Ngày 19/9, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Thu hàng loạt khoản không được phép, trường Ninh Dân xem thường pháp luật” đã chỉ ra nhiều khoản nhà trường thu trái với Thông tư 55 (Ban hành điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh) và Thông tư 16 (Quy định về việc quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bài viết đã đề cập đến các khoản thu lạ mà Trường Trung học sơ sở Ninh Dân, Phú Thọ triển khai thu của phụ huynh cụ thể: Tiền ủng hộ cơ sở vật chất: 250 nghìn đồng; Vệ sinh: 70 nghìn đồng; Điện nước: 65 nghìn đồng; Gửi xe: 100 nghìn đồng;
Hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự: 70 nghìn đồng; Ủng hộ giáo dục: 220 nghìn đồng.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ hiện cho dừng thu các khoản tài trợ để chờ hướng dẫn Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định về việc quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (ảnh Trinh Phúc). |
Để làm rõ hơn lý do trường Ninh Dân tiến hành các khoản thu này, ngày 19/9 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ.
Theo ông Tường, sau khi bài viết của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải Sở đã yêu cầu kiểm tra nội dung bài báo phản ánh.
Cũng theo vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, trước phản ánh các khoản thu sai quy định của Thông tư 16 (Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/9/2018) tại trường Ninh Dân, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã tiến hành chỉ đạo triển khai Thông tư 16 tới các trường học trong toàn tỉnh.
Thu hàng loạt khoản không được phép, trường Ninh Dân xem thường pháp luật |
Lý giải về các khoản thu đầu năm của Trường Trung học cơ sở Ninh Dân, ông Tường cho rằng do nhà trường đang triển khai theo Thông tư 29.
Cũng theo ông Tường, hiện Thông tư 16 đã có hiệu lực nên các trường thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải dừng tất cả việc thu theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân vì đã hết hiệu lực.
Việc trường Ninh Dân chưa triển khai Thông tư 16 là trước đó Sở chưa chỉ đạo thực hiện Thông tư này.
“Hiện nay, Sở yêu cầu các trường trong toàn tỉnh dừng vận động tài trợ chờ hướng dẫn của Thông tư 16. Tất cả các khoản liên quan đến chi cho người lớn phải dừng hết” – ông Tường nhấn mạnh.
Trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tin, một phụ huynh có con đang theo học tại trường Trung học cơ sở Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ phản ánh tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về các khoản thu của nhà trường.
Theo phụ huynh này, hiện nhà trường tiến hành thu nhiều khoản thu với tổng số tiền gần 3 triệu đồng/học sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các khoản thu bắt buộc như học phí, bảo hiểm y tế hay tiền học thêm thì trong năm học 2018 - 2019, Trường Ninh Dân đã thu phụ huynh học sinh nhiều khoản thu lạ.
Lạm thu đang là nỗi ám ảnh của phụ huynh học sinh tại nhiều địa phương trong cả nước (ảnh minh họa - chụp màn hình từ kênh VTC1). |
Cụ thể, Trường Ninh Dân đã thu của mỗi phụ huynh tiền ủng hộ cơ sở vật chất: 250 nghìn đồng;
Vệ sinh: 70 nghìn đồng; Điện nước: 65 nghìn đồng; Gửi xe: 100 nghìn đồng; Hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự: 70 nghìn đồng; Ủng hộ giáo dục: 220 nghìn đồng.
Trước những khoản thu lạ này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Phạm Thị Thắng, Hiệu trưởng nhà trường.
Giải thích về các khoản tiền nhà trường đã thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Về khoản đóng góp 250 nghìn đồng tiền ủng hộ cơ sở vật chất là xuất phát từ việc nhà trường lập kế hoạch để xây dựng sửa chữa trong năm.
Quá trình lập kế hoạch, nhà trường đã báo với Ủy ban nhân dân xã Ninh Dân về nhu cầu của nhà trường trong năm học mới cần phải có những hạng mục công trình cần sửa chữa và xây dựng.
Khi được sự đồng ý của xã Ninh Dân, trường họp với ban đại diện cha mẹ học sinh và toàn thể hội cha mẹ học sinh kêu gọi sự ủng hộ và tài trợ của các tập thể cá nhân, cũng như hội cha mẹ học sinh”.
Để xảy ra lạm thu trong nhà trường, chính quyền địa phương ở đâu? |
Theo cô Thắng, các cha mẹ học sinh tài trợ trên cơ sở tự nguyện chứ không phải nhà trường ấn định từng ấy tiền.
Giải thích tiếp về khoản thiền 100 nghìn đồng gửi xe đạp và tiền hỗ trợ an ninh trật tự 70 nghìn đồng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ninh Dân cho rằng:
“Tiền gửi xe đạp thực hiện theo quyết định số 04 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, quy định về việc học sinh tới trường gửi xe đạp thì học sinh sẽ phải đóng tiền xe đạp theo quy định.
Theo quy định đóng góp 15 nghìn đồng/tháng, trong khi nhà trường thu 10 nghìn đồng/tháng, cả năm là 100 nghìn đồng”. Còn tiền hỗ trợ an ninh trật tự cô Thắng không giải thích.
Được biết, theo phản anh của phụ huynh học sinh, thì xe học sinh được để trong khuôn viên nhà trường.
Cũng liên quan đến các khoản thu lạ tại Trường Trung học cơ sở Ninh Dân, giải thích về khoản tiền hỗ trợ giáo dục 220 nghìn đồng/phụ huynh thì nhà trường cũng làm tương tự như khoản hỗ trợ cơ sở vật chất.
Theo đó, nhà trường lập kế hoạch để hỗ trợ tất cả các hoạt động giáo dục cho các em học sinh trong năm học, kêu gọi hỗ trợ tài trợ theo hướng dẫn của cấp trên.
“Việc này không bình quân hóa mà trên cơ sở kế hoạch của nhà trường cần nhu cầu như thế thì phụ huynh hỗ trợ, không bổ đầu học sinh” – vị Hiệu trưởng này khẳng định.
Còn số tiền 50 nghìn đồng để khảo sát chất lượng học tập, cô Thắng giải thích đây là khoản tiền dành cho học sinh lớp 9.
Tức số tiền trên dành để tổ chức khảo sát chất lượng cho các em trong năm học để đánh giá chất lượng đối với học sinh lớp 9 luyện thi vào lớp 10.
Ngoài ra, vấn đề tiền điện nước nộp 65 nghìn đồng/ học sinh; tiền vệ sinh 70 nghìn đồng/ học sinh, cô Hiệu trưởng cho biết tiền này do thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường trên cơ sở thực tế sử dụng của các em.
Cuối cùng bà Hiệu trưởng nói rằng: “Khoản tiền vệ sinh, phụ huynh tự nguyện, hỗ trợ tiền vệ sinh hàng ngày của các em.
Đến trường cũng có việc vệ sinh trường lớp, phụ huynh nhất trí hỗ trợ đó là nhu cầu thỏa thuận của các phụ huynh và học sinh.
Còn nhà trường không ép buộc nộp các khoản ấy”.