Phụ huynh có đồng ý tăng học phí hay không phụ thuộc vào nội dung phiếu khảo sát

04/07/2022 06:42
Thiên Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để kết quả khảo sát thuyết phục hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên lấy thêm ý kiến từ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia giáo dục...

Khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cho biết, có 74.602 ý kiến của cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên ở những trường này tham gia góp ý bằng phiếu, do các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục công lập thực hiện.

Kết quả cho thấy, có hơn 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72,08%. Hơn 20.000 ý kiến không đồng tình, chiếm 27%.

Trong bối cảnh bão giá hiện nay, một số đại biểu, chuyên gia cho rằng tỷ lệ hơn 72% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí "rất đáng ngờ".

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Quyên - Giảng viên cao cấp, Quyền Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu quan điểm: "Nếu khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đảm bảo tính khoa học, khách thể nghiên cứu được lựa chọn một cách đầy đủ, chính xác theo nguyên tắc điều tra xã hội học thì chúng ta nên tôn trọng kết quả này, cũng như tôn trọng ý kiến của những người tham gia khảo sát.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Quyên - Giảng viên cao cấp, Quyền Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Giađinh.net.vn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Quyên - Giảng viên cao cấp, Quyền Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Giađinh.net.vn)

Tuy nhiên, việc một số đại biểu Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội bày tỏ nghi ngờ tỷ lệ hơn 72% người dân đồng ý tăng học phí cũng đặt một dấu hỏi lớn, cần phải xem xét lại. Tại sao lại có nhiều phụ huynh đồng tình trong khi giá của các mặt hàng thiết yếu tăng cao? Phải chăng khảo sát có điều gì mập mờ, chưa chính xác? Để trả lời cho những câu hỏi này thì phải tiếp cận được nội dung của phiếu khảo sát mới có thể đánh giá vấn đề chính xác và khách quan nhất.

Trong trường hợp nội dung phiếu khảo sát nêu rõ thu học phí tăng để đầu tư cơ sở vật chất lớp học, trường học, nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện bữa ăn cho học sinh ăn bán trú, giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn... nhiều phụ huynh đồng tình cũng là điều bình thường, theo tôi, không nên coi đó là một hiện tượng tiêu cực.

Một số ý kiến cho rằng, tăng học phí thời bão giá là không phù hợp nhưng hiện nay cuộc sống đâu còn khó khăn như trước. Không phải tất cả nhưng sẽ có rất nhiều gia đình sẵn sàng chấp nhận tăng học phí nếu như con của họ được hưởng nền giáo dục tốt hơn, chất lượng hơn".

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Quyên, trong khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đối tượng lấy ý kiến là cán bộ, giáo viên, cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập mới chỉ đạt yêu cầu ở mức tương đối. Để kết quả khảo sát thuyết phục hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên lấy thêm ý kiến từ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục, những người đứng đầu hiệp hội phụ huynh học sinh...

Khi phóng viên đặt băn khoăn, cách lấy ý kiến bằng phát phiếu liệu có đảm bảo tính khách quan? Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Quyên nhận định: "Cốt lõi của vấn đề là trong quá trình điều tra, đơn vị thực hiện có tuân thủ đúng các nguyên tắc điều tra xã hội học hay không? Khách thể nghiên cứu có phù hợp, có đại diện cho số đông không? Đó là những câu hỏi cần phải trả lời trước khi chúng ta bàn đến chất lượng hay tính khách quan của kết quả nghiên cứu.

Điều tra xã hội học được thực hiện chuẩn chỉnh thì phương pháp khảo sát bằng phát phiếu hay bất kể phương pháp nào khác cũng sẽ mang lại kết quả đáng tin cậy, tỷ lệ chính xác cao. Bên cạnh đó, việc khảo sát bằng phát phiếu cũng thể hiện được mong muốn, ý kiến của khách thể nghiên cứu".

Quyền Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho biết thêm: "Điều tra xã hội học rất khó thực hiện trên diện rộng mà sẽ phải tiến hành điều tra theo xác suất thống kê, với kích cỡ mẫu phù hợp và đảm bảo tính đại diện.

Ví dụ trong 10 người, 20 người hoặc 50 người chỉ chọn một tham gia vào khảo sát. Điều này cũng không tránh khỏi việc người này được lấy ý kiến nhưng người kia thì không.

Nhiều khi tỷ lệ là 100% người đồng ý nhưng kết quả đó chỉ đại diện cho nhóm nhỏ vài chục hay vài trăm người, không thể đại diện cho toàn xã hội".

Thiên Ân