Tiếp tục trao đổi với Báo GDVN, PGS.TS Nguyễn Bá Diến – Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế đưa ra các biện pháp mà theo ông sẽ ngăn chặn được các hành vi bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Phải có bước đi bài bản và khẩn trương các thủ tục pháp lý
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ thấy rằng Trung Quốc luôn chủ động xâm chiếm, chủ động gây ra chiến tranh, trong khi đó dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào Việt Nam luôn lấy hòa bình và tình hữu nghị làm trọng. Điển hình nhất là sau 75 ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam luôn kiên trì ứng xử bằng các biện pháp hòa bình, cho dù các loại tàu (kể cả tàu quân sự) của Trung Quốc liên tục gây hấn bằng cách phun nước áp lực cao, đâm húc, và thậm chí đâm chìm cả tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Nhưng liệu rằng trước một người láng giềng luôn có đầy rẫy các âm mưu thâm độc, chúng ta có còn nhẫn nhịn được mãi chăng?
PGS.TS Nguyễn Bá Diến bày tỏ: “Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã nói rất mạnh mẽ, đó là không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông. Điều đó thể hiện quan điểm rất rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ, đồng thời cũng là ý chí nguyện vọng của 90 triệu dân Việt Nam. Thủ tướng cũng đã giao các cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị hồ sơ pháp lý để có thể nói chuyện với Trung Quốc bằng pháp luật, nhưng cho tới nay chuẩn bị tới đâu rồi thì chưa rõ.
Theo tôi vấn đề này phải có sự tổ chức rất bài bản, đúng người, đúng việc, gắn liền quyền hạn với trách nhiệm; bởi đây là một nhiệm vụ hết sức hệ trọng không chỉ liên quan đến việc thắng hay thua, đến danh dự dân tộc, mà còn là liên quan đến chủ quyền quốc gia, đến vận mệnh của dân tộc, đến việc nuôi dưỡng và hun đúc lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân và củng cố mặt trận đoàn kết quốc tế".
PGS.TS Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo. Ảnh: Minh Độ. |
Cũng theo PGS Diến, nếu đưa vụ việc ra trước cơ quan tài phán quốc tế, thì càng đòi hỏi chúng ta phải có sụ tổ chức triển khai thật chu đáo, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta, càng chậm trễ bao nhiêu, càng bất lợi bấy nhiêu.
"Một trong những sức mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay là các cơ sở lịch sử - pháp lý về chủ quyền biển đảo, và phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng giải pháp pháp lý quốc tế, vì Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính Biển Đông", PGS Diến nhấn mạnh.
Trước những lo ngại Trung Quốc sẽ tìm các thủ đoạn để ngăn cản Việt Nam đưa vụ việc ra toà án quốc tế, PGS Nguyễn Bá Diến nêu bài học kinh nghiệm của Philipine: “Khi Trung Quốc chiếm đảo của Philipine thì tất cả đều e ngại Trung Quốc, và ái ngại cho Philippine, vì luôn nghĩ một đất nước với quá nhiều khó khăn như Philipine sẽ chẳng làm được gì hơn trước sự bành trướng hung hãn của Trung Quốc. Nhưng không phải vậy, sau 11 tháng thì Philipine đã chuẩn bị xong một bộ hồ sơ khởi kiện Trung Quốc. Từ vị thế của một nước nhỏ, bị bắt nạt, họ vụt đứng dậy, sử dụng sức mạnh pháp lý quốc tế để tạo lợi thế cho mình. Với các căn cứ pháp lý quốc tế đưa ra, Philipine giờ đây đang nắm thế thượng phong”.
Trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 tại thềm lục địa của Việt Nam, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm rằng, Việt Nam cần phải sớm chuẩn bị một bộ hồ sơ để sẵn sàng khởi kiện ngay.
Không muốn mất uy tín, Trung Quốc phải làm gương
PGS Nguyễn Bá Diến phân tích, mục đích Việt Nam kiện Trung Quốc là để cho thế giới thấy rõ lập trường chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không bao giờ thay đổi. Chúng ta có chính nghĩa, có đầy đủ các căn cứ pháp lý, trong khi Trung Quốc không hề có bất cứ một chứng lý nào. Những lập luận mà phía Trung Quốc đưa ra là bịa đặt, cắt xén, ngụy tạo, phi khoa học.
Vì vậy, nhiều năm qua, Trung Quốc không hề muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, trong khi Trung Quốc đang có rất nhiều chuyên gia làm việc tại Tòa án công lý quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ), Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS), Tòa án Trọng tài thường trực La Hay (PCA)... Trung Quốc đều có người của mình ở hầu khắp các thiết chế và tổ chức quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Bắc Son đón nhận bộ Atlas thế giới xuất bản năm 1827, trong đó có các nội dung quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.. Ảnh: Minh Độ. |
Nếu Việt Nam thắng kiện rồi mà Trung Quốc không thi hành theo phán quyết thì sao? Điều này cũng đã được dự báo trước, nhưng cái quan trọng không phải là việc Trung Quốc có thi hành hay không, mà việc Việt Nam kiện Trung Quốc sẽ tạo ra quả “bom nhiệt hạch”, là đòn dáng mạnh vào uy tín của Trung Quốc trước quốc tế.
“Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cũng giữ ghế tại các tổ chức khu vực và quốc tế. Lẽ thường tình thì Trung Quốc phải làm gương, làm tròn bổn phận của một thành viên, của một "ông lớn" trước cộng đồng quốc tế và đúng như những gì họ rêu rao bấy lâu nay về "về sứ mệnh hòa bình".
Còn nếu Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế, chà đạp lên dư luận quốc tế thì lúc ấy tự các quốc gia sẽ đặt dấu hỏi về mối quan hệ của họ với Trung Quốc, vì không ai muốn quan hệ với những kẻ phá hoại hòa bình, coi thường công lý quốc tế. Trong lịch sử loài người, nhất là trong thời đại ngày nay, các dân tộc yêu chuộng hòa bình không bao giờ chấp nhận và dung thứ cho các hành vi bạo ngược của Trung Quốc.
Trong một ngôi làng yên bình bỗng dưng xuất hiện một tay côn đồ, chuyên cướp bóc và ăn vạ thì liệu có còn ai muốn quan hệ? Chắc chắn là mọi người phải đề phòng, phải liên kết để chống lại tên kẻ cướp ấy, và xa hơn nữa là người ta có thể liên kết để tiêu diệt tên ăn cướp”, PGS Diến nhấn mạnh.