 06:14
Phạm Minh - Ngọc Ánh
GDVN- Sự trưởng thành của mỗi phóng viên đều được ghi dấu bởi những hỗ trợ hết lòng của lãnh đạo cũng như các thầy, cô thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng VN.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tiền thân là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Trải qua 11 năm hình thành, phát triển, Tạp chí đã khẳng định được vị thế của mình, trở thành một trong những kênh thông tin uy tín tại Việt Nam, tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và có rất nhiều đóng góp nổi bật trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Hành trình 11 năm, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào với những dấu ấn đặc biệt. Trên chặng đường ấy, không thể không nhắc đến những đóng góp, sự cống hiến tận tâm, trách nhiệm của các thế hệ nhà báo, phóng viên. Và sự trưởng thành của mỗi phóng viên đều được ghi dấu bởi sự giúp đỡ, hỗ trợ hết lòng của lãnh đạo cũng như các thầy/ cô thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi đón chào ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2022), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp cùng trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm cùng với các lãnh đạo, cán bộ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đội ngũ phóng viên trẻ trung, năng động, nhiệt huyết

Nhìn lại chặng đường 11 năm, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, trong quá trình xây dựng và phát triển, tên gọi có lúc khác nhau nhưng xét về mặt nội dung, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam luôn kiên trì thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, cùng đồng hành với Hiệp hội để có những đóng góp tích cực cho nền giáo dục nước nhà. Thành quả ấy cũng là kết quả nỗ lực, cống hiến của nhiều nhà báo, các thế hệ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của tòa soạn.

Đã có thời điểm, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và nhân viên hành chính tại tòa soạn lên đến 68-70 người. Rất tiếc khi thực hiện Quy hoạch báo chí, ngày 01/04/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phải ra Quyết định số 272/QĐ-HH thành lập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi từ Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thời điểm đó, Hiệp hội đã có nhiều lo lắng về sự phát triển của Tạp chí, tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực, không phụ sự kỳ vọng của lãnh đạo Hiệp hội, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã và đang đáp ứng được yêu cầu để tồn tại, phát triển sau khi chuyển đổi mô hình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Cũng theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, từ khi thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam luôn quan tâm và chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, đặc biệt là thế hệ các phóng viên trẻ của tòa soạn.

Để mỗi phóng viên phát huy được năng lực, sở trường của mình, Hiệp hội thường xuyên tạo mọi điều kiện để các phóng viên được tham dự tọa đàm, hội thảo, hội nghị về giáo dục nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng nghiệp vụ.

Thông qua các chủ trương của Hiệp hội, phóng viên của Tạp chí đã có nhiều bài viết chân thực, phản ánh tình hình giáo dục, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục, theo sát những mô hình mới tiến bộ trong hệ thống, cổ vũ thực hiện các định hướng chiến lược phát triển nền giáo dục nước nhà. Bên cạnh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng thường xuyên cập nhật các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước.

“Tôi đánh giá rất cao bản lĩnh của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bằng nhiệt huyết, sức trẻ của mình, các bạn dám đối diện, đấu tranh với những vấn đề tiêu cực trong giáo dục, không né tránh, chấp nhận sự khác biệt để bạn đọc có cái nhìn đa chiều.

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp xúc với phóng viên, biên tập viên của Tạp chí, tôi cảm nhận các bạn có tư duy rất tốt về giáo dục và luôn đề cao trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt, mọi quan điểm của Hiệp hội, thông qua sự ghi nhận của phóng viên đều được Tạp chí đăng tải kịp thời, giúp cho uy tín của Hiệp hội ngày càng tăng lên đối với cơ quan quản lý cũng như các trường đại học, cao đẳng.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được tạo mọi điều kiện tham dự tọa đàm, hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng nghiệp vụ. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được tạo mọi điều kiện tham dự tọa đàm, hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng nghiệp vụ. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Ở mỗi thời kỳ, đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên đều có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói chung và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nói riêng. Sự trưởng thành, phát triển của thế hệ phóng viên đi trước chính là tấm gương sáng, tạo động lực quyết tâm cho thế hệ phóng viên tiếp nối của Tạp chí cống hiến hết sức mình. Tôi tin tưởng với những nền tảng sẵn có về nhân lực, trong chặng đường sắp tới, Tạp chí sẽ ngày càng đổi mới, phát triển, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rất nhiều thuận lợi khi có sự đồng hành của nhiều đại biểu quốc hội, cán bộ ngành giáo dục gồm cả đương chức và đã nghỉ hưu, các chuyên gia, học giả có tầm. Đặc biệt, Tạp chí còn được hàng triệu bạn đọc yêu mến, được các nhà trường, các nhà giáo và những ai quan tâm đến giáo dục truy cập mỗi ngày. Và thế mạnh của Tạp chí Giáo dục Việt Nam là có đội ngũ phóng viên trẻ trung, năng động, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản.

