LTS: Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, thầy giáo Kiên Trung cho rằng các bậc phụ huynh chỉ cần nắm rõ quy định tại thông tư này và Thông tư 55 là sẽ khiến lạm thu "hết đất sống".
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Báo chí đưa tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/9/2018 thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012.
Theo đó, nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc.
Các cơ sở không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Phụ huynh cần nắm rõ thông tin để chống lại vấn nạn lạm thu đầu năm học. (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn). |
Các đơn vị chỉ được vận động và tiếp nhận tài trợ để chi tiêu cho trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học;
Cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ;
Thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được giao…, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo đơn vị quản lý phê duyệt.
Lạm thu, phải xử lý hiệu trưởng, đâu chỉ trả lại tiền là xong |
Quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng tài trợ phải tuân thủ đúng mục đích đã đề ra…
Cơ sở giáo dục phải lập báo cáo quyết toán công việc hoàn thành và niêm yết công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thủ trưởng cơ sở giáo dục nhận tài trợ thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trái với quy định tại thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ông Trình Văn Cang, 60 tuổi, một phụ huynh ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có nhiều năm tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cho rằng:
“Trước vấn nạn lạm thu ở nhiều cơ sở giáo dục tiếp tục diễn biến phức tạp trong đầu năm học này, khiến các bậc phụ huynh vô cùng bức xúc thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 16 thay thế cho Thông tư số 29 là rất cần thiết.
So với Thông tư số 29, Thông tư số 16, các điều khoản được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng, tường minh, đầy đủ hơn về các khoản được phép và không được phép vận động, tiếp nhận; về tính công khai, minh bạch; về lập kế hoạch sử dụng, công tác giám sát, kiểm tra….
Các chủ thể có liên quan như nhà trường, phụ huynh, cấp quản lý… mà thực hiện đúng tinh thần, quy định tại Thông tư này thì chắc chắn tình trạng lạm thu, chi vô tội vạ đã xảy ra ở một số nhà trường sẽ cải thiện đáng kể.
Phụ huynh chúng tôi phấn khởi lắm vì đỡ bớt gánh nặng, nỗi lo về tiền bạc cho con em khi đến trường.”
Thầy Hùng, giáo viên dạy môn Toán, một trường Trung học cơ sở ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh phân trần:
“Ban hành quy định, thông tư là tốt rồi. Song cái quan trọng hơn, văn bản, quy định phải đến được với mọi hiệu trưởng, phụ huynh và các cấp quản lý giáo dục.
Bởi lâu nay, công tác tuyên truyền, ý thức tìm hiểu và thực hiện đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật ở các đối tượng trên còn hạn chế nhiều dẫn đến làm sai, làm bậy…
Mặt khác, hoạt động theo dõi, giám sát, kiểm tra về các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện cho nhà trường của ban đại diện cha mẹ học sinh và các cấp quản lý có thẩm quyền thường buông lỏng, tháo khoán, thậm chí có nơi còn phó mặc, giao cho hẳn cho hiệu trưởng muốn làm gì thì làm.
Chính sơ hở, yếu kém này, một số hiệu trưởng được đà “đục nước béo cò”…” .
Người viết bài này, tôi rất hoan nghênh các quyết định kỷ luật mới đây của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) trước hàng loạt sai phạm về thu - chi tài chính, trong đó có khoản lạm thu đầu năm ở Trường Mầm non Yên Sơn.
Theo đó, cách chức Hiệu trưởng và điều chuyển công tác đối với bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, hiệu trưởng nhà trường.
Kỷ luật “Khiển trách” đối với bà Lê Thị Vui, phó hiệu trưởng nhà trường, bà Phạm Thái Hà, nguyên kế toán nhà trường năm học 2016 - 2017, bà Vũ Thị Ngân, kế toán nhà trường năm học 2017 - 2018;
Kỷ luật “Khiển trách” và điều chuyển công tác đối với bà Đinh Thị Kim Chung, phó hiệu trưởng; chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Nguyễn Thị Thùy Dung, nhân viên văn thư phụ trách việc tính khẩu phần ăn, hồ sơ nuôi, thủ quỹ.
Các bậc phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường hãy đọc kỹ và triển khai đúng tinh thần, quy định tại Thông tư số 55 (về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh) và Thông tư số 16 nêu trên.
Nếu như vậy thì Ban đại diện cha mẹ học sinh đâu còn bị nhiều phụ huynh và dư luận xã hội quy cho cái “tội” là tấm bình phong, “kẻ tay sai”… để một số hiệu trưởng lợi dụng nữa.
Cùng với đó là sự quyết liệt, đồng bộ, không bao che, nể nang của các quản lý trong kiểm tra, xử lý các hiệu trưởng nếu có sai phạm… tức khắc vấn nạn lạm thu sẽ hết “đất sống”.