Dự án Tagom được thành lập bởi Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1996), xuất phát từ trăn trở về vấn đề bảo vệ môi trường. Linh nhận thấy nhiều người dù quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường nhưng vẫn lúng túng khi xử lý rác khó phân hủy như pin cũ, mảnh sành, chai thủy tinh, bóng đèn vỡ… Nếu bỏ chung với rác sinh hoạt, những vật này không chỉ gây ô nhiễm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích cho công nhân vệ sinh. Trong khi đó, người thu mua phế liệu cũng từ chối tiếp nhận loại rác này.
Vì vậy, tháng 2/2022, Linh cùng một số người bạn thành lập dự án Tagom gồm 8 người với mục tiêu xây dựng, tối ưu hóa các điểm thu gom rác và nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác tại nhà.
Hành trình “gom” rác, lan tỏa lối sống xanh
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Trần Thị Nguyệt (sinh năm 2001) phụ trách chuyên môn của nhóm cho biết: "Tên Tagom mang ý nghĩa “Chúng ta cùng gom rác”, thể hiện thông điệp kêu gọi cộng đồng chung tay phân loại rác, thúc đẩy tái chế và giảm thiểu lượng rác thải phải chôn lấp.
Mục tiêu của nhóm là thu gom và xử lý các loại rác vô cơ, độc hại như bóng đèn, nhựa, xốp, nhôm, chì, mảnh sành, thủy tinh, pin, thủy ngân... Rác sau khi thu gom được phân loại, chuyển đến các điểm xử lý tập trung hoặc tái chế".
Ban đầu, hoạt động của nhóm dựa vào mạng lưới tình nguyện viên. Người dân tự phân loại, làm sạch rác tại nhà, sau đó các tình nguyện viên sẽ thu gom và đưa về kho tại số 59, ngõ 33 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện tại, do ngõ nhỏ, xe tải không thể vào tận kho, các thành viên của dự án phải dùng xe đẩy tay vận chuyển rác thải ra đường Nguyễn An Ninh để chất lên xe chở đi xử lý, tái chế.
Đến năm thứ 2 hoạt động, năm 2023, Tagom phối hợp với 6 siêu thị AEON tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương tổ chức ngày hội thu gom rác thải. Tại mỗi điểm, nhóm hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác và triển khai chương trình “đổi rác lấy quà”.
Trong đó, nhóm chia ra 3 khu vực chính, gồm: khu vực đầu tiên hướng dẫn phân loại rác trực tiếp. Khu vực thứ hai là triển lãm các sản phẩm tái chế từ chai nhựa, vỏ hộp sữa, lon nhôm… Khu vực cuối cùng tổ chức trò chơi và workshop sáng tạo từ rác, mang đến trải nghiệm thực tế về tái chế và bảo vệ môi trường.
Sau 12 ngày hoạt động tại mỗi siêu thị, chương trình thu về gần 2 tấn rác thải nguy hại. Người dân tham gia được nhận quà tặng là các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi vải, bình nước, sổ tay, cây xanh, giấy vệ sinh…
Năm 2024, Tagom mở rộng hoạt động, hướng đến các doanh nghiệp bằng cách phối hợp tổ chức ngày hội thu gom rác, thu hút sự tham gia của người lao động và các gia đình.
Nhóm phổ biến kiến thức về tác hại của rác thải, hướng dẫn mọi người cách phân loại, xử lý và giới thiệu các điểm thu gom rác hàng ngày. Đồng thời, chương trình “đổi rác lấy quà” tiếp tục được triển khai nhằm khuyến khích thói quen phân loại rác trong cộng đồng.
Ngoài ra, Tagom cũng hợp tác với những câu lạc bộ, đội nhóm môi trường tại nhiều trường đại học hay các quận, huyện nhằm tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm tổ chức, qua đó mở rộng mô hình thu gom rác đến nhiều địa điểm hơn.
Nhờ đó, rác thải được phân loại và xử lý theo 3 nhóm: dễ tái chế, có thể tái sử dụng và khó tái chế. Với nhóm rác dễ tái chế như chai nhựa, vỏ hộp, giấy báo... Tagom chuyển trực tiếp đến các nhà máy để tái chế thành sản phẩm mới.
Nhờ đó, rác thải được phân loại và xử lý theo 3 nhóm: dễ tái chế, có thể tái sử dụng và khó tái chế. Với nhóm rác dễ tái chế như chai nhựa, vỏ hộp, giấy báo... Tagom chuyển trực tiếp đến các nhà máy để tái chế thành sản phẩm mới.
Với nhóm rác có thể tái sử dụng như quần áo, truyện, dụng cụ học tập, đồ chơi,... Tagom kiểm tra, sắp xếp những vật dụng còn sử dụng tốt và gửi tặng tổ chức thiện nguyện để hỗ trợ các khu vực khó khăn.
Trong khi đó, nhóm rác khó tái chế và nguy hiểm được chuyển đến các nhà máy chuyên dụng xử lý để đảm bảo an toàn. Tagom cũng hợp tác với các đội, nhóm sáng tạo để chuyển hóa rác thải thành các sản phẩm có giá trị, như viên đốt RPF – nhiên liệu tạo ra lượng nhiệt tương đương than đá, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường.
Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay, Tagom có 10 thành viên thường trực và khoảng 40 tình nguyện viên là sinh viên ở các trường đại học, bạn trẻ ở những câu lạc bộ môi trường….
“Các thành viên trong dự án nhận thấy một xu hướng tích cực trong cộng đồng đó là ngày càng nhiều người dân chủ động phân loại rác tại nhà. Có người dân tham gia hoạt động của Tagom cũng đã chuyển hướng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường như túi vải và hộp đựng thực phẩm tái sử dụng, hạn chế dùng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần.
Sau khi tham gia các chương trình của Tagom, không ít người đã trở thành tuyên truyền viên, tích cực chia sẻ kiến thức và kêu gọi người thân, bạn bè cùng tham gia vào các hoạt động vì môi trường”, chị Trần Thị Nguyệt cho biết.
Nỗ lực thay đổi thói quen về phân loại và tái chế rác thải
Tagom mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về phân loại và tái chế rác thải, song việc thay đổi thói quen và nhận thức của người dân không phải là điều dễ dàng. Vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn và tái chế, điều này tạo ra không ít khó khăn cho nhóm trong quá trình triển khai các chương trình của dự án.
Công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về phân loại và tái chế rác thải đòi hỏi chiến lược dài hạn và kiên trì. Vì vậy, nhóm cần liên tục sáng tạo các phương thức tiếp cận hiệu quả, đặc biệt là với những nhóm đối tượng có thói quen khó thay đổi. Bên cạnh đó, vấn đề về tài chính cũng khiến cả nhóm phải “đau đầu” suy nghĩ. Là tổ chức phi lợi nhuận, Tagom phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì nguồn tài chính ổn định để triển khai các hoạt động và chương trình bảo vệ môi trường lâu dài. Nhóm đã tìm kiếm các giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn tài chính, giúp duy trì và mở rộng các hoạt động vì môi trường.
“Mục tiêu của Tagom là khuyến khích toàn xã hội tham gia thu gom và xử lý rác thải nguy hại chứ không chỉ riêng một nhóm người. Để có thêm nhiều người biết đến hoạt động thu gom rác độc hại, nhóm lập trang fanpage để thông tin về hoạt động đến cộng đồng, đồng thời đưa những thông tin về các rác độc hại, cách xử lý, phân loại.
Nhờ vậy, mọi người biết đến hoạt động của nhóm ngày càng nhiều, lượng rác nguy hại đưa đến kho ngày một lớn, các tình nguyện viên thay phiên nhau trực nhận rác và phân loại tại kho. Có những ngày cuối tuần nhóm phải nhờ đến 4-5 tình nguyện viên trực ở kho để hướng dẫn người đem rác đến phân loại, làm vệ sinh, nhận rác, đóng kiện…”, chị Nguyệt chia sẻ.
Theo chị Nguyệt, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong lối sống, người dân cũng có thể tạo ra tác động lớn đến môi trường. Trước tiên, mỗi người cần hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, thay vào đó ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi vải, bình nước cá nhân, hộp đựng thực phẩm tái sử dụng. Đây là hành động đơn giản, dễ thực hiện nhưng mang lại tác động tích cực lâu dài với sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, thói quen phân loại rác tại nhà của người dân vẫn chưa phổ biến. Đặc biệt, thói quen đốt rác tự phát vẫn diễn ra ở nhiều khu vực nông thôn và ngoại ô gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thay vì đốt rác, mỗi người có thể chủ động phân loại tại nguồn và đưa đến các điểm thu gom để xử lý an toàn.
Người dân có thể chủ động phân loại rác hữu cơ, rác tái chế và rác thải nguy hại ngay từ sinh hoạt hàng ngày. Ban đầu việc này có thể mất thời gian hơn so với thói quen bỏ rác truyền thống nhưng khi đã quen dần, việc phân loại rác sẽ rất nhanh chóng và góp phần bảo vệ môi trường.
Mặt khác, việc mua sắm và tiêu dùng quá mức, đặc biệt với các sản phẩm không cần thiết hoặc khó phân hủy cũng làm gia tăng lượng rác thải. Do đó, mỗi người nên hướng tới tiêu dùng bền vững, ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, dễ tái chế.
Trong thời gian tới, Tagom dự kiến xây dựng thêm các trạm cứu hộ môi trường tại các quận nội thành Hà Nội, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc phân loại rác tại nguồn.
Bên cạnh đó, nhóm cũng đang lên kế hoạch phát triển website và ứng dụng tích điểm cho người tham gia đổi rác. Khi mang rác đến phân loại, người dân sẽ được tích điểm để đổi quà hoặc có thể đóng góp số điểm này vào quỹ hoạt động xã hội, hỗ trợ các chương trình của nhóm như trồng cây, xây dựng thư viện hay hoạt động thiện nguyện khác.
Tagom cũng mở rộng hợp tác với các đơn vị thu mua phế liệu, nhằm tăng tỷ lệ rác tái chế, giảm lượng rác thải ra môi trường, hướng đến một mô hình xử lý rác bền vững hơn.