Để vươn tầm hơn nữa, bên cạnh việc bám sát các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cập nhật kịp thời tri thức thời đại về khoa học giáo dục, Tạp chí cần tiếp tục đầu tư, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên. Mỗi phóng viên, biên tập viên cũng cần rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ và năng lực ứng phó với các tình huống bằng cách mạnh dạn tham gia cọ xát tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị lớn về giáo dục.

Bằng tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên tòa soạn, thương hiệu, uy tín của Tạp chí sẽ tiếp tục phát triển cao hơn nữa, đáp ứng xu thế, yêu cầu của báo chí hiện đại, tạo nên bản sắc riêng với phân khúc bạn đọc trung thành và ổn định.

Hiệp hội với công tác đào tạo phóng viên

Chia sẻ về những năm tháng đồng hành cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Văn Đình Ưng - Trưởng Ban Truyền thông và sinh viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, từ những ngày đầu thành lập đến nay, Hiệp hội luôn quan tâm đến công tác đào tạo phóng viên, đặc biệt là đối với đội ngũ phóng viên trẻ, với mong muốn xây dựng được đội ngũ phóng viên giáo dục chuyên nghiệp, vững về kiến thức chuyên môn, sắc sảo trong ngòi bút của mình.

Hiệp hội luôn coi trọng công tác phản biện, góp ý xây dựng các chủ trương, chính sách, đảm bảo quyền lợi của các trường hội viên, kiến nghị đến Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan có thẩm quyền về các giải pháp vì mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Đó cũng là lý do Hiệp hội luôn đề cao vai trò của báo chí, đặc biệt là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội - Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Hiệp hội luôn cần một kênh thông tin uy tín, chuyên nghiệp, đồng hành để cùng lên tiếng nói đóng góp ý kiến cho hành trình đổi mới giáo dục.

Tiến sĩ Văn Đình Ưng - Trưởng Ban Truyền thông và Sinh viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Văn Đình Ưng - Trưởng Ban Truyền thông và Sinh viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Ngọc Ánh)

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Trần Hồng Quân (nhiệm kỳ đầu tiên) và nay là Chủ tịch Vũ Ngọc Hoàng đều là những lãnh đạo tài năng, tâm huyết, đều đặt báo chí truyền thông ở vị trí quan trọng, là cầu nối, là tiếng nói của Hiệp hội đối với các trường thành viên và dư luận xã hội.

“Lãnh đạo và các thầy cô trong Hiệp hội luôn xem vấn đề đào tạo, bồi dưỡng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam như một phần trách nhiệm của mình, chúng tôi tạo mọi điều kiện để cơ quan báo chí thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt với phóng viên thuộc cơ quan báo chí của Hiệp hội, chúng tôi tạo cơ hội để các bạn trẻ được tiếp cận với nhiều thông tin chuyên môn và chuyên sâu về giáo dục. Thông qua các tài liệu được cung cấp, qua các buổi hội thảo, tọa đàm, phóng viên có cái nhìn tổng quan về giáo dục, từng bước đi sâu tìm hiểu và nắm rõ những vấn đề, khía cạnh khác nhau của ngành giáo dục.

Thông tin chính là yếu tố quan trọng của báo chí nhưng tinh thần chủ động học hỏi của phóng viên mới thực sự là yếu tố quyết định.

Và tôi đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, tinh thần cầu thị của các phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua các thế hệ trong 11 năm qua. Các bạn không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, yêu nghề mà luôn xem quá trình làm việc chính là quá trình học tập, bồi dưỡng cho bản thân.

Ghi nhận tinh thần ấy, Hiệp hội cũng hỗ trợ hết lòng, giải đáp mọi vấn đề chuyên môn mà phóng viên quan tâm. Sau những buổi tọa đàm, phóng viên có những buổi trao đổi riêng với các chuyên gia để nắm rõ thông tin và phát triển thành nhiều tuyến bài viết chất lượng”, Tiến sĩ Văn Đình Ưng cho biết.

Mỗi thời kỳ, trong mỗi giai đoạn khác nhau, Hiệp hội lại dành những sự quan tâm khác nhau cho đội ngũ nhà báo, phóng viên của mình.

Lãnh đạo Hiệp hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng phóng viên trẻ của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Lãnh đạo Hiệp hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng phóng viên trẻ của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Hơn một thập kỷ trước, khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn từ tài chính đến nhân sự, Hiệp hội đã luôn tạo điều kiện, động viên, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ để Báo từng bước đi vào ổn định và phát triển.

Giai đoạn cơ quan báo chí vẫn còn non trẻ, Hiệp hội chú trọng và tăng cường công tác bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên.

Trong những cuộc thảo luận các vấn đề lớn, gai góc nhất, Hiệp hội mời báo chí tham gia. Mục đích không đơn thuần chỉ để đưa tin, mà qua đó, phóng viên được học hỏi, tìm hiểu, đặt vấn đề, trao đổi cùng chuyên gia, đi đến những nội dung sâu xa nhất của các vấn đề.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng trở thành cầu nối kết nối phóng viên với mạng lưới chuyên gia giáo dục trên phạm vi quốc gia, quốc tế. Cũng từ đây, báo chí có được nhiều bài phỏng vấn, bài viết chuyên sâu mang tính phản biện đa chiều, sâu sắc, thực tế và đóng góp nhiều cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Đối với những chuyên đề mang tính lý luận về khoa học giáo dục, các thầy trong Hiệp hội đều có những phương pháp đào tạo, bồi dưỡng riêng cho phóng viên, định hướng các tuyến đề tài khó để phóng viên triển khai.

“Chúng tôi cũng cảm thấy may mắn vì đã tìm được một lãnh đạo báo chí có tài, có tâm và trách nhiệm khi “khai sinh” ra Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Từ những ngày đầu, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình đã thấu hiểu những trăn trở, mong muốn của lãnh đạo Hiệp hội, là xây dựng và phát triển một kênh thông tin, báo chí uy tín trở thành cơ quan ngôn luận của Hiệp hội.

Trải qua những khó khăn ban đầu, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình đã “chèo lái”, đưa “đoàn tàu” Giáo dục Việt Nam vươn xa. Dù chỉ trải qua một thời gian ngắn, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày ấy đã nhanh chóng giành được niềm tin của hàng triệu độc giả với nhiều tuyến bài giáo dục chất lượng và ấn tượng.

Đó là thành công của cả một tập thể và cũng là sự nỗ lực, cống hiến của mỗi phóng viên, nhà báo, trong đó có lãnh đạo của Báo.

Cuối năm 2021, trong Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2, nhiệm kỳ II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Đó cũng chính là sự ghi nhận của Hiệp hội, của các thành viên trong Ban chấp hành đối với những đóng góp của Nhà báo Nguyễn Tiến Bình nói riêng và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nói chung”, Tiến sĩ Văn Đình Ưng tâm sự.

Dấu ấn phóng viên giáo dục theo từng nhiệm vụ của Hiệp hội

Theo Tiến sĩ Văn Đình Ưng, trong hơn 1 thập kỷ xây dựng, trưởng thành và phát triển, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Trong mỗi giai đoạn, trong mỗi công việc của Hiệp hội đều có những dấu ấn đặc biệt với sự đồng hành của Tạp chí.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, công dân Việt Nam; Tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiệp hội đã có nhiều đóng góp trong việc góp ý cho Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách, đặc biệt là các chính sách về giáo dục.

Cụ thể như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, các văn bản dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo… đều được Hiệp hội đóng góp ý kiến để hoàn thiện các bộ luật, văn bản.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam với đội ngũ biên tập viên, phóng viên chuyên nghiệp, nhanh nhạy đã luôn bám sát chỉ đạo của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam triển khai nhiều chuyên đề đóng góp ý kiến cho hoạt động của ngành giáo dục, đặc biệt là có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình sửa đổi Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục Đại học 2018.

Hiệp hội cũng có vai trò và đóng góp lớn trong việc kiến nghị đưa thi trắc nghiệm vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (tên gọi trước đây của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông); chuyển từ kỳ thi “3 chung” thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay.

Trong từng công việc đó, đội ngũ phóng viên của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã rất nhanh chóng, kịp thời làm nhiệm vụ thông tin, đồng hành cùng Hiệp hội trong việc lên tiếng, góp ý cho các chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục.

Lãnh đạo Hiệp hội cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày lễ kỷ niệm 11 năm thành lập Tạp chí.

Lãnh đạo Hiệp hội cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày lễ kỷ niệm 11 năm thành lập Tạp chí.

Với những chủ đề giáo dục lớn được Hiệp hội quan tâm chỉ đạo, những năm qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo, ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia uy tín, góp ý cho ngành giáo dục những bất cập còn tồn tại, từ đó có kiến nghị với các địa phương, bộ, ngành điều chỉnh chính sách, áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

Với Hiệp Hội, chúng tôi luôn tự hào, tin tưởng với sự đồng hành trong công tác truyền thông, thông tin của đội ngũ phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, từ những phóng viên chuyên nghiệp, kinh nghiệm đến những “cây bút” trẻ năng động, ham học hỏi, nhiệt huyết, yêu nghề.

Kỳ vọng đội ngũ phóng viên vững tâm, mắt sáng, lòng trong, bút sắc

Gửi gắm đến đội ngũ phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Văn Đình Ưng chia sẻ, trong giai đoạn đổi mới giáo dục và đào tạo mang tính quyết liệt như hiện nay, có đó nhiều vấn đề rất cần được quan tâm như tự chủ đại học, cơ chế quản lý, sở hữu trong nhà trường, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới,... Chính vì vậy, đội ngũ nhà báo, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam càng cần phải nỗ lực học hỏi, phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình

“Như cố nhà báo Hữu Thọ từng nhắn nhủ đến những người làm báo: “Mắt sáng - lòng trong - bút sắc”. Phóng viên giáo dục là một mắt xích quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền, vì một nền giáo dục tiến bộ, vững bước hội nhập quốc tế.

Các bạn phóng viên phải có cái nhìn khách quan, chân thực, phải đặt mình vào vị trí của độc giả, của dư luận trước mỗi sự việc, vấn đề đang diễn ra.

Song, muốn bài viết của mình thực sự đóng góp cho cuộc sống, cho xã hội, hơn hết phóng viên phải có tâm trong sáng - đó là phẩm chất cao quý của một nhà báo cách mạng.

“Lòng trong” giúp phóng viên có những góp ý, phản biện tích cực, để giúp các cơ quan quản lý trong toàn ngành giáo dục ngày càng hoàn thiện hơn, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình.

Bằng cái “tâm” của người làm báo, phóng viên còn cần phải tích cực đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái, những hành vi tiêu cực còn tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Và một điều quan trọng nữa, các bạn cần phải lan tỏa, tuyên dương, những điểm sáng trong hoạt động giáo dục, ghi nhận, biểu dương những tấm gương dạy tốt, học tốt; sự nỗ lực của thầy và trò vươn lên trong khó khăn. Công việc này cũng quan trọng không kém trách nhiệm chống tiêu trong giáo dục.

Nhưng một nhà báo giỏi phải có “bút sắc”, phải thực sự sắc sảo trong ngôn từ, trong cách thể hiện vấn đề. Bởi lẽ báo chí không chỉ có nhiệm vụ thông tin mà còn phải biết phân tích, bình luận, phải đưa độc giả đến với những góc nhìn sâu hơn, những khía cạnh khác nhau của vấn đề, từ đó để có các bài viết giáo dục chất lượng”, Tiến sĩ Ưng chia sẻ.

Tiến sĩ Văn Đình Ưng cũng kỳ vọng, đội ngũ phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nỗ lực, không ngừng học hỏi để tiến bộ, xứng đáng là những “cây viết” giáo dục chuyên nghiệp.

Trong 11 năm qua, không chỉ có Hiệp hội mà nhiều cơ quan, tổ chức, và bạn đọc trên mọi miền đất nước đều ghi nhận, gửi gắm niềm tin cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, là một cơ quan báo chí uy tín về giáo dục.

Hành trình hơn 11 năm, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (tiền thân là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) đã tạo được dấu ấn riêng và có những thành công nhất định, trở thành kênh thông tin uy tín hàng đầu về lĩnh vực giáo dục.

Hành trình hơn 11 năm, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (tiền thân là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam) đã tạo được dấu ấn riêng và có những thành công nhất định, trở thành kênh thông tin uy tín hàng đầu về lĩnh vực giáo dục.

Tháng 4/2020, thực hiện theo chỉ đạo về công tác quy hoạch báo chí, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đổi tên thành Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Bình, đội ngũ phóng viên đã nhanh chóng bắt nhịp theo bước chuyển mình của tòa soạn, đẩy mạnh hoạt động nội dung chuyên sâu hơn trong lĩnh vực giáo dục, làm tốt vai trò phản biện chuyên sâu về giáo dục.

Trong hai năm vừa qua, dưới những tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng càng đánh giá cao sự nỗ lực vươn lên của lãnh đạo cũng như phóng viên, biên tập viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bắt nhịp theo hơi thở, chuyển động của ngành giáo dục, Tạp chí luôn theo sát các vấn đề thời sự quan trọng của ngành, đồng hành cùng các trường, các cơ sở giáo dục tuyên truyền công tác phòng chống dịch song song với công tác giảng dạy, học tập. Đó là những đóng góp đáng ghi nhận và hoan nghênh của đội ngũ phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Mỗi phóng viên phải khắt khe trong từng sản phẩm báo chí của mình

“Với tôi, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là truy cập vào Giaoduc.net.vn. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam không phải là nơi tôi cống hiến những năm tháng tuổi trẻ nhưng đây lại là nơi giúp tôi khám phá một phiên bản khác của chính mình, đầy nhiệt huyết và xông pha”, đó là những chia sẻ của Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban Hỗ trợ Câu lạc bộ khối trường thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Nói về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan khẳng định, kể từ khi ra đời, tập thể lãnh đạo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những nỗ lực, đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền những chính sách giáo dục. Cùng với đó là thông tin đầy đủ, đa dạng, chính xác về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Nhiều năm qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phân tích, đánh giá, phản biện thẳng thắn, góp ý xây dựng và sửa đổi những chủ trương, bất cập về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giáo dục, giúp cho cán bộ quản lý các cấp làm tốt công tác quản trị, điều chỉnh chủ trương, chính sách giáo dục.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban Hỗ trợ Câu lạc bộ khối trường - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Ngọc Ánh)

Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban Hỗ trợ Câu lạc bộ khối trường - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Ngọc Ánh)

11 năm hoạt động, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã và đang đi đúng hướng, góp phần vào thành công này, không thể không nhắc đến sự đóng góp của những cây bút sắc bén - là các thế hệ phóng viên của tòa soạn.

Hành trình đã qua đó có khởi đầu, có tiếp nối và cả sự phát triển vượt bậc, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trở thành ngôi nhà truyền cảm hứng cho các thế hệ phóng viên, những cây bút mang khát vọng được cống hiến, dành trọn đam mê với nghề.

“Là người gắn bó với Tạp chí trong thời gian dài, trực tiếp kết nối phóng viên với các trường đại học, cao đẳng, tôi rất mừng khi chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ phóng viên.

Tôi đánh giá cao sự nỗ lực, chăm chỉ, không ngại khó của phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, đặc biệt là khi dịch Covid-19 bùng phát, phóng viên không chỉ bám sát những vấn đề giáo dục nóng hổi mà còn kịp thời cập nhật thông tin từ các trường đại học, cao đẳng y tham gia chống dịch, lan tỏa những hành động đẹp, gương người tốt, việc tốt tại thời điểm đó.

Thông qua sự hỗ trợ, chỉ bảo tận tình từ các thầy, cô trong Hiệp hội, phóng viên của Tạp chí cũng rất nhanh nhạy, chủ động liên hệ đầu mối thông tin từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học trên cả nước để ghi nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của chính những người trong cuộc. Từ đó, tham gia đóng góp nhiều tuyến bài phân tích, phản biện”, Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan cho hay.

Nhân Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), gửi gắm đôi điều đến các phóng viên trẻ của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan nhấn mạnh, tình yêu nghề và đam mê là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi phóng viên, nhà báo.

Trong lĩnh vực giáo dục, phát hiện đề tài hay đã khó nhưng thể hiện đề tài thành tác phẩm báo chí chất lượng càng khó hơn, điều này đòi hỏi phóng viên phải thực sự nghiêm túc, dấn thân theo đến cùng đề tài. Mỗi phóng viên phải khắt khe trong từng tác phẩm, sản phẩm báo chí của mình, tôn trọng sự thật, trung thực và công tâm.

Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan cũng kỳ vọng với nhiệt huyết và sức trẻ, thế hệ phóng viên kế cận sẽ mang đến những luồng gió mới cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đáp ứng lòng mong đợi của hàng triệu độc giả là cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh trên cả nước.

Phạm Minh - Ngọc Ánh