LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của ông trả lời 1 trong 16 câu hỏi của đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông về đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ ra đòi yêu sách "chủ quyền" với trên 80% diện tích Biển Đông, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Đài Phượng Hoàng đặt câu hỏi:
Theo ông, Đường 9 đoạn Trung Quốc đưa ra dựa vào cái gì mà vẽ ra? Đường 9 đoạn cuối cũng là đường gì? Nó có hợp pháp với Luật Quốc tế không?
Có nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982) xuất hiện sau Đường 9 đoạn được đưa ra, không có hiệu lực hồi tố, nên UNCLOS không thể xác nhận Đường 9 đoạn là vô hiệu lực. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
Trả lời:
Đường 9 đoạn được vẽ từ năm 1946 bởi 1 viên chức của chính quyền Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa Dân Quốc) khi ông này đi theo hạm đội do Lâm Tuân chỉ huy ra Trường Sa thực hiên nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật theo lệnh cuả phe Đồng Minh.
Đó là một con đường được vẽ ra một cách tùy tiện, ngẫu hứng, không có tọa độ rõ ràng, lúc thì 9 đoạn, lúc thì 11 đoạn, bây giờ là 10 đoạn.
Thoạt tiên đây là "Đường mười một đoạn" và xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ lục "Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông" thuộc tập "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc" do Cục Phương vực, Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành.
Một con đường vu vơ không có ý nghĩa và giá trị pháp lý
"Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" công bố trên Tân Hoa Xã ngày 12/7 sau khi Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông được công bố mô tả đường 9 đoạn:
Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ d'Anville 1735, lãnh thổ Trung Quốc thời nhà Thanh thời cực thịnh, không bao gồm quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratly) trong khi cùng thời, Nhà nước Việt Nam do các chúa Nguyễn lãnh đạo đã thiết lập và thực thi chủ quyền, khai thác Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: southchinasea.com. |
"Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Trung Quốc đã thu hồi các đảo ở Biển Đông từng bị Nhật Bản chiếm đóng phi pháp trong chiến tranh, đồng thời khôi phục thực thi chủ quyền.
Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường quản lý các đảo ở Biển Đông, năm 1947 thẩm định tên gọi các đảo ở Biển Đông và biên tập thành cuốn "Nam Hải chư đảo địa lý chí lược" (tạm dịch: Khảo lược địa lý các đảo ở Biển Đông), đồng thời vẽ "Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông" có đường đứt đoạn liên tục, tháng 2 năm 1948 thì chính thức công bố với thế giới".
Lời văn này cho thấy, đường 9 đoạn chỉ đơn giản là đường đứt đoạn liên tục Trung Quốc vẽ ra để "quây" các đảo ở Biển Đông lại, nhận các đảo này là thuộc "chủ quyền / lãnh thổ" của họ. Ngoài ra đường 9 đoạn không có ý nghĩa nào khác.
Để bảo vệ cho yêu sách vô lý này, phía Trung Quốc đã dựa vào những lập luận mâu thuẫn nhau:
Lúc thì Trung Quốc nói họ có chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử đối với các hải đảo, vùng biển liên quan trong phạm vi được bao bọc bởi đường 9 đoạn này.
Lúc thì Trung Quốc nói mình có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với phạm vi biển trong đường 9 đoạn.
Đặc biệt là lập luận của Trung Quốc nói rằng, đường 9 đoạn ra đời trước khi UNCLOS 1982 được ký, nên nó không chịu điều chỉnh bởi UNCLOS 1982.
Những tuyên bố mâu thuẫn nhau này hoàn toàn là sự ngụy biện, không dựa vào bất kỳ một quy định nào của luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành.
Khi đã trở thành thành viên của UNCLOS 1982, thì bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải có nghĩa vụ thi hành cả gói các quy định của Công ước. Trong đó, các quốc gia thành viên phải sửa chữa các quy định của mình trước đây trái với nội dung UNCLOS 1982.
Chẳng hạn, các quốc gia ven biển ở châu Mỹ Latinh đã từng quy định lãnh hải 200 hải lý trươc khi UNCLOS 1982 được ký không thể duy trì chiều rộng lãnh hải như cũ.
"Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông" là lập trường chính thức, công khai, mới nhất của Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông.
Nhà nước Trung Quốc tuyên bố có "chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông", bao gồm 4 nội dung:
1) Trung Quốc (tuyên bố) có chủ quyền đói với các đảo ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trung Sa và quần đảo Trường Sa.
2) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.
3) Các đảo Trung Quốc (nhận là có chủ quyền) ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
4) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông.
Bản đồ Trung Quốc năm 1740 là bản sao nguyên gốc của bản đồ d'Anville 1735, do Thủ tướng Đức tặng Chủ tịch Trung Quốc. Nguồn: raremaps.com [1] |
Như vậy Trung Quốc không nhắc gì đến đường 9 đoạn, ngay cả "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đề cập trong nội dung thứ 4 cũng không nói là trong phạm vi đường 9 đoạn.
Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử" và "đường 9 đoạn" một cách đầy thuyết phục
Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 đã nêu rõ:
"Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông.
Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng Công ước quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển, và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước Công ước liên quan đến tài nguyên đã được xem xét, nhưng chúng không được thông qua và quy định tại Công ước.
Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước.
Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây.
Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn."
Tôi cho rằng phán quyết này hoàn toàn khách quan, hợp pháp và thuyết phục. Trên thực tế, Trung Quốc là nước rất tích cực tham gia xây dựng UNCLOS 1982, và khi phê chuẩn UNCLOS 1982 có nghĩa là Trung Quốc đã đồng ý hoàn toàn với các nội dung của Công ước.
Tất cả yêu sách nào trước đó liên quan đến hàng hải mà trái với Công ước đều bị bác bỏ.
Tiến sĩ Dương Danh Huy đã công bố một nghiên cứu của ông trên tạp chí The National Interest của Hoa Kỳ cho biết, trong suốt các cuộc đàm phán xây dựng UNCLOS và cuối cùng Công ước ra đời năm 1982, Trung Quốc là nước ủng hộ mạnh mẽ chế độ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển.
Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra khái niệm về quyền lịch sử trên các vùng biển và đáy biển bên trong phạm vi đường 9 đoạn.
Mãi cho đến năm 1992, Trung Quốc mới lần đầu tiên tuyên bố về yêu sách với thềm lục địa phía Nam Biển Đông khi ký hợp đồng ủy quyền cho công ty Crestone của Mỹ khai thác dầu trong khu vực bãi Tư Chính (Vanguard bank).
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
1992 là mốc thời gian đầu tiên Trung Quốc đưa ra khái niệm "quyền lịch sử" trên biển và đáy biển bên trong phạm vi đường 9 đoạn. Thông tin Trung Quốc yêu sách "quyền lịch sử" từ khi có đường 9 đoạn năm 1947 là sai. [2]
Ngày 14/7, nhà nghiên cứu Zheng Wang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột thuộc Trường Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế, Đại học Seton Hall ở New Jersey, thành viên Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ rút ra 4 bài học thất bại của Trung Quốc trong vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Khi đề cập đến đường 9 đoạn và UNCLOS 1982, ông Zheng Wang cho biết:
"Khi Trung Quốc tham gia quá trình đàm phán xây dựng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển giai đoạn 1973-1982, Trung Quốc đã quyết định đứng về phía các nước thế giới thứ ba và ủng hộ quan điểm xác định vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý (cho các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo, các đảo đủ điều kiện).
Các nhà ngoại giao Trung Quốc thời điểm đó đã hoàn toàn quên mất Biển Đông và đường 9 đoạn." [3]
Tôi cho rằng, không phải các nhà ngoại giao Trung Quốc "quên đường 9 đoạn", mà họ hiểu rất rõ đó là một nét vẽ vu vơ, không căn cứ và không có giá trị pháp lý.
Lý do không ai hưởng ứng Trung Quốc "gác tranh chấp, cùng khai thác" Biển Đông |
Chính những đóng góp thiết thực và tích cực ấy của Trung Quốc đã góp phần xây dựng nên UNCLOS 1982. Tuy nhiên, vì những lợi ích dân tộc vị kỷ hẹp hòi, Trung Quốc sẵn sàng phủ định cả những gì chính mình góp công xây dựng nên.
Điều này càng góp phần làm rõ, lập luận đường 9 đoạn có trước UNCLOS 1982 nên không chịu ảnh hưởng bởi Công ước là lối nói ngụy biện, cố đấm ăn xôi để phục vụ những mục đích chính trị đen tối, lũng đoạn khu vực.
Sở dĩ đài Phượng Hoàng đặt câu hỏi về lai lịch, giá trị pháp lý của đường 9 đoạn cho dù nó là sản phẩm của Trung Quốc, là vì chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ công khai giải thích về nó.
Thế nhưng trên thực tế, chính phủ Trung Quốc lại xua tàu công vụ và tàu cá trá hình, thậm chí là giàn khoan khổng lồ thường xuyên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của các nước ven Biển Đông.
Điển hình là vụ giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014, mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2012.
Gần nhất là những vụ gây hấn với lực lượng hải quân Indonesia, quấy rối vùng biển ngoài khơi Malaysia...Tất cả những xô xát đụng độ hầu như đều xảy ra ven đường 9 đoạn hòng biến không thành có.
Chính bởi những hành xử bất chấp công luận lẫn luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, chúng ta càng thấy ý nghĩa cao cả và giá trị hiện thực, tuyệt vời mà Phán quyết Trọng tài mang lại cho Biển Đông.
Tài liệu tham khảo:
[3]http://thediplomat.com/2016/07/china-and-unclos-an-inconvenient-history